Không quân Ấn Độ ngày một suy yếu
Theo tờ New York Times, chính quyền Tổng thống Obama đang có kế hoạch bán cho Pakistan 8 chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon mới.
Những chiếc máy bay này sẽ gia nhập không đoàn gồm 76 chiếc F-16 hay còn được gọi là “Viper” của Pakistan.
Trong khi đó, Không quân Ấn Độ - kẻ thù không đội trời chung của họ - đang ngày một co nhỏ lại bởi những chiếc máy bay đã già cỗi và các phi đoàn bị giải tán.
Giả sử Pakistan hoàn tất thương vụ này, 8 chiếc F-16 sẽ giúp tăng cường cho phi đoàn 18 chiếc Viper Bock 52+ tiên tiến của nước này.
Trong số những chiến đấu cơ F-16 còn lại, có một số chiếc được nâng cấp lên chuẩn Block 15 MLU, cho phép chúng có khả năng gần như tương đương với phiên bản Block 52+.
Máy bay chiến đấu F-16D Block 52+ của Không quân Pakistan. Ảnh: Wiki
Pakistan còn mua thêm hơn 150 tiêm kích đa nhiệm JF-17 Thunder do Tổ hợp hàng không Pakistan và Tập đoàn Thành Đô (Trung Quốc) hợp tác phát triển.
Trong biên chế Pakistan hiện có 49 máy bay JF-17 và nước này đang đặt hàng thêm 100 chiếc nữa.
JF-17 được xem là phiên bản tái thiết kế mở rộng của mẫu Chengdu F-7 (biến thể sản xuất theo giấy phép của tiêm kích MiG-21 Liên Xô).
Trang bị động cơ Klimov RD-93 do Nga chế tạo (một phiên bản của động cơ trên tiêm kích MiG-29), JF-17 có khả năng hoạt động tạm ổn với mức giá thấp.
Nhiều khả năng JF-17 sẽ thay thế những chiến đấu cơ F-7, Mirage III và Mirage IV đã già nua của Pakistan.
Tiêm kích đa nhiệm JF-17 do Pakistan hợp tác với Trung Quốc chế tạo.
Lực lượng máy bay chiến đấu còn lại của Pakistan bao gồm 140 chiếc F-7P và F-7G do Trung Quốc sản xuất – phiên bản sao chép của MiG-21. Chúng từng được nâng cấp với các radar Grifo-Mk-II của Italia nhưng giờ đã lỗi thời.
Ngoài ra còn có khoảng 157 máy bay chiến đấu Dassault Mirage III và Mirage V do Pháp sản xuất.
Mặc dù các máy bay chiến đấu F-7 hiển nhiên sẽ được thay thế bằng JF-17 nhưng ý đồ của Pakistan khi thay thế các máy bay chiến đấu Mirage là gì vẫn chưa rõ.
Không quân Pakistan không thể cạnh tranh với Không quân Ấn Độ về số lượng nhưng nước này đang tích cực nâng cấp lực lượng và thậm chí tăng cường quy mô. Trong khi đó, Không quân Ấn Độ lại đang co hẹp dần.
"Chết dần chết mòn"
Cán cân sức mạnh tại Nam Á đang nghiêng về Ấn Độ nhưng quốc gia này ngày càng gặp phải nhiều thách thức trước một đối thủ mạnh mẽ hơn là Trung Quốc, ngay cả khi Pakistan đã không còn là mối đe dọa lớn như trước đây.
Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ, đặc biệt là không quân, lại đang phải hứng chịu những hệ lụy từ bộ máy chính quyền quan liêu, kém cỏi và có lập trường đàm phán bảo thủ.
Không quân Ấn Độ được yêu cầu phải xây dựng 42 phi đoàn máy bay chiến đấu nhưng sau nhiều thập kỷ lơ đễnh, nước này mới chỉ có 35 phi đoàn.
Con số đó có thể còn giảm xuống hơn nữa, thậm chí chỉ còn 25 phi đoàn nếu Ấn Độ không có hành động nào để ngăn chặn tình trạng “mất máu” này.
Một phần vấn đề là thiếu phi công được huấn luyện đầy đủ nhưng phần nhiều là do Ấn Độ rất rề rà trong việc chọn lựa mẫu máy bay chiến đấu mới và hoàn tất các thủ tục đàm phán.
Ấn Độ đang đàm phán để mua 36 máy bay chiến đấu của Pháp nhưng thương vụ này vẫn chưa thự sự chắc chắn.
Ví dụ điển hình là biểu hiện quan liêu của chính quyền New Delhi trong gói thầu Máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung (MMRCA) vào năm 2001, trong đó Không quân Ấn Độ có kế hoạch mua mới 126 chiến đấu cơ.
Mặc dù Dassault Rafale (Pháp) rốt cuộc đã “chiến thắng” cuộc cạnh tranh vào năm 2011, tức là gần 10 năm sau khi mở thầu nhưng Ấn Độ lại tìm cách trì hoãn đàm phán với nhiều đòi hỏi vô lý mà chính phủ Pháp hay hãng Dassault Rafale đều không chấp nhận được.
Để rồi cuối cùng, tới năm nay, chương trình MMRCA đã bị hủy bỏ.
Ấn Độ hiện đang đàm phán để mua trực tiếp 36 máy bay chiến đấu Rafale từ chính phủ Pháp. Thỏa thuận này được cho là sẽ đạt được vào cuối năm nay. Song, với những gì mà Ấn Độ đã biểu hiện trước đây thì điều đó không có gì là chắc chắn.
Dẫu vậy, Không quân Ấn Độ vẫn cần ít nhất 120 máy bay chiến đấu hạng trung với khả năng tương tự như Rafale.
Trên thực tế, New Delhi vẫn hy vọng sẽ mua thêm chiến đấu cơ Rafale nhưng họ có thể phải mở rộng sản xuất tiêm kích nội địa Tejas để tăng số lượng phi đoàn bay.
Vấn đề ở chỗ, tiêm kích Tejas (do tập đoàn chế tạo máy bay HAL chế tạo) lại là một trong những dự án chiến đấu cơ tồi tệ nhất từng được phát kiến trong lịch sử hàng không.
Ngay cả khi đi vào hoạt động, mẫu máy bay này cũng lỗi thời và thua kém ở nhiều khía cạnh so với JF-17.
57 vấn đề đã được phát hiện trên mẫu tiêm kích này và nó có thể sẽ khiến nhiều phi công Ấn Độ hy sinh nếu có xung đột nổ ra.
Theo nhà phân tích Dave Majumdar, Tejas là một trong những dự án chiến đấu cơ tệ nhất trong lịch sử hàng không.
Điểm sáng trong Không quân Ấn Độ là các máy bay chiến đấu Su-30MKI.
Mặc dù New Delhi đang có vài trục trặc với Nga về vấn đề hỗ trợ các máy bay Flanker-H nhưng 220 chiếc Su-30 hiện có trong biên chế lực lượng này sẽ là hàng phòng thủ đầu tiên của Ấn Độ trước một cuộc tấn công.
Ấn Độ dự kiến sẽ trang bị tới 272 chiếc Flanker-H nhưng họ nên cân nhắc nghiêm túc khả năng mua thêm loại tiêm kích này cho tới khi Không quân Ấn Độ có thể khôi phục được phần nào sức mạnh về số lượng.
Về cơ bản, Ấn Độ nên cân nhắc hủy bỏ dự án Tejas và mua thêm 120 chiếc Flanker hoặc nhiều hơn nữa.
Su-30MKI hiện là "điểm sáng" duy nhất trong Không quân Ấn Độ.
Trong tương lai, New Delhi có thể sẽ mua một biến thể của tiêm kích tàng hình PAK-FA (T-50) do Nga - Ấn hợp tác phát triển.
Tuy nhiên, sự hợp tác đó có vẻ không vững và hiện chưa rõ khi nào hay sẽ có bao nhiêu máy bay loại này được chuyển giao cho Không quân Ấn Độ.
New Delhi cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 nội địa, tuy nhiên, với những gì mà họ đã thể hiện trong dự án Tejas thì có vẻ mẫu máy bay mới sẽ không thể cất cánh trong một sớm một chiều.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.
Khám phá tiêm kích Su-30MKI
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA