Số quân thường trực đứng hàng đầu thế giới
Với thực lực của nền công nghiệp quốc phòng trong nước, Triều Tiên vẫn trang bị cho quân đội của mình những loại vũ khí bộ binh tương đương như của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia quân sự, Quân đội Triều Tiên được đánh giá là một trong các quân đội mạnh trên thế giới, với quân số khoảng 1,2 triệu quân thường trực (số dân 24,7 triệu người). Ngoài ra, Triều Tiên còn có khoảng 4 triệu lực lượng dự bị động viên, đây là con số thực sự ấn tượng.
Lục quân vẫn luôn là lực lượng chủ yếu của các quốc gia trên thế giới và Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Lực lượng Lục quân Triều Tiên chiếm phần lớn trong tổng quân số của quân đội nước này, với quân sự khoảng 1 triệu người (số liệu năm 2017). Hiện nay quân đội Triều Tiên có khoảng 200.000 lính bộ binh nhẹ và lực lượng đặc biệt.
Lực lượng bộ binh quân đội Triều Tiên.
Bộ binh là lực lượng nòng cốt của Lục quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 1950-1953, lực lượng tham chiến chủ yếu của quân đội Triều Tiên là lực lượng bộ binh nhẹ.
Từ những năm của thập niên 1970, Quân đội Triều Tiên đã tiến hành cơ giới hóa quân đội, chú trọng phát triển những đơn vị cơ giới, bọc thép. Tuy nhiên nền tảng của quân đội Triều Tiên vẫn là lực lượng bộ binh, sẵn sàng "trường kỳ kháng chiến" nếu liên quân Mỹ - Hàn vượt qua vĩ tuyến 38.
Vũ khí bộ binh và những điều đặc biệt
Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, quân đội Triều Tiên đã được Liên Xô tăng cường viện trợ quân sự để trở thành một quân đội mạnh, đối trọng với liên quân Mỹ - Hàn ở Hàn Quốc.
Một trong những viện trợ đó là hiện đại hóa số vũ khí bộ binh cho quân đội Triều Tiên bằng các loại súng trường tiến công hiện đại nhất của Liên Xô lúc bấy giờ là loại AK-47; đồng thời chuyển giao công nghệ để Triều Tiên có thể tự sản xuất loại vũ khí này với tên gọi của Triều Tiên là Type 58.
Súng trường tiến công Type 58 được Triều Tiên sản xuất từ năm 1958 đến năm 1968 tại hai nhà máy, số 61 và số 65 nằm gần Chongjin. Kiểu Type 58 là loại súng AK theo nguyên mẫu cơ bản, với hộp tiếp đạn 30 viên, tốc độ bắn lý thuyết khoảng 650 viên/phút.
Khoảng 800.000 khẩu Type 58 đã được sản xuất và đủ trang bị cho quân đội khổng lồ của Triều Tiên. Đồng thời những khẩu súng trường CKC và K44 không còn được phục vụ trong quân đội thường trực mà được đưa vào các kho niêm cất và trang bị cho lực lượng dân quân.
Sau phiên bản Type 58, một loại súng trường tiến công mới được Triều Tiên sản xuất đó là loại 68; đây là một bản sao khẩu AKM của Liên Xô và được chế tạo vào năm 1968.
Về mặt thực tế, Type 68 đã có một số cải tiến lớn so với loại 58, đó là có mấu giảm giật đầu nòng vát xiên ở phía trên, nhằm giảm độ nảy lên khi bắn và lẫy giảm tốc. Kiểu Type 68 có cả loại báng gấp để trang bị cho lực lượng đặc biệt và các binh chủng kỹ thuật khác.
Loại Type 68 của Triều Tiên cũng đã được xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài, như cho lực lượng du kích ở El Salvador và các lực lượng du kích tại Trung và Nam Mỹ. Những khẩu súng này hiện nay vẫn đang được phục vụ với các đơn vị dự bị và các đơn vị khu vực phía sau. Trong kho dự trữ của Triều Tiên hiện còn đáng kể các loại súng bộ binh loại này.
Hiện nay, vũ khí bộ binh trang bị chính trong quân đội Triều Tiên là loại súng trường tấn công Type 88; đây là mẫu súng tương tự như khẩu AK-74 của Liên Xô. Khẩu súng này đã phá vỡ việc đảm bảo công tác hậu cần, kỹ thuật về đạn dược dùng chung của quân đội Triều Tiên, khi khẩu súng này dùng đạn 5,56mm thay vì sử dụng đạn 7,62mm truyền thống.
Nữ quân nhân Triều Tiên với trang bị súng kiểu 88.
Loại súng trường tấn công Type 88 lúc đầu chỉ được trang bị trong các lực lượng đặc biệt, sau đó trang bị đại trà cho các đơn vị tiền tuyến và hiện nay là phần lớn quân đội thường trực của Triều Tiên.
Hiện loại súng này còn được trang bị hộp tiếp đạn hình ống, có thể chứa hàng trăm viên. Đồng thời súng cũng được trang bị các loại súng phóng lựu gắn dưới nòng như khẩu GP30 của Nga.
Về vũ khí hỏa lực trực tiếp chi viện bộ binh, hiện nay Triều Tiên đang trang bị đại trà loại súng máy kiểu 73 (Type 73). Đây là loại súng máy kiểu trung - đại liên kết hợp, trang bị cho một cá nhân sử dụng, trang bị ở cấp Tiểu đội bộ binh; được thiết kế dựa trên loại súng máy PKM của Liên Xô và kết hợp hệ thống tiếp đạn từ khẩu Vz.52.
Súng có cấu tạo hết sức đặc biệt, cơ chế tiếp đạn có thể sử dụng cả hộp tiếp đạn (lắp trên lưng) hoặc sử dụng tiếp đạn bằng dây (ở ngang súng). Type 73 sử dụng loại đạn khác biệt 7,62x54 mm, nên đây là mẫu súng không phổ biến.
Đầu súng có thể lắp một nòng phụ để phóng lựu đạn (viên đạn sử dụng phóng lựu đạn chỉ có thuốc phóng, không có đầu đạn). Đây là cấu tạo đặc biệt chưa từng có trên bất kì khẩu súng máy nào trên thế giới.
Một mẫu súng máy hỗ trợ hỏa lực trực tiếp của bộ binh nữa trong quân đội Triều Tiên là khẩu Type 82; đây là mẫu súng máy được thiết kế dựa trên khẩu PK-PKM cũng của Liên Xô và được đưa vào biên chế trong quân đội Triều Tiên năm 1982. Mẫu súng máy này chỉ sử dụng cơ chế tiếp đạn bằng dây.
Lực lượng đặc biệt Triều Tiên duyệt binh với súng kiểu 88 trang bị hộp tiếp đạn hình trụ.
Bộ binh và lực lượng đặc biệt của quân đội Triều Tiên đang ngày càng trở nên quan trọng vì các đơn vị cơ giới hóa của nước này bị lệnh cấm vận quốc tế, nên lượng xăng dầu bị hạn chế. Các lực lượng bộ binh, lực lượng đặc biệt và đội quân bắn tỉa với trang bị vũ khí đầy đủ ít bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ và các nước đồng minh.
Mặc dù với quy mô kinh tế nhỏ bé hơn cả Panama; nhưng với thực lực của nền công nghiệp quốc phòng trong nước, Triều Tiên vẫn trang bị cho quân đội của mình những loại vũ khí bộ binh tương đương như của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Đánh giá về sức mạnh lực lượng bộ binh quân đội Triều Tiên, có thể những vũ khí trang bị của quân đội Triều Tiên không có nhiều "công nghệ" mới và nhiều "phụ kiện" bằng quân đội Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, binh sỹ Quân đội Triều Tiên được huấn luyện tốt, có kỹ năng tác chiến thuần thục, đội ngũ sỹ quan chỉ huy có trình độ tác chiến cao.
Ngoài ra, lượng vũ khí và đạn được dự trữ lớn, lực lượng dự bị động viên dồi dào và có trình độ chiến đấu tốt; đặc biệt, có nghành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh. Với các yếu tố trên cho phép Triều Tiên hy vọng vào chiến thắng trong một cuộc chiến tranh kéo dài. Chưa kể họ có cả vũ khí hạt nhân cũng như kho tên lửa khổng lồ, tuy nhiên đó là vấn đề khác.
Chỉ cần với lực lượng bộ binh khổng lồ cùng với những trang bị như trên, Triều Tiên vẫn xây dựng được mô hình cả nước thành một "doanh trại quân đội", sẵn sàng "chờ" các cuộc tiến công từ Hàn Quốc hay Mỹ.