Quá sợ hãi rác đông dược nhập khẩu, người Việt quay về tự nhiên để bảo vệ mình

Ngọc Anh |

Thống kê cho thấy có tới 80% các loại nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu, rất nhiều trong số đó không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Theo các chuyên gia Việt Nam là nước có nền y học cổ truyền phát triển lâu đời, từ xa xưa người dân đã biết sử dụng cây thuốc để phòng và chữa bệnh. Nhưng nhiều năm trở lại đây, người Việt rơi vào tình trạng chết trên đống dược liệu.

Nỗi lo rác đông dược nhập khẩu 

Thống kê cho thấy có tới 80% các loại nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu, rất nhiều trong số đó không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Điều đáng nói là, có tới 60% dược liệu trên thị trường không đạt chất lượng với hàm lượng hoạt chất không đủ tiêu chuẩn theo kiểm tra lấy mẫu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Khủng khiếp hơn, 20% số dược liệu bị kiểm tra còn bị trộn lẫn rác, cát, xi măng, dược liệu giả.

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền cho biết: Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300 - 400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.

Quá sợ hãi rác đông dược nhập khẩu, người Việt quay về tự nhiên để bảo vệ mình - Ảnh 1.

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền

Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc có giá rất rẻ (rẻ khoảng 5 lần) so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn.

Chính vì thế, phần lớn các dược liệu nhập khẩu  là những dược liệu ở dạng nông sản, nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu trong nước.

Ông Khánh cho biết, vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác kiểm soát dược liệu tại các cửa khẩu còn nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng;

Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu....

Ông Khánh cho rằng, dược liệu rất khó định lượng về chất lượng, nó không giống như thuốc tân dược nên càng khó. Hơn nữa, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được giấy tờ và các thủ tục liên quan. Đó là còn chưa kể đến nguồn dược liệu đông dược được nhập khẩu tiểu ngạch.

Người Việt sẽ được sử dụng các loại thảo dược thay thế hóa mỹ phẩm

Việt Nam có nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, được xếp hạng đa dạng sinh học thứ 16 trong số 25 nước có đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Về dược liệu, Việt Nam cũng là 1 trong 15 nước trên thế giới có bản đồ dược liệu, đó là nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên và rừng Việt Nam đã bị cạn kiệt do người dân phá rừng, khai thác tận thu các cây thuốc quý để xuất khẩu thô với giá rẻ mạt. Sau đó lại nhập bã dược liệu đã bị chiết hết, hoạt chất không còn tác dụng chữa bệnh, hoặc chế ra các chế phẩm hóa tổng hợp sử dụng.

Thực tế người Việt đang sống trên kho tàng dược liệu vô giá nhưng không biết cách khai thác và giữ gìn.

Trong khi đó, thị trường dược liệu trên thế giới ước đạt giá trị 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8 - 10 %. Lối sống lành mạnh, phòng bệnh hơn chữa bệnh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Với phương châm một đồng phòng bệnh bằng vạn đồng chữa bệnh, con người đang có xu hướng quay về với tự nhiên.

PGS TS Trần Thị Hồng Phương - Cục Quản Lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng gia tăng, ít có những tác động có hại và phù hợp với sinh lý của cơ thể hơn.

Theo bà Phương, một số địa phương đã bắt đầu với các chương trình, dự án trồng các loại cây thảo dược, cây làm vị thuốc.

Quá sợ hãi rác đông dược nhập khẩu, người Việt quay về tự nhiên để bảo vệ mình - Ảnh 2.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và đang phát triển rộng trên toàn Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia tại các viện nghiên cứu nguồn dược liệu khá phong phú.

Với nguồn dược liệu, thảo dược phong phú như hiện nay, theo xu hướng mới, người Việt sẽ được sử dụng các loại thảo dược cho sinh hoạt gia đình thay thế hóa mỹ phẩm.

Tuy nhiên, phát triển nguồn dược liệu như nào cần có các bước chiến lược. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để phát triển được dược liệu tại Việt Nam nói chung, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con, kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại