Cấu hình Su-35SKV nào phù hợp với Việt Nam?

Tuấn Trung |

Nếu Việt Nam lựa chọn một phiên bản Su-35S của riêng mình thì nhiều khả năng máy bay sẽ nhận định danh Su-35SKV.

Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho biết giai đoạn thương thảo hợp đồng mua tiêm kích Su-35S giữa Nga và Trung Quốc đã sắp kết thúc.

Nếu Su-35S được xuất khẩu sang Trung Quốc thì nhiều khả năng nó sẽ mang tên định danh Su-35SKK (tương tự như Su-30MKK).

Trong đó, chữ “S” là ký hiệu của phiên bản Su-35 sản xuất hàng loạt, chữ “K” biểu thị đây là dành cho xuất khẩu, còn chữ “K” thứ hai chính là “Kitai” (Trung Quốc trong tiếng Nga).

Sở dĩ biến thể Su-35S xuất khẩu cho Trung Quốc có thêm chữ “K” thứ hai là do máy bay sẽ được trang bị nhiều thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất trong nước bên cạnh những thành phần chính cấu thành nên sức mạnh của Su-35S.

Chiếc Su-35S xuất khẩu đầu tiên nhiều khả năng sẽ mang định danh Su-35SKK

Vậy trong trường hợp Việt Nam cũng lựa chọn Su-35S để tăng cường sức mạnh cho không quân thì phiên bản đó sẽ mang định danh Su-35SK thông thường hay Su-35SKV?

Việt Nam hoàn toàn không thể thay thế các thiết bị điện tử phụ trợ nội địa cho máy bay giống như Trung Quốc và cũng ít có khả năng cấy ghép sản phẩm của phương Tây như Ấn Độ đã làm với Su-30MKI.

Vì vậy, nếu như chúng ta muốn lựa chọn một biến thể Su-35S phù hợp nhất với mình thì chỉ có một con đường là yêu cầu Nga thay thế một số trang thiết bị trên máy bay. Đó sẽ là thành phần nào?

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hai yếu tố tạo nên sức mạnh vượt trội cho Su-35S là radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis và động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41FS.

Radar N035 Irbis mặc dù có một số ý kiến cho rằng nó không hơn N011M BARS trên Su-30MKI là bao, nhưng dù sao đây vẫn là thành phần không thể thay thế.

Động cơ phản lực AL-41FS

Nhưng đối với động cơ AL-41FS thì lại không như vậy, mặc dù động cơ thế hệ mới này giúp cho Su-35S có khả năng thao diễn rất linh hoạt, cực kỳ hữu dụng khi phải không chiến trong tầm nhìn.

Tuy nhiên AL-41FS ngoài giá thành cao còn có một nhược điểm “chết người” đó là tuổi thọ của bộ phận điều chỉnh hướng phụt rất ngắn, chỉ được khoảng 500 giờ bay là phải tháo ra đại tu. Trong thời gian đó, máy bay buộc phải nằm đất.

Điều này thực sự sẽ gây đau đầu cho các quốc gia có tiềm lực còn hạn chế như Việt Nam, đặc biệt là khi số lượng máy bay chiến đấu hiện đại còn rất ít ỏi.

Vậy liệu Việt Nam có nên lựa chọn động cơ thông thường AL-31F không có chức năng kiểm soát vector lực đẩy thay cho AL-41FS?

Việt Nam có thực sự cần Su-35 trang bị động cơ AL-41FS

Động cơ AL-31F ngoài ưu điểm là tuổi thọ cao (trên 2.000 giờ bay), giá thành rẻ, thì còn tỏ ra thích hợp với một chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không chuyên đánh tầm xa hơn.

Với môi trường tác chiến chủ yếu ở hướng biển, máy bay khó có khả năng gặp phải tình huống không chiến quần vòng cự ly ngắn với những chiếc tiêm kích hạng nhẹ xuất hiện bất ngờ từ các sân bay dã chiến được địa hình hiểm trở bao bọc.

Bên cạnh đó, các tiêm kích Su-27/30 lắp động cơ AL-31F cũng vẫn cho khả năng thao diễn rất linh hoạt, không thua kém quá nhiều máy bay trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy.

Nếu Việt Nam quyết định lắp động cơ AL-31F cho Su-35 sẽ giải quyết được vấn đề chi phí, đảm bảo duy trì tốt số lượng máy bay trực sẵn sàng chiến đấu trong khi hiệu quả tác chiến hầu như không bị ảnh hưởng.

Tóm lại, với một số nhận định trên, việc Việc Nam lựa chọn cấu hình Su-35SKV với radar Irbis-E và động cơ AL-31F là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại