TT Putin tinh đời chọn Shoigu làm Bộ trưởng BQP - Quân đội Nga bừng tỉnh sau khốn khó

Đại tá Trần Danh Bảng |

Tổng thống Putin “có đôi mắt tinh đời” khi giao vị trí rất quan trọng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho Shoigu, một người từng giữ cương vị Bộ trưởng tình trạng khẩn cấp 11 năm liền.

LTS: Tổng thống Putin quả thực đã có "đôi mắt tinh đời” khi giao một vị trí rất quan trọng là Bộ trưởng Bộ quốc phòng (BQP) cho Sergey Shoigu, một người từng giữ cương vị Bộ trưởng tình trạng khẩn cấp 11 năm liền.

Tháng 11.2013, một năm sau khi ông Shoigu lên làm Bộ trưởng BQP, VTsIOM tiến hành một cuộc khảo sát thái độ 1.600 người Nga về ông Shoigu. Kết quả là có 46% người dân tôn trọng ông Shoigu, 35% tin tưởng và 15% cho biết có cảm tình với ông.

Nhân dịp ông Shoigu sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Đại tướng ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng BQP nước ta, trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc tuyến bài "Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu" và mới chỉ giới hạn trong xem xét lực lượng Không quân Nga, qua những năm tháng khốn khó, tới thời của Bộ trưởng Sergei Shoigu đang bừng tỉnh như thế nào.

KỲ 1: TỔNG THỐNG NGA TINH ĐỜI CHỌN SHOIGU LÀM BỘ TRƯỞNG BQP - QUÂN ĐỘI NGA BỪNG TỈNH SAU KHỐN KHÓ

Thời oanh liệt chưa xa

Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Không quân Xô Viết (VVS) đã được hiện đại hóa, tăng cường lực lượng bằng nhiều máy bay hiện đại.

Đỉnh cao thập niên 1980, không quân VVS triển khai xấp xỉ 10.000 máy bay, một Quân chủng Không quân với chất lượng và số lượng thuộc hàng siêu cường trên thế giới.

VVS có Không quân tầm xa (Dal'naya Aviatsiya hoặc DA); Không quân tiền tuyến (Frontovaya Aviatsiya hoặc FA) và Không quân vận tải quân sự (Voenno-Transportnaya Aviatsiya hoặc VTA). Tất cả được biên chế trong hơn 20 Tập đoàn không quân.

Điểm qua trang bị, họ có: 165 máy bay ném bom chiến lược, 550 máy bay ném bom tầm trung, 2.780 máy bay tiêm kích, 2.835 máy bay cường kích, 576 máy bay vận tải…Những số liệu trên đây đủ cho thấy sức mạnh của một Quân chủng Không quân hiện đại.

Đó là chưa kể đến VVS còn viện trợ cả về phương tiện và đào tạo cho trên 10 nước "anh em" xây dựng lực lượng không quân mạnh mẽ của họ.

TT Putin tinh đời chọn Shoigu làm Bộ trưởng BQP - Quân đội Nga bừng tỉnh sau khốn khó - Ảnh 1.

Không quân Nga đã có sự lột xác mạnh mẽ sau những sai lầm thảm họa. Ảnh: Airplane Pictures.

Sự thật không hề thêu dệt

Có một sự thật, từ sau năm 2000, Không quân Nga rơi vào tình trạng sa sút khả năng thực chiến đáng lo ngại. Về trực thăng, Tư lệnh Không quân Nga - Đại tướng Vladimir Mikhailov nói với hãng RIA Novosti về trực thăng chiến đấu:

"Không quân Nga đang rất cần có một thế hệ trực thăng mới, hiện đại hơn. Loại "được nhất" như Black Shark và Mi-26 cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số, khiến cho khả năng thực chiến chỉ 35%"....

Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991, Không quân Liên Xô được phân chia cho các nước cộng hòa. Kết quả là Nga nhận được khoảng 40% phương tiện và 65% nhân viên của Lực lượng Không quân Liên Xô.

Bộ trưởng bqp nga Sergei Shoigu

Trong những năm Nga can thiệp ở Afghanistan (xấp xỉ 10 năm 1978–1992) và sau này, VVS đã tham gia vào Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994–1996) và Chiến tranh Chechnya lần thứ hai (1999–2002).

Qua những chiến dịch này lộ rõ những khó khăn lớn cho VVS tác chiến trên địa hình rừng núi, khi phiến quân trang bị với các tên lửa đất đối không Stinger và Strela-2M.

Không quân Nga đã rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu, quý giá từ hàng trăm máy bay và phi công bị mất, nhất là trực thăng tấn công. Không quân không chỉ giảm nhanh chóng về số lượng mà còn giảm đào tạo nhân sự, giảm về sân bay.

Những câu chuyện về khả năng chiến đấu oai hùng của không quân Nga, chỉ còn là chuyện dĩ vãng.

Năm 2004, nền quốc phòng Nga đã được chăm chút hơn rất nhiều. Thế nhưng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergey Ivanov lúc đó vẫn than thở: "Ngần ấy tiền cũng chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu cho nhu cầu của Quân đội".

Tờ Gazeta Russia khi đó nhận định:

"Mọi người đều biết những bất ổn trong quân đội Nga: trình độ huấn luyện kém xa rất nhiều so với ước muốn, trang thiết bị quân sự không đầy đủ, tình trạng tham nhũng tràn lan trong giới sĩ quan... đó là những bất cập gây bất lợi lớn nhất đối với quân đội".

Những lời phàn nàn như trên đây, nhan nhản trên phương tiện thông tin đại chúng sau năm 2000. Người dân, tướng lĩnh lòng dạ đầy tâm tư, thế lực đối địch thì mừng thầm.

Sức ép cải tổ

Đại tá Không quân - Anh hùng Lực lượng vũ trang Yeugeny Zelenov, thành viên Ủy ban Quốc phòng Viện Duma, nhìn nhận: Bây giờ, kẻ thù của chúng ta là ngân sách Liên bang.

Ngân sách dành cho quốc phòng năm 1997 chiếm khoảng 5% GDP, cao gần gấp đôi so với 2,6% hiện giờ (sau năm 2000). Rõ ràng, vấn đề an ninh quốc phòng đã bị xem nhẹ".

Trước Ngày binh sĩ Nga (23-2-2003), Tổng thống Nga - Vladimir Putin đi thăm một số đơn vị, gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của một số sĩ quan "cấp thấp" và được báo cáo rất thật về thực trạng của quân đội:

"Không có giáo án huấn luyện đặc biệt cho những nhiệm vụ quan trọng. Suốt 30 năm nay, binh sĩ nhập ngũ vẫn được huấn luyện bằng giáo án cũ, trang thiết bị cho các đơn vị đã quá lạc hậu"

Thậm chí, các binh sĩ phải tự mua phương tiện kỹ thuật bằng chính tiền túi của mình để làm tròn nhiệm vụ!

Trước đây, mỗi phi công chiến đấu Nga hằng năm phải bay ít nhất từ 70 đến 100 giờ, nhưng do hạn chế nhiên liệu, họ chỉ có thể được bay từ 25 đến 30 giờ. Trong khi các phi công của NATO có số giờ huấn luyện cao hơn, là 150 đến 200 giờ bay mỗi năm.

Lúc này chỉ có 3% phi công cấp 1 và cấp 2 của Nga đang ở độ tuổi dưới 36. Nguồn phi công trẻ, bay giỏi gặp nhiều khó khăn.

Không quân Nga vào năm 2008 gần như hoàn toàn không được mua sắm thiết bị mới. Những máy bay trẻ nhất năm 2008 cũng đã có ít nhất 15 - 20 năm tuổi.

Tổng giám đốc Hãng Mig, ông Nikolay Nikitin cho biết: "Chỉ có 1/10 số tiền thu được từ xuất khẩu được tái đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới".

Năm 2007, trong ngày Lễ Hàng không tại Kursk, Nga có số máy bay tiêm kích MiG-29 nằm sân cực lớn, đa số do hỏng hóc động cơ, chưa thể thay thế.

Không thể để như vậy, năm 2008, BQP Nga đã gắng sức cải tổ không quân. Nhưng lại mắc sai lầm về tư duy chiến lược - chiến dịch và mua sắm.

Bước một, họ giải thể 6 Tập đoàn quân không quân, thay vào đó đã thành lập 4 Bộ tư lệnh không quân và phòng không. Biên chế tổ chức cấp sư đoàn và trung đoàn không quân bị bãi bỏ.

Tiếp theo là hàng trăm máy bay chiến đấu cùng với các phi công, và hàng ngàn nhân lực phục vụ mặt đất phải chuyển tới các sân bay khác theo chủ trương sát nhập nhiều sân bay nhỏ thành một sân bay lớn.

TT Putin tinh đời chọn Shoigu làm Bộ trưởng BQP - Quân đội Nga bừng tỉnh sau khốn khó - Ảnh 2.

Nhiều loại máy bay cùng được "gom" về 1 căn cứ sân bay lớn. Ảnh minh họa.

Thời Anatoliy Eduardovich Serdyukov lên nắm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, ông này cho rằng sẽ rất kinh tế nếu "gom" toàn bộ các máy bay và máy bay trực thăng của Không quân vào một số sân bay lớn.

Tổng Tham mưu trưởng lúc đó là N. Makarov cũng hưởng ứng ý tưởng này. Lập luận là ngân sách của Bộ phải chi một khoản quá lớn để duy trì một số lượng sân bay nhiều và phân tán như vậy. Trung bình một năm cần tới 1 tỷ rúp để duy trì hoạt động cho mỗi sân bay.

Trước năm 2008, Nga có tới 245 sân bay quân sự được bố trí trên khắp lãnh thổ. Chỉ sau 2 năm, trong số 245 sân bay quân sự chỉ còn tổng cộng 70 sân bay cấp 1 hoạt động.

"Các nhà cải cách” còn tính: chỉ cần 27 sân bay là đủ. Những sân bay còn lại không sử dụng, tạm thời “niêm cất”.

Trong khi, Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ 1 phần 9 diện tích lục địa, trải dài trên phần phía bắc của siêu lục địa Á - Âu. Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau khoảng 8,000 km, bao trùm 11 múi giờ! Vậy mà chỉ cần 27 sân bay các loại?

Nhiều đơn vị khi có quyết định giải thể, sân bay “niêm phong” chỉ duy trì một lực lượng bảo vệ, nhưng các nguồn cấp điện, thiết bị thông tin liên lạc đã bị mất cắp khiến sân bay hầu như không còn khả năng hoạt động.

Sân bay Domna ở vùng ngoại Baikal trở thành căn cứ không quân số 412, gồm cả máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay lên thẳng tấn công và vận tải, tổng cộng khoảng vài trăm chiếc!

Tại sân bay “Baltimor”, Tướng Serdiukov đã “gom” tới hơn 200 máy bay và máy bay lên thẳng, kể cả máy bay ném bom hiện đại nhất là Su-34. Không thể như vậy! Hầu hết tướng lĩnh phản đối quyết định "gom máy bay".

TT Putin tinh đời chọn Shoigu làm Bộ trưởng BQP - Quân đội Nga bừng tỉnh sau khốn khó - Ảnh 3.

Các máy bay Su-34 tại căn cứ Không quân Lipetsk.

Vì co cụm các sân bay như vậy sẽ dẫn đến thảm kịch nếu có mối đe dọa tấn công đường không hoặc tên lửa thì không có cách nào có thể sơ tán các máy bay, khi mỗi máy bay cần ít nhất 2 phút để chuẩn bị và cất cánh.

Sau “Cuộc chiến 5 ngày” tháng 8 năm 2008 giữa Nga với Gruzia, Không quân Nga đã “choáng”, với việc bị bắn rơi 6 máy bay chiến đấu.

Giới chức Quân đội Nga đã chua xót nhận định, các máy bay thế hệ 3 và 4 của Nga đã lỗi thời, không đủ điều kiện để hoạt động trong đội hình chiến đấu của các máy bay tiêm kích đa năng và cường kích mặt trận.

Tác chiến điện tử thì yếu và thiếu khi phải oanh kích vào sâu trong vùng đối phương kiểm soát.

Quyết định của A. Serdiukov bố trí một số lượng máy bay quá lớn vào một sân bay, về mặt an ninh (quốc gia) là không thể chấp nhận được.

Một số chuyên gia Nga đã cay đắng thừa nhận là những thiệt hại do các vụ bê bối tham nhũng trong các “nhóm lợi ích” dưới thời Serdiukov sẽ không thấm vào đâu so với các tổn thất từ chính sách "điều chỉnh" của các quan chức Bộ này gây ra.

"Giọt nước tràn ly"

Vì những sai lầm nói trên, Nga quyết định tiến hành cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa.

Đây chỉ là các biện pháp “sửa sai” cho những quyết định “chết người” của A. Serdiukov (nguyên Bộ trưởng quốc phòng), N. Makarov (nguyên Tổng tham mưu trưởng) với Không quân, trong hơn 4 năm tiến hành cải cách quân đội (2008-2012).

TT Putin tinh đời chọn Shoigu làm Bộ trưởng BQP - Quân đội Nga bừng tỉnh sau khốn khó - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu (thứ 3 từ trái sang) bên cạnh TT Putin tại Trung tâm Chỉ huy phòng thủ Quốc gia.

Nga đã tái cơ cấu tổ chức “mỗi sân bay một trung đoàn không quân” theo mô hình Liên Xô cũ. Không duy trì các sân bay có số lượng máy bay từ 100 chiếc trở lên như trước đây.

Trong thời gian tới, mỗi năm Không quân Nga sẽ hiện đại hóa (hoặc cải tạo lại) từ 10 đến 11 sân bay để có thể dần phát triển hệ thống mạng lưới các sân bay đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại.

Đồng thời chuẩn bị các đường băng cất - hạ cánh cho các loại máy bay mới nhất trong tương lai.

Bước sang năm 2013, Bộ trưởng Sergei Shoigu được Tổng thống Putin giao nhiệm vụ. Khi đó, thực trạng tồi tệ của không quân đã khiến nhu cầu cải tổ đã quá rõ ràng.

Tướng Sergei Shoigu rất coi trọng cải cách cả hệ thống đào tạo, huấn luyện.

Chủ tịch của Viện Hàn lâm Địa chính trị Leonid Ivashov nói về Sergei Shoigu:

Trước hết, khôi phục năng lực chiến đấu của quân đội và hải quân. Thứ hai, nâng cao uy tín của hoạt động quân sự. Cuối cùng, có một chương trình tái trang bị hệ thống quân sự-kỹ thuật hiện đại mới".

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại