Việt Nam đã tiếp nhận 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo 636 của Nga cùng 3 chiếc khác đang được đóng theo hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD ký năm 2009. Việc nâng cấp không quân sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có quân đội mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, đã diễn ra những cuộc thảo luận không được ghi nhận với các nhà thầu như Saab (Thụy Điển), Eurofighter (châu Âu), mảng quốc phòng của Tập đoàn Airbus và các công ty Mỹ gồm Lockheed Martin và Boeing, các nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho biết.
Các nhà thầu quốc phòng đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Việt Nam trong những tháng gần đây mặc dù không có giao dịch nào được dự kiến diễn ra, nguồn tin (xin được giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề) cho biết.
Máy bay chiến đấu Saab JAS-39 Gripen-E
Một nhà thầu quốc phòng phương Tây nói rằng phía Hà Nội muốn hiện đại hóa lực lượng không quân bằng việc thay thế hơn 100 chiếc MiG-21 đã cũ trong, khi giảm phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Nga vốn chiếm phần lớn trong trang bị của quân đội hơn 480.000 người này.
Việt Nam cũng đặt hàng thêm khoảng 12 chiếc Su-30 của Nga nhằm bổ sung vào phi đội Su-27/30 của nước này.
"Chúng tôi đã có dấu hiệu cho thấy họ muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga. Việc quan hệ ngày càng thân thiết với Mỹ và châu Âu sẽ giúp họ làm điều đó," nhà thầu quốc phòng cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho hay đã chuyển câu hỏi của Reuters về việc thảo luận mua máy bay sang một cơ quan thích hợp.
Phía Boeing trả lời trong email rằng họ có khả năng trong các: "nền tảng tình báo, trinh sát mà có thể đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của Việt Nam". Tuy nhiên Boeing không đưa ra chi tiết cụ thể.
Phía Lockheed và Saab từ chối bình luận, còn Eurofighter và Airbus không trả lời về điều này.
Trong số các máy bay đang được đàm phán với phía Việt Nam có tiêm kích Saab JAS-39 Gripen-E cũng như Saab 340 hoặc Saab 2000 trang bị hệ thống tuần thám biển và cảnh báo sớm, một nguồn tin liên quan cho biết.
Việt Nam cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về loại máy bay chiến đấu Typhoon chế tạo bởi Eurofighter cũng như tiêm kích hạng nhẹ F/A-50 được hợp tác phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) và Lockheed (Mỹ), các nguồn tin riêng biệt cho biết.
Phía Lockheed đã thảo luận về mẫu máy bay Sea Hercules, phiên bản tuần thám biển của dòng máy bay vận tải C-130.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết phía Boeing muốn bán chương trình máy bay tuần thám biển của mình bao gồm cả công nghệ trinh sát của P-8, mặc dù không bao gồm khả năng chống ngầm.
Việt Nam cũng đồng thời quan tâm đến các máy bay không người lái (UAV) không vũ trang chế tạo bởi những nhà thầu phương Tây và châu Á.
Máy bay vận tải C-295M của Không quân Việt Nam
Việt Nam đã bắt đầu mua vũ khí phương Tây trong những năm gần đây, như việc mua các máy bay DHC-6 Twin Otter của Canada, CASA C-212 và C-295M của Airbus.
Phía Airbus Defence cũng đã đàm phán về việc cung cấp các phiên bản C-295 tuần thám biển và cảnh báo sớm, một nguồn tin cho biết.
Ngoài ra, Airbus Helicopters cũng đã có những cuộc đàm phán sơ bộ với quân đội Việt Nam.
Mặc dù mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng ấm dần lên, nhưng Việt Nam vẫn cảnh giác với việc mua quá nhiều vũ khí Mỹ và do đó tạo lợi thế cạnh tranh cho Thụy Điển.
"Mẫu Gripen-E sẽ là lựa chọn tối ưu về chi phí. Saab có thể cung cấp kèm gói bao gồm máy bay tuần thám biển và máy bay cảnh báo sớm," ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại châu Á nói.