Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara nên tiếp cận Nga, Trung Quốc thay vì EU

Thi Anh |

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đưa ra lựa chọn khi Erdogan gặp Putin vào tháng 5 này.

Tình hình Ankara sẽ tích cực hơn nếu nước này tập trung thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với Moskva và Bắc Kinh, thay vì tìm cách duy trì quan hệ thân cận với liên minh châu Âu EU, nhà phân tích chính trị Mehmet Ali Guller chia sẻ với Sputnik.

"Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất cho nước này là chuyển từ quan hệ hợp tác với EU sang thúc đẩy quan hệ với các láng giềng Á - Âu, châu Á và Trung Đông, đặc biệt là Nga và Trung Quốc", ông Guller nói.

Những nhận định này được đưa ra trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5 này. Ông Guller cho rằng cuộc gặp này sẽ là "khoảnh khắc quyết định" đối với Ankara:

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nói có với chính sách của Trump ở Syria hoặc bình thường hóa quan hệ với Nga. Tôi hi vọng lựa chọn (của Ankara) sẽ nghiêng sang hướng hợp tác cùng Nga và tìm kiếm lập trường chung với chính phủ Assad. Là người phản đối chính sách đối ngoại của EU và chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ, tôi đặt niềm tin vào triển vọng này".

"Tuy nhiên, tính mâu thuẫn và hai mặt của chiến lược mà Đảng Công lý và Phát triển (AKP) tiến hành sẽ dẫn tới rắc rối với lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ sát cánh", ông Guller cảnh báo.

Theo Sputnik, Nga và Mỹ đứng ở 2 phía trong cuộc xung đột Syria. Moskva hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Washington hậu thuẫn các phiến quân.

Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao vũ khí và rót tiền cho các nhóm nổi chiến đấu chống lại Assad. Tuy nhiên nước này cũng góp phần vào nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn toàn quốc, một kế hoạch được Nga thúc đẩy.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây lâu nay rất phức tạp. Căng thẳng gia tăng sau âm mưu lật đổ Erdogan bất thành hồi tháng 7/2016 và các cuộc thanh trừng sau đó. Tình hình càng rắc rối hơn khi ông Erdogan tìm cách sửa đổi Hiến pháp, củng cố quyền lực cho nhánh hành pháp trong chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại