Những "bông hồng thép" của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Người ta thường gọi Tăng Thiết Giáp (TTG) là "binh chủng thép", lính tăng là "lính thép". Có lẽ vì vậy, các nữ quân nhân của Binh chủng TTG đều được gọi là những "bông hồng thép".

Trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc (1941-1945), trong binh chủng TTG của Hồng quân Liên Xô đã có những nữ chiến sĩ xe tăng được phong danh hiệu Anh hùng.

Còn trong binh chủng TTG Việt Nam, cho đến giờ chưa có trường hợp nữ lái xe tăng nào. Tuy nhiên, họ đã đảm nhiệm rất nhiều công việc để góp phần cùng những đồng đội nam của mình làm nên chiến thắng.

Từ những "bông hồng thép" của Hồng Quân Liên Xô

Cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Liên Xô trong Thế chiến Hai là một cuộc chiến tranh vĩ đại, một trang sử hào hùng của nhân loại tiến bộ chống lại những thế lực hắc ám trên thế giới. Cuộc chiến đấu đó đã ghi nhận sự hy sinh lớn lao của các thế hệ người Liên Xô - trong đó có những "bông hồng thép"- những nữ chiến binh xe tăng bất hủ.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 1.

Nữ Anh hùng Liên Xô Mariya Okayabrskaya. Ảnh: Vintagenews.

Giả trai để làm lính xe tăng: Đó là trường hợp của nữ anh hùng Alexandra Roschupkina. Vào mùa thu năm 1941, Alexandra Roschupkina, cư dân thành phố Tashkent của Uzbekistan (lúc đó thuộc Liên Xô) đăng ký tòng quân và yêu cầu được nhập ngũ chiến đấu ngoài chiến trường.

Tuy nhiên, người phụ trách tuyển quân cho rằng với nghề nghiệp là tài xế máy kéo, Alexandra sẽ phục vụ tốt hơn tại hậu phương.

Những lời này không làm cô gái trẻ 28 tuổi lùi bước. Cô liền cắt hết mớ tóc đi, ăn mặc như con trai và đến đăng ký tên tại văn phòng nhập ngũ ở thành phố kế bên.

Lấy một cái tên đàn ông Alexander Roschupkin - đọc trại ra từ tên thật của cô, người con gái dũng cảm này nói với sĩ quan phụ trách việc tuyển quân rằng mình đã mất giấy chứng minh nhân dân. Và thế là "anh" Alexander đã được nhận vào hàng ngũ quân đội Liên Xô.

Khi được đào tạo để trở thành lính xe tăng, với chuyên môn lái máy kéo cô đã tiến bộ rất nhanh. Ngay sau khi tốt nghiệp cô được điều về đơn vị chiến đấu và chiến đấu rất dũng cảm. Một điều lạ lùng là Alexander không hề bại lộ thân phận trong suốt 3 năm trường cùng chiến đấu với cánh đàn ông nơi tiền tuyến.

Bí mật của Alexander chỉ bị lộ vào tháng 2.1945, khi đơn vị của "anh" tình cờ đụng độ một toán quân Đức và xe tăng của Alexander bị trúng bom. Đồng đội V.Pozharsky đã cứu "anh" thoát chết sau khi lôi thi thể bất động của Alexander ra khỏi chiếc xe tăng bị cháy.

Khi thấy người bạn chiến đấu bị thương ở phần hông, Pozharsky lập tức quyết định cởi đồ Alexander để cấp cứu kịp thời và gần như ngất xỉu khi biết được Alexander là phụ nữ.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, người phụ nữ dũng cảm trên lại quay về với công việc của mình trước chiến tranh là làm tài xế lái xe.Cô đã theo học trường bách khoa và tốt nghiệp kỹ sư. Alexandra lập gia đình nhưng không thể có con vì vết thương lúc chiến tranh. Hiện Alexandra Roschupkina đã hơn 90 tuổi, sống một mình và nhận được sự kính trọng của những người xung quanh.

Bà góa lái tăng, trả thù cho chồng: Tháng 6/1941, phát xít Đức phát động tấn công vào lãnh thổ Liên Xô, giết hại nhiều chiến sĩ Hồng quân, trong đó có một sĩ quan là chồng của Mariya Okayabrskaya.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 2.

Mariya Okayabrskaya và chiếc tăng T-34 nổi tiếng. Ảnh: Vintagenews.

Hai năm sau cô mới biết tin chồng tử trận và rất phẫn nộ. Cô quyết định bán mọi tài sản và viết một bức thư cho lãnh tụ Stalin: "Chồng tôi đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tôi muốn trả thù cho chồng và những người dân Liên Xô đã bị những kẻ man rợ phát xít tra tấn, Vì vậy, tôi đã chuyển tất cả khoản tiền tiết kiệm cá nhân là 50.000 ruble vào Ngân hàng Nhà nước để chế tạo một chiếc xe tăng. Tôi đặt tên chiếc xe tăng này là 'Người bạn gái chiến đấu' và đề nghị ngài cho phép tôi ra tiền tuyến chiến đấu cùng chiếc tăng này", cô viết.

Sau đó, lãnh tụ Stalin hồi đáp, cho phép người phụ nữ 38 tuổi này ra trận cùng một chiếc xe tăng T-34 sau khi tham gia khóa huấn luyện 5 tháng. Ban đầu, những người trong quân đội hoài nghi về khả năng lái xe tăng của cô, nhưng với ý chí sôi sục muốn báo thù cho chồng, cô đã thể hiện tốt trong quá trình huấn luyện và trở thành một trong những người giỏi nhất khóa.

Những nghi ngờ của các sĩ quan Liên Xô về khả năng chiến đấu của cô nhanh chóng biến mất sau lần đầu tiên cô chạm trán quân Đức vào ngày 21/10/1943.

Trong lần thực chiến đầu tiên trên chiếc tăng của mình, cô đã vượt lên đội hình để tấn công vào quân Đức, giết chết 30 tên địch và loại khỏi vòng chiến một súng chống tăng. Ấn tượng với sự dũng cảm của góa phụ này, Hồng quân quyết định thăng hàm trung sĩ cho cô.

Ngày 17.1.1944, Oktyabrskaya tham gia một trận tập kích ban đêm vào vị trí phát xít Đức ở làng Shvedy gần Vitebsk. Kỹ năng lái xe điêu luyện của Oktyabrskaya giúp chiếc T-34 chọc thủng hai tuyến phòng thủ của địch trước khi xích xe tăng bị đứt do trúng một quả đạn chống tăng.

Như mọi lần, cô nhảy ra khỏi xe để sửa bánh xích, nhưng không may một quả đạn pháo Đức phát nổ ngay bên cạnh, một mảnh đạn văng trúng đầu khiến cô bất tỉnh.

Sau trận chiến, Oktyabrskaya được chuyển tới bệnh viện gần Kiev trong tình trạng hôn mê sâu suốt hai tháng liền, trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15.3.1944. Cô được truy tặng Anh hùng Liên Xô, danh hiệu cao quý nhất của Hồng quân, để ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng quật cường.

Vợ chỉ huy chồng lái tăng đánh địch: Đó là trường hợp của vợ chồng nhà Boiko. Năm 1941, vợ chồng Alexandra và Ivan Boiko làm việc tại vùng Siberia. Người chồng nổi tiếng là lái xe tải cừ khôi tại nhà máy Magadan, trong khi người vợ Alexandra vừa là thư ký vừa nghiên cứu khoa học.

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức nổ súng tấn công Liên Xô. Quá căm thù, cả hai người tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô nhưng bị từ chối vì hai vợ chồng đều là những nhân viên đắc lực của nhà máy Magadan.

Cho tới năm 1942, vợ chồng nhà Boiko quyết định viết thư gửi Stalin, xin được ra trận cùng nhau, cũng như dùng số tiền 50.000 ruble mà họ tích góp để tự mua một chiếc xe tăng. Bức thư được gửi đi, nhưng mãi không có hồi âm. Trong thời gian này, Ivan dạy vợ cách lái xe tải, kỹ năng mà ông tin rằng sẽ rất cần thiết cho cuộc chiến.

Năm 1943, họ bất ngờ nhận được thư trả lời từ nhà lãnh đạo Stalin với nội dung ngắn gọn: "Cám ơn Ivan và Alexandra vì sự quan tâm tới Hồng quân. Mong ước của các bạn sẽ được chấp thuận. Thân mến, Stalin".

Tuy vậy, hai vợ chồng chưa được ra chiến trường ngay lập tức, mà phải tham gia một khóa huấn luyện lái xe tăng. Họ nỗ lực học tập chăm chỉ và đạt kết quả tốt. Khi kết thúc khoá học, Alexandra được chỉ định làm trưởng xe, còn người chồng Ivan trở thành lái xe.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 3.

Chỉ vài ngày trước khi tốt nghiệp, họ nhận được một xe tăng hạng nặng IS-2 mới sản xuất từ nhà máy Ural cùng với một kíp tăng đầy đủ. Trên xe sơn chữ "Boiko" màu trắng khổ lớn, đánh dấu chiếc xe mà hai vợ chồng đã mua được.

Cặp vợ chồng này được biên chế vào Trung đoàn xe tăng độc lập Cận vệ số 48. Chiến đấu trên chiếc xe tăng hạng nặng IS-2, họ tham gia vào các trận đánh ác liệt với nhiệm vụ diệt tăng và yểm trợ bộ binh.

Chỉ trong hai tuần chiến đấu ác liệt, đôi vợ chồng đã tiêu diệt tổng cộng 5 xe tăng, hai khẩu đội pháo, nhiều xe vận tải và ụ súng máy Đức. Với thành tích này, Alexandra được trao tặng Huân chương Ái Quốc còn Ivan được nhận Huân chương Cờ Đỏ.

Khi được phóng viên nước ngoài hỏi về kế hoạch sau chiến tranh, Alexandra khẳng định: "Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sau chiến tranh, vì giờ chúng tôi phải thắng cuộc chiến này".

Sau chiến tranh, cả hai người quay trở về Magadan làm việc. Đến giữa thập niên 1950, họ quyết định chia tay, nhưng vẫn gặp nhau để ôn lại kỷ niệm cùng với những đồng đội cũ. Ivan Boiko qua đời tại Moscow vào năm 1995, Alexandra cũng từ trần sau đó một năm tại Apsheronsk.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 4.

Đến những "bông hồng thép" Việt Nam

Cũng giống như ở Liên Xô, trong Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam cũng có sự góp mặt của rất đông đảo các nữ chiến binh - những "bông hồng thép". Tính từ đợt tuyển quân nữ đầu tiên ở Hải Phòng vào binh chủng năm 1968 đến nay đã có hàng nghìn quân nhân nhân nữ phục vụ trong Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một "bông hồng thép" nào trực tiếp tham gia vào các kíp xe chiến đấu. Điều đó không có nghĩa là họ thiếu khả năng mà chủ yếu là do tình hình nhiệm vụ chưa đòi hỏi mà thôi.

Trong binh chủng Thép này, con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 5.

Tiết mục hát ru, hát dân ca của Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp.

Từ những nhiệm vụ giản đơn như nuôi quân, công vụ đến những nhiệm vụ rất quan trọng như thông tin, bảo mật; từ những nhiệm vụ có tính chất nhàn nhã, nhẹ nhàng như quân y, văn thư đến những công việc khá nặng nhọc, dính đầy dầu mỡ như thợ sửa chữa xe tăng các loại.

Điều thú vị là trong sửa chữa xe tăng, có nhiều công việc mà chị em đảm nhiệm đạt hiệu suất cao hơn các đồng nghiệp nam giới. Đó là những công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ như thợ sửa chữa điện đài, kính ngắm quang học trên xe.

Những bông hồng thép của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 6.

NSƯT Ma Bích Việt.

Có điều đặc biệt, các "bông hồng thép" Việt Nam thường rất xinh đẹp và rất có khả năng văn nghệ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Đội Tuyên văn của Binh chủng Tăng Thiết giáp với thành phần chủ yếu là các nữ quân nhân đã rất nổi tiếng, đi biểu diễn phục vụ khắp các chiến trường và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc Hội diễn toàn quân.

Từ phong trào này, có những "bông hồng thép" đã trưởng thành lên và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp như NSƯT Ma Bích Việt...

Trong những trang sử vàng chói lọi của Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam không thể không nhắc đến những đón góp to lớn của đội ngũ nữ chiến binh - những "bông hồng thép" Việt Nam!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại