61-K 37mm - Khẩu pháo huyền thoại của Quân đội Việt Nam

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Pháo phòng không 61-K 37mm là một trong những vũ khí huyền thoại gắn liền với lịch sử 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Loạt bài về các vũ khí Bảo vật quốc gia:

Bảo vật quốc gia - Xe tăng 390 đang ở đâu?

Những hình ảnh mới nhất của Bảo vật quốc gia - Xe tăng 843

ẢNH: Chiếc MiG-21 được Thủ tướng công nhận là Bảo vật quốc gia

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vô cùng gian khổ của quân và dân Việt Nam ngoài sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của những người lính thì vũ khí chính là một phần vô cùng quan trọng trong việc tạo nên thắng lợi cuối cùng. Vũ khí chính là công cụ sức mạnh để quân và dân Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Một trong những vũ khí huyền thoại gắn liền với những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là pháo phòng không 61-K 37mm. Khẩu pháo phòng không này đã bắn hạ và góp phần bắn hạ rất nhiều máy bay của Pháp cho đến các tiêm kích hiện đại của Mỹ và hiện tại nó vẫn tiếp tục khẳng định giá trị chiến đấu của mình.

Chỉ mất 1 năm phát triển

Năm 1935, Liên Xô nhận được một số pháo Bofors 25mm model 1933 của Thụy Điển. Trên cơ sở đó, họ đã phát triển thành khẩu pháo 49-K sử dụng cỡ đạn 25mm. Tuy nhiên loại pháo này không nhận được sự quan tâm của quân đội do phạm vi tác chiến tương đối ngắn.

Pháo 61-K 37mm cùng một số súng máy phòng không 12,7mm của quân đội Việt Nam được sử dung trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được trưng bày trong bảo tàng.

Pháo 61-K 37mm cùng một số súng máy phòng không 12,7mm của Quân đội nhân dân Việt Nam được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được trưng bày tại bảo tàng.

Đầu năm 1938, nhà máy sản xuất pháo binh số 8 tại Kaliningrad đã bắt tay thiết kế một pháo phòng không mới tương tự khẩu 49-K nhưng sử dụng cỡ đạn 37mm nhằm tăng phạm vi tác chiến, pháo mới được định danh là 61-K. Đến tháng 10/1938 pháo 61-K bắn thử nghiệm lần đầu tiên. Đầu năm 1939, tức chỉ sau 1 năm phát triển pháo 61-K được đưa vào sản xuất hàng loạt. Từ năm 1940 trở đi, 61-K 37mm trở thành pháo phòng không tiêu chuẩn cho Hồng quân Liên Xô và rất nhiều quân đội khác trên thế giới.

Thành tích chiến đấu vô cùng ấn tượng

Pháo phòng không 61-K được sản xuất với 2 biến thể 1 nòng và 2 nòng, một số biến thể có tấm chắn phía trước để bảo vệ ê kíp vận hành khỏi mảnh đạn của đối phương, khẩu đội gồm 4-8 người tùy biến thể. Pháo có tầm bắn hiệu quả khoảng 4 km với mục tiêu mặt đất, 3 km với mục tiêu đường không, tầm bắn tối đa 9,5 km trên mặt đất và 6,7 km trên không. Khi tác xạ, pháo tạo nên một màn đạn dày đặc ở độ cao 6km.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2 gần như tất cả các loại máy bay của Đức đều hoạt động trong tầm bắn của pháo 61-K. Tổng cộng có đến 14.657 máy bay của Đức quốc xã bị bắn rơi bởi pháo 61-K đã cho thấy hiệu quả chiến đấu tuyệt vời của nó.

Góp phần làm phá sản chiến lược của Pháp, Mỹ tại Việt Nam

Tại chiến trường Việt Nam, 61-K 37mm tiếp tục khẳng định được tên tuổi lẫy lừng của mình. Khoảng giữa năm 1951, quân đội Việt Nam được viện trợ một số pháo phòng không 61-K 37mm loại 1 nòng có tấm chắn. Ngày 01/04/1953 Trung đoàn cao xạ 367 được thành lập với nòng cốt là các pháo 61-K 37mm được biên chế thành 6 tiểu đoàn với số lượng khoảng 48-72 khẩu cùng khoảng 500 súng máy phòng không 12,7mm.

Một trận địa cao xạ 37mm trong kháng chiến chống Mỹ.
Một trận địa cao xạ 37mm trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo phòng không 61-K 37mm đã bắn rơi 50 máy bay cánh bằng, 2 trực thăng, gây hư hại cho khoảng 100 chiếc khác góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược không vận tiếp tế cho cụm cứ điểm Điện Biên của Pháp và Mỹ. Cũng tại đây, pháo 61-K 37mm đã gắn liền với tên tuổi và sự hy sinh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện khi lấy thân mình chèn pháo, không cho pháo rơi xuống vực sâu. Khẩu pháo này sau đó đã cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay, gây hư hỏng 13 máy bay khác.

Sau kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1956-1960, quân đội Việt Nam tiếp tục được Liên Xô viện trợ một lượng lớn các biến thể khác nhau của pháo 61-K 37mm, nó kết hợp cùng với các loại súng, pháo phòng không 14,5mm, 23mm, 57mm được triển khai khắp miền Bắc và dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Lực lượng pháo phòng không này kết hợp với tên lửa SA-2 tạo nên mạng lưới phòng không dày đặc góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan, căn cứ quân sự, kho tàng, bến bãi, các khu công nghiệp ở miền Bắc cũng như các binh trạm ở Trường Sơn trước các cuộc tập kích ác liệt của Không quân Mỹ.

Sự có mặt của pháo 61-K 37mm đã làm giảm đáng kể hiệu suất chiến đấu của Không quân Mỹ, đối mặt với lưới lửa phòng không mặt đất dày đặc các máy bay Mỹ thường phải thả bom trước khi đến mục tiêu, không dám bổ nhào xuống thấp vì sợ vướng phải hỏa lực của pháo phòng không.

Các đơn vị được trang bị pháo 61-K 37 đơn cử như Trung đoàn pháo phòng không 218 đã lập chiến công bắn rơi 320 máy bay Mỹ. Ngoài nhiệm vụ phòng không, pháo 61-K 37mm còn rất hữu ích trong việc tấn công các mục tiêu mặt đất bằng cách hạ nòng bắn thẳng.

Trong chiến dịch Không Sê Đôn diễn ra tại Lào cuối năm 1972, một đơn vị bảo vệ trận địa với 4 pháo 61-K 37mm thuộc Đoàn 559 đã sử dụng loại pháo này để đẩy lui cuộc tấn công của bộ binh địch. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, pháo 61-K 37mm cũng được sử dụng để chống lại chiến thuật “biển người” của Trung Quốc.

Cải tiến để tiếp tục duy trì sức chiến đấu

Ngày nay, do có sự xuất hiện của vũ khí tấn công chính xác nên đã làm giảm hiệu quả tác chiến của các loại pháo phòng không nói chung trong đó có 61-K 37mm. Tuy nhiên, pháo phòng không vẫn còn rất hữu dụng trong việc tạo màn đạn ngăn chặn các cuộc tập kích đường không của đối phương, đánh chặn các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình, trực thăng, UAV…hay tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.

Ngày nay pháo 61-K 37mm vẫn tiếp tục được cải tiến để đảm bảo sức chiến đấu trong thời đại chiến tranh công nghệ cao.
Ngày nay pháo 61-K 37mm vẫn tiếp tục được cải tiến để đảm bảo sức chiến đấu trong thời đại chiến tranh công nghệ cao.

Ngoài hạn chế về phạm vi tác chiến, pháo phòng không 61-K 37mm còn gặp phải hạn chế khác do có tốc độ bắn chậm, thao tác vận hành bằng tay, thiếu sự hỗ trợ của các khí tài điện tử nên hiệu suất tác chiến không cao nhất là vào ban đêm.

Nhằm khắc phục những điểm yếu trên, đảm bảo sức chiến đấu cho pháo 61-K 37mm trong thời đại chiến tranh công nghệ cao Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự đã tiến hành cải tiến trang bị cho pháo 61-K 37mm với bộ khí tài bắn đêm bán tự động.

Hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 40 km trong điều kiện ngày/ đêm, việc tính toán phần tử bắn do máy tính đảm nhận giúp tăng hiệu quả tác chiến. Bên cạnh đó, các kỹ sư còn phát triển thêm bộ phận cò điện tử và hệ thống nạp đạn tự động cho phép tập trung hỏa lực dày đặc vào mục tiêu nhằm nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Ngoài việc nâng cao hiệu suất chiến đấu, Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự còn triển khai đề tài nghiên cứu lắp đặt pháo 61-K 37mm biến thể K65 2 nòng lên xe tải Ural-375D để nâng cao khả năng cơ động - một yêu cầu quan trọng của tác chiến phòng không hiện đại.

Với những chương trình nâng cấp nói trên, pháo phòng không 61-K 37mm sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng không nhiều tầng nhiều lớp của Việt Nam, tiếp tục khẳng định giá trị của một trong những vũ khí huyền thoại gắn liền với công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân và dân ta.

Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định, công nhận pháo 37mm mang số hiệu 510681 là Bảo vật quốc gia đợt 1 cùng 29 hiện vật khác trong hệ thống bảo tàng, di tích quốc gia Việt Nam.

Xem thêm: [Video] Bộ đội Việt Nam huấn luyện với pháo 37mm

Bộ đội Việt Nam huấn luyện với pháo 37mm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại