Phó Chủ tịch xã phê xấu hồ sơ cử nhân: Phê như vậy để "kích thích” người dân đóng góp

P.N |

Ông Trương Phúc Thực cho rằng, việc phê "xấu" vào sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn Thị Quyên chỉ nhằm răn đe chứ không hề có thù hằn gì với gia đình này.

Ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nói trên báo Dân Việt, tại xã này, chủ trương đóng góp để xây dựng đường đã được người dân toàn xã đồng thuận và chấp nhận đóng góp.

Nhưng dù được vận động nhiều lần, gia đình nhà ông Nguyễn Danh Toán (bố chị Quyên) vẫn không đóng góp khoản kinh phí 2 triệu đồng/khẩu (gia đình ông Toán có 3 khẩu).

Theo vị Phó chủ tịch xã An Bình, nếu gia đình chị Quyên chưa đóng góp đủ số tiền theo quy định lại được "phê tốt" sẽ thiếu công bằng.

Vì vậy, ông "phê xấu" vào sơ yếu lý lịch của cử nhân này để kích thích, răn đe.

"Mỗi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Nếu phê như nhau, thì bỗng dưng những người không chấp hành thực hiện các quy định của địa phương cũng có hồ sơ đẹp như những người chấp hành

Do đó, tôi nghĩ phê vào sơ yếu lý lịch như vậy vừa răn đe, vừa "kích thích" người dân đóng góp để xây dựng NTM".

"Chúng tôi hoàn toàn không có thù hằn gì với gia đình nhà ông Toán, anh Cường", ông Thực xác nhận với báo Dân Việt.

Dù vậy, Phó chủ tịch xã An Bình cũng thừa nhận với báo Zing hành động phê vào sơ yếu lý lịch của nữ cử nhân với nội dung "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương" là chưa đúng với quy định.

Nguyên nhân ông Thực đưa ra là do trước khi làm Phó Chủ tịch UBDN xã, ông làm Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp, nên hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.

"Tôi chưa được tiếp cận với các Thông tư, cũng như các hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc hướng dân xác nhận sơ yếu lý lịch, nên cứ nghĩ ghi vậy là đúng.

Trước đây, nếu hồ sơ sinh viên, chúng tôi thường phê: "Chấp nhận mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước", vị phó chủ tịch xã trần tình trên báo Dân Việt.

Ông Thực cũng nói với báo Zing, trước khi ông ghi nội dung chưa chấp hành vào phần xác nhận, cô gái và người nhà đi cùng cũng đã đồng tình với hành động này.

Tuy nhiên, theo nguồn trên, chị Quyên cho biết, chị phải đến xin xác nhận tại UBND xã tới 3 lần.

Cả 3 lần, cán bộ xã đều yêu cầu gia đình chị phải trình hóa đơn chứng nhận đóng tiền làm đường.

Mặc dù, mẹ chị Quyên trình bày do nhà chưa có điều kiện nộp tiền, con mới học xong nên mong xã tạo điều kiện cho xin dấu để đi làm trước.

Lúc đó, Phó chủ tịch xã nói nếu gia đình chưa đóng góp thì sẽ cho phê bình "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương" vào hồ sơ.

Sau đó, chị Quyên cùng anh trai là Nguyễn Danh Cường đến vẫn bị cán bộ phụ trách một cửa phê như vậy.

Vì vậy, Quyên đành chấp nhận đóng dấu để lấy sơ yếu lý lịch mang về.

Anh Nguyễn Danh Cường cho biết trên báo Thanh Niên, sáng 8.8, một cán bộ UBND xã An Bình, đồng thời là người có quan hệ họ hàng, đã đến gia đình và hứa sẽ làm xác nhận lại cho chị Quyên.

Anh Cường cũng mong muốn vụ việc sẽ được xử lý hài hòa và "hy vọng xã sẽ không làm khó gia đình trong thời gian tới".

Về khoản tiền làm đường và hiến đất, anh Cường khẳng định "khi nào có, bố mẹ tôi sẽ đóng".

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại