LTS: Nhằm ôn lại những truyền thống hào hùng của Bộ đội Tăng Thiết giáp, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài những trận đánh và những thành tích ấn tượng của lực lượng này trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Kỳ 1: Chiến đấu như đặc công, lính tăng Việt Nam lập kỳ tích
Kỳ 2: Chỉ có ở VN: Trung đoàn xe tăng lột xác thành bộ binh cơ giới
Kỳ 3: Mỹ dùng chiến thuật "trâu rừng" tại VN - Gậy ông lại đập lưng ông
Kỳ 4: Trận đấu tăng "1 chọi 10": Kỳ tích của Bộ đội xe tăng Việt Nam
Ý tưởng đó đã được thực hiện ở Trung đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) 202 tại mặt trận Quảng Trị 1972, khi đưa các đội phẫu lên xe thiết giáp BTR-50PK.
BTR-50PK là xe gì?
Đó là xe thiết giáp chở bộ binh bơi nước được chế tạo dựa trên nguyên mẫu xe tăng bơi PT-76.
Ta hãy hình dung chiếc xe tăng bơi PT-76 cắt bỏ tháp pháo, vị trí của trưởng xe và xạ thủ được đẩy lên phía trước song song với lái xe, còn toàn bộ khoang chiến đấu của xe trở thành khoang chở bộ binh.
Với diện tích như vậy, xe BTR-50PK có thể chở 1 tiểu đội bộ binh 12 người cùng trang bị (trong thực tế xe có thể chở tối đa đến 20 chiến sĩ). Vũ khí trong biên chế của xe chỉ có 01 khẩu trung lên RPD-M.
Khi hoạt động dưới nước, xe có khả năng bơi với tốc độ tối đa 11 km/h.
Trung đoàn BBCG202 được trang bị hỗn hợp BTR-50PK và xe tăng lội nước PT-76 trước giờ xuất trận.
Xe được trang bị cho các đơn vị bộ binh cơ giới của Liên Xô và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Hàng nghìn chiếc BTR-50 đã được Liên Xô chế tạo trong giai đoạn 1954-1970.
Nhìn chung, xe đáp ứng được nhiệm vụ chở và bảo vệ bộ binh trước sự sát thương của vũ khí bắn thẳng và mảnh bom pháo trên mọi loại địa hình. Tuy nhiên, có nhược điểm là BB khi ra vào xe phải qua cửa nóc xe nên khá nguy hiểm.
Năm 1971, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam loạt xe BTR-50PK đầu tiên và chủ yếu được biên chế vào Trung đoàn BBCG 202. Đây là trung đoàn BBCG đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng trên cơ sở Trung đoàn xe tăng 202.
Với đặc điểm biên chế, trang bị hỗn hợp cả xe tăng lẫn xe bọc thép chở bộ binh, người ta kỳ vọng trung đoàn có thể độc lập chiến đấu trong thời gian dài trên mọi loại địa hình, đặc biệt có thể thực hiện các trận thọc sâu chiến dịch với chiều sâu vài chục km.
Trong điều kiện như vậy, việc sơ cấp cứu thương binh sẽ rất khó khăn, nhất là khi ta chưa được trang bị xe cứu thương bọc thép chuyên dụng.
Để giải quyết vấn đề này, 2 chiếc BTR-50PK đã được cải tiến trở thành 2 xe phẫu lưu động để có thể bám sát đội hình chiến đấu.
Xe bọc thép BTR-50PK. Ảnh minh họa.
Xe phẫu được cải tiến thế nào?
Để trở thành xe phẫu thuật lưu động, xe bọc thép BTR-50PK có một số cải tiến nhỏ sau:
Bổ sung 1 tấm nóc phụ có kích thước tương đương với 2 tấm cửa nguyên thủy. Tấm nóc này có bản lề và khớp nối để lắp với 2 tấm cửa kia.
Khi lắp chúng với nhau 2 tấm cửa nguyên thủy sẽ nâng lên khoảng 45 độ, đảm bảo đủ chiều cao cho kíp phẫu thuật đứng làm việc bởi chiều cao nguyên thủy không cho phép người có chiều cao trung bình đứng thẳng.
Phía dưới tấm nóc phụ được gắn 01 đèn mổ sử dụng nguồn điện xe tăng (24V). Ngoài ra còn có nguồn cấp điện từ 1 đi-na-mô đạp chân. Các hàng ghế ngồi bộ binh trong xe được dỡ bỏ. Thay vào đó lắp các tủ đựng quần áo vô trùng, bông băng, thuốc và dụng cụ.
Về trang bị chuyên môn của xe phẫu gồm có: 01 bàn mổ dã ngoại, mặt nhôm, có thể gấp lại được khi cần thiết. 01 bộ đồ “trung phẫu”.
Về biên chế trên xe gồm có: Thành viên kíp xe 2 người với Trưởng xe (kiêm xạ thủ RPD-M) và lái xe. Kíp mổ gồm: 1 bác sĩ (phẫu thuật viên chính), 2 y sĩ, 2 y tá, 01 hộ lý.
Ngoài ra, trên xe còn trang bị vũ khí cá nhân cho các thành viên kíp mổ.
Với trang bị và biên chế như vậy, xe phẫu có thể bám sát đội hình chiến đấu của lực lượng Tăng-Thiết giáp và kịp thời cấp cứu thương binh trong thời gian nhanh nhất. Sau đó số thương binh này sẽ được bàn giao cho bộ phận tải thương chuyển về phía sau.
Trong đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch Quảng Trị năm 1972, 2 xe phẫu của Trung đoàn BBCG 202 đã được đưa vào sử dụng và đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 1972, khi ta chuyển sang phòng thủ thì nhiệm vụ cấp cứu thương binh lưu động không cấp thiết nữa, mặt khác do trang bị chiến đấu bị thiếu hụt nhiều... 2 xe này lại được “trả lại tên” và đưa về các đơn vị chiến đấu.
Thời gian phục vụ của 2 xe phẫu lưu động tương đối ngắn, song cũng cho phép rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết đối với công tác bảo đảm quân y cho bộ đội Tăng - Thiết giáp sau này.