* Bài viết được đăng tải trên tờ Hong Kong Economic Journal, thể hiện quan điểm và nhận định của cây viết Chung Man.
---
Trung Quốc đột ngột quay ngoắt 180 độ
Năm trước, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn rất tự tin và tự hào về những thành tựu mà nước này đạt được.
Điều này được thể hiện rất rõ qua các kênh tuyên truyền của nhà nước như bộ phim tài liệu "Amazing China" (Lợi hại thay, nước ta) nói về những thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật của Trung Quốc, hay những lời phát biểu có cánh về dự án Vành đai và Con đường và kế hoạch "Made in China 2025" - trong đó đề ra mục tiêu vượt qua Mỹ trong lĩnh vực sản xuất giá trị cao.
Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh đã đột ngột thay đổi 180 độ.
Cụ thể, bộ phim tài liệu "Amazing China" đã bị cấm chiếu trên các trang web thương mại, và truyền thông cũng không được phép đưa tin về kế hoạch "Made in China 2025"; thậm chí ngay cả Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng không được các lãnh đạo đề cập nhiều như trước nữa.
Hơn nữa, để tránh khiêu khích Tổng thống Mỹ Donald Trump và khiến tình hình căng thẳng giữa hai nước Trung - Mỹ thêm leo thang, các cơ quan truyền thông nhà nước cũng được lệnh không được trực tiếp và công khai chỉ trích Tổng thống Trump trong các nội dung có liên quan đến chiến tranh thương mại.
Ví dụ gần đây nhất cho thấy thái độ khiêm tốn bất thường của Trung Quốc là việc chính quyền Bắc Kinh chỉ đạo các quan chức tránh nhắc tới “Kế hoạch ngàn người” (tên tiếng Anh là “The Recruitment Program of Global Experts”). Đây là sáng kiến thu hút nhân tài do Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ quản.
Lí do chính quyền Bắc Kinh đưa ra chỉ đạo trên là bởi gần đây "Kế hoạch ngàn người" đã rơi vào "tầm ngắm" của Cục Điều tra Liên bang (FBI), và một số người thuộc tầng lớp tinh hoa tham gia vào kế hoạch này đã bị giới chức Mỹ buộc tội gián điệp.
Sự thay đổi đột ngột trong thái độ và chính sách tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy cách tiếp cận trước đó của họ là một sai lầm chiến lược.
Trung Quốc còn cách Mỹ cả chặng đường dài
Sau 40 năm kể từ khi bắt tay vào cải cách nền kinh tế, việc Trung Quốc đã tiến được một chặng rất xa, cả về tiềm lực kinh tế, quân sự, và khoa học - kĩ thuật, là điều không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Mỹ - siêu cường của thế giới - thì "ông lớn" của châu Á vẫn còn kém xa.
Ví dụ, tuy Trung Quốc đã đạt được vị trí nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và được kì vọng sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2025, nhưng mức GDP bình quân/đầu người của nước này hiện nay chỉ tương đương với mức GDP/đầu người của Mỹ... từ 40 năm trước.
Hơn nữa, đúng là Bắc Kinh có lực lượng quân đội lớn nhất về số lượng - với 2,3 triệu quân nhân thuộc lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng nếu xét về mặt kĩ thuật (khí tài quân sự), thì PLA còn thua quân đội Mỹ khoảng 30-50 năm.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Và nếu nói về lĩnh vực kĩ thuật dân sự, thì phương Tây vẫn đi trước Trung Quốc một quãng dài trong các lĩnh vực trọng điểm, mặc dù Bắc Kinh luôn tự hào về "4 phát minh vĩ đại của thời hiện đại", và tự tin cho rằng họ đang dần vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, big data và phát triển siêu máy tính.
Vụ việc Tập đoàn ZTE (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 4 trên thế giới, đã lâm vào cảnh khốn đốn khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, là minh chứng rõ ràng rằng Trung Quốc chẳng qua chỉ là con "hổ giấy" trong lĩnh vực kĩ thuật công nghệ cao.
"Bẫy Thucydides"
(ND: Thucydides là nhà sử gia đã ghi chép lại lịch sử về cuộc chiến tranh Peloponnesus (431-404 TCN) giữa Đế quốc Athens (cường quốc bá chủ) và Liên minh Peloponnesus do Sparta dẫn đầu (cường quốc đang trỗi dậy). Kết quả là phe Sparta đã giành chiến thắng, và cuộc chiến này đã tái định hình thế giới Hy Lạp cổ đại.)
Người ta thường dùng khái niệm "Bẫy Thucydides" để nói về những nguy cơ khi một cường quốc đang trỗi dậy muốn thách thức ngôi vị bá chủ của một cường quốc khác.
Là một cường quốc đang trỗi dậy, liệu Trung Quốc có đủ năng lực để "hạ bệ" Mỹ hay không? Và liệu Trung Quốc đã đủ sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ hay chưa?
Dựa trên những gì hai bên đã thể hiện, thì rõ ràng Trung Quốc chưa đủ năng lực, và cũng chưa đủ sẵn sàng.
Trước đây, Bắc Kinh từng theo chủ trương "giấu mình, chờ thời", chịu nhẫn nhịn trước mọi sức ép để tránh xung đột với Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi nền kinh tế liên tục phát triển và đạt được quy mô toàn cầu, dường như các lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định ngừng "giấu mình" để hiện diện trên toàn thế giới. Điều này đã khiến nhiều chính phủ và người dân phương Tây nghi ngờ và cảnh giác.
Hơn nữa, Bắc Kinh càng khiến thế giới thêm nghi ngại khi liên tục quảng bá về những kế hoạch như "Made in China 2025" và "Kế hoạch ngàn người". Nhiều ý kiến cho rằng đó chính là lộ trình chi tiết của Trung Quốc nhằm đạt được ngôi vị bá chủ.
"Made in China 2025" đã cho Mỹ thêm cớ để áp đặt thêm vòng thuế quan mới, còn "Kế hoạch ngàn người" đã tạo cơ hội để FBI "bới lông, tìm vết".
Có vẻ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quên đi những điều được viết trong cuốn tuyệt tác binh thư hàng đầu của nước này - "Binh pháp Tôn Tử". Trong đó, nhà quân sự Tôn Tử đã viết rằng mọi trận chiến đều phải dựa vào sự dối lừa: Khi có thể tấn công, ta phải vờ như không thể; khi bắt đầu động binh, ta phải vờ như đang án binh bất động.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn