Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam:
Giả cà phê hay hồ tiêu đều vô lý!
Ông Đỗ Hà Nam
"Tôi theo dõi sát vụ "cà phê nhuộm pin" ở Đắk Nông qua báo chí và trong thời gian chờ cơ quan điều tra kết luận vụ việc tôi thấy còn nhiều nghi vấn cần làm rõ.
Nếu chủ cơ sở dùng phế phẩm cà phê, bột đá, lõi pin nhuộm đen để rang xay thành cà phê bột thì sẽ có mùi hắc của pin, người mua sẽ phát hiện ra ngay.
Vì vậy, nếu dùng phương pháp này cơ sở phải xử lý mùi hắc phát sinh chi phí rất cao nên không phù hợp với giả định sản xuất cà phê siêu rẻ.
Còn thông tin mới đây là chủ cơ sở làm như trên để giả làm hồ tiêu để vay vốn ngân hàng cũng rất vô lý.
Tôi cũng là dân trong nghề hồ tiêu (ông Đỗ Hà Nam từng là Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam - PV) nên thấy rõ là không thể dùng cà phê để làm giả hồ tiêu vì kích cỡ, mùi vị khác xa nhau, cán bộ ngân hàng không dễ bị lừa như thế.
Vụ việc này cần sớm được điều tra làm rõ bản chất của hành vi vi phạm, xử lý nghiêm để răn đe người khác.
Tôi cho rằng vụ việc dùng lõi pin nhuộm cà phê là rất cá biệt nhưng có ảnh hưởng đến tâm lý một số bộ phận người tiêu dùng." – ông Nam đánh giá.
Ông Vũ Thế Thành (chuyên gia về an toàn thực phẩm):
Có thể có nhưng cá biệt
Ông Vũ Thế Thành
Vẫn có khả năng cơ sở sản xuất dùng phế phẩm cà phê sấy khô, thêm hương liệu, dùng pin tạo màu đen (than và mangan trong pin thay cho caramel) để tạo ra cà phê siêu rẻ.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh trường hợp cà phê nhuộm pin là rất cá biệt nhưng truyền thông, mạng xã hội đã xúm vào thổi phồng quá đáng.
Bởi vì, những vi phạm về an toàn thực phẩm kiểu "bá đạo" như vậy chỉ xảy ra ở vài cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Còn đa số những nơi làm cà phê, chế biến ở trong nước vẫn làm ăn đàng hoàng, đăng ký sản phẩm và chịu sự quản lý kiểm tra của cơ quan chức năng. Sự vi phạm của những đơn vị này, có chăng là sự lách luật trong kê khai thành phần để giữ bí mật công thức.
Bà K.O, chủ một công ty rang xay cà phê đang mở chuỗi cửa hàng cà phê tại TP HCM:
Chuyện khó tin!
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng tôi chưa từng nghe hay thấy trường hợp nào dùng pin để nhuộm cà phê.
Người ta có nhiều cách để làm cà phê giá rẻ. Phổ biến nhất là dùng bắp và đậu nành cùng với sự hỗ trợ của phụ gia, hóa chất hết sức tiện lợi.
Từ những dữ liệu trên báo chí tôi vẫn chưa hiểu nổi vì sao có cơ sở lại làm như vậy nên rất cần cơ quan điều tra sớm làm rõ và công bố cho dư luận biết.
Còn giới kinh doanh cà phê hiện nay bị ảnh hưởng rất nặng trước thông tin trên. Người tiêu dùng khi mua cà phê hạt lẫn cà phê bột đều hỏi rất kỹ trong cà phê có gì. Nhiều người thậm chí còn tẩy chay cà phê vì lo lắng!
Một cán bộ quản lý an toàn thực phẩm nông sản:
Không loại trừ "phá hoại kinh tế"
Vụ việc cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông không loại trừ khả năng cạnh tranh không lành mạnh hoặc có tính phá hoại kinh tế.
Đã từng có những mặt hàng nông sản Việt Nam thiệt hại nặng nề về kinh tế do "scandal " mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như trường hợp trà (chè) bị trộn phân lân.
Quá trình nhiễm xuất phát từ việc thương lái đặt hàng cơ sở sản xuất trộn vào sau đó lại báo cho nước nhập khẩu kiểm tra lô hàng với đúng hoạt chất trên. Hay như tin đồn "gạo giả" được làm từ nhựa thỉnh thoảng lại rộ lên trong khi nhựa giá cao hơn gạo.
Ở trường hợp dùng pin trộn cà phê, xét về mặt kinh tế rất vô lý vì việc thu gom pin, đập ra để nhuộm vào cà phê là quá vất vả, tốn kém so với việc mua phẩm màu về nhuộm.
Sở dĩ có những vụ việc như trên là do kiến thức pháp luật, ý thức cộng đồng, cũng như có thể do hoàn cảnh kinh tế nghèo khó mà một số nông dân, cơ sở sản xuất nhỏ sẵn sàng làm theo yêu cầu của thương lái vì một món lợi rất nhỏ.
Vì vậy, cần phải tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân sâu rộng hơn nữa để họ không làm theo những đặt hàng kỳ quặt của thương lái và báo cho chính quyền biết để xử lý nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như thương hiệu nông sản Việt Nam.