Canada có thể là "cứu tinh" của Pháp trong vụ tàu Mistral với Nga

Nhật Huy |

Quyết định của Pháp tạm dừng chuyển giao 2 tàu đổ bộ lớp Mistral cho Nga có thể lại là cơ hội tốt cho NATO, hải quân Canada, cũng như bản thân ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.

Đó là nhận định do ông Jim Dorschner, một cựu trung tá lục quân Mỹ, đưa ra trong bài bình luận đăng trên website của Viện Hải quân Mỹ (USNI).

Theo đó, thay vì phải để nước Pháp gánh chịu những thiệt hại kinh tế vì đã phản đối các hành động của Nga tại Ukraine, khối NATO nói chung, cùng với 2 nước Canada và Pháp nói riêng, có thể đề ra một giải pháp có lợi cho tất cả các bên.

Nếu như Pháp cần thu hồi vốn cho 2 chiếc Mistral đang được đóng thì cả Canada và khối NATO cũng đang có nhu cầu sở hữu loại tàu tương tự. Đối với Canada, một con tàu như Mistral có thể bổ sung khả năng hỗ trợ các chiến dịch viễn dương của Hải quân hoàng gia Canada. Hiện nước này đang trong quá trình phát triển một thế hệ tàu mới gọi là tàu hỗ trợ hậu cần đa quân chủng (JSS), dùng cho các chiến dịch hỗn hợp trong tương lai của lục quân và hải quân Canada. Nhưng JSS thiên về tàu tiếp tế hậu cần hơn là một con tàu có thể hỗ trợ tác chiến viễn chinh như Mistral.

JSS được thiết kế dựa trên tàu tiếp tế lớp Berlin

Ngoài ra, 1 trong 2 chiếc Mistral đã đang trong quá trình chạy thử, chiếc thứ 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào 2015. Trong khi đó dự án JSS vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, chiếc đầu tiên chỉ bắt đầu được đóng vào 2017 hoặc 2018 và bàn giao 1 năm sau đó.

Tất nhiên vẫn có những trở ngại lớn cho ý tưởng trên. Quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Các nước thành viên NATO cần tìm được nguồn tài chính để chi trả cho Pháp tương tự như các điều khoản trong hợp đồng với Nga. Ngoài ra còn có các chi phí dùng để tái trang bị lại theo tiêu chuẩn NATO, chi phí cơ sở hạ tầng đi kèm, và chi phí cho việc huấn luyện thủy thủ đoàn.

Nếu như ý tưởng trên thành hiện thực thì chiếc Mistral đầu tiên, hiện đang trong quá trình hoàn thiện tại xưởng đóng tàu STX Europe, Pháp, sẽ có thể được đưa vào biên chế NATO vào năm 2015. Tàu sẽ được triển khai tại Châu Âu, với thủy thủ đoàn đa quốc gia, nhưng đa số đến từ Pháp.

Chiếc Mistral thứ 2 sẽ có thể được hải quân Canada thuê theo hợp đồng 5 năm, có kèm điều khoản gia hạn. Nó sẽ được đặt tại cảng Halifax và phục vụ cho Canada cũng như các chiến dịch chung của NATO.

Chiếc Mistral của NATO sẽ hoạt động theo quy chế tác chiến và quản lý chung của khối, vốn đã được áp dụng trước đó đối với các đơn vị AWACS và máy bay vận tải hạng nặng C-17. Cả 3 loại phương tiện này có thể được đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất từ tổng hành dinh NATO.

Việc đưa Mistral vào biên chế cũng phù hợp với bản kế hoạch hành động nhằm tăng khả năng phản ứng nhanh được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 5/9 vừa qua tại Wales. Bản kế hoạch này yêu cầu tăng cường khả năng triển khai nhanh thông qua việc luân chuyển lực lượng, thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận, xây dựng các cơ sở quân sự mới và triển khai sẵn các phương tiện quân sự tại khu vực phía đông và nam Châu Âu.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh các biện pháp trên không chỉ do tình hình tại Ukraine mà còn để đối phó với sự bất ổn và chủ nghĩa cực đoan tại Trung Đông, Bắc và Tây Phi.

Cơ chế chỉ huy chiếc Mistral của NATO cũng có thể áp dụng cho chiếc Mistral của Canada, trừ khi nó đang thực hiện nhiệm vụ quốc gia riêng cho nước này. Nòng cốt của thủy thủy đoàn là người Canada, nhưng có sự tham gia của một số sĩ quan và thủy thủ từ Pháp, cũng như các nước thành viên NATO khác như Mỹ, Anh, Đức, Na Uy…

Những loại nhiệm vụ mà Mistral có thể thực hiện cho Canada bao gồm:

- Hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ hoặc hoạt động của các đơn vị đặc nhiệm, tìm kiếm cứu hộ trong vùng chiến sự, hay di tản thường dân…

- Hỗ trợ các chiến dịch bảo vệ chủ quyền ở vùng Bắc Băng Dương. Tàu có thể đóng vai trò là căn cứ nổi cho hoạt động kinh tế, thực thi pháp luật, cứu hộ trong khu vực trên, không chỉ cho Canada mà các nước có cùng lợi ích, như Mỹ, Na Uy, Đan Mạch

- Đóng vai trò là tàu chỉ huy trong các chiến dịch chống hải tặc, săn tàu ngầm…

- Tham gia hoạt động huấn luyện và hợp tác quốc tế. Con tàu rất thích hợp cho những chuyến thăm, cũng như tổ chức những hoạt động giao lưu, huấn luyện chung giữa quân đội Canada và những nước khác.

- Đóng vai trò là tàu vận tải, chuyên chở trang thiết bị cho các chiến dịch ở hải ngoại.

Mistral được thiết kế để có thể mang theo 4 tàu đổ bộ, hơn 16 trực thăng, 60 xe cơ giới, gồm cả tăng chủ lực, và từ 450 đến 900 binh sĩ, một bệnh viện dã chiến, cùng hệ thống thông tin chỉ huy đủ để thiết lập một sở chỉ huy trên tàu.

Các loại trực thăng hiện có của Canada, gồm CH-148 Cyclone và CH-147F Chinook, đều có thể hoạt động trên Mistral. Để phát huy hết khả năng của Mistral, Canada nên mua thêm từ 6 đến 8 chiếc Cyclone phiên bản Commando, chuyên dùng cho các chiến dịch đặc biệt.

Trực thăng đa nhiệm CH-148 Cyclone
Trực thăng CH-147F Chinook

Cơ cấu lực lượng được triển khai theo tàu sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng loại nhiệm vụ cụ thể. Các chiến dịch đổ bộ, chiến dịch đặc biệt, cứu trợ nhân đạo hay thực thi chủ quyền sẽ cần sự kết hợp của trực thăng Cyclone, Chinook và CH-146 Griffon. Các chiến dịch chống hải tặc hay săn tàu ngầm sẽ chủ yếu dùng trực thăng Cyclone. Ngoài ra, các quốc gia đồng minh cũng có thể gửi trực thăng của mình theo tàu trong các chiến dịch chung để giúp tăng khả năng hiệp đồng tác chiến đa quốc gia trong khối NATO.

Trực thăng CH-146 Griffon

Một thách thức khác đặt ra cho hải quân Canada nếu tiếp nhận tàu là xây dựng đội ngũ nhân sự để vận hành nó. Nhưng Mistral được thiết kế để có thể hoạt động chỉ với một thủy thủ đoàn quy mô nhỏ, 20 sĩ quan, 80 hạ sĩ quan và 60 thủy thủ.

Thách thức lớn nhất nằm ở việc thuyết phục chính phủ và người dân Canada rằng tiếp nhận Mistral, tuy không nằm trong kế hoạch quốc phòng, là một quyết định hợp lý. JSS tuy vẫn rất cần thiết trong tương lai, nhưng Mistral có thể sẵn sàng phục vụ ngay từ 2016 cho nhiều loại chiến dịch khác nhau của NATO và Canada.

Tất nhiên tổng thống Pháp Hollande vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng với Nga nếu hòa bình được tái lập tại Ukraine. Nhưng nếu xét trên lợi ích chung của khối NATO thì rõ ràng Pháp không nên đảo ngược quyết định hiện nay.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại