Gạc Ma 1988: Những rối ren giữa lòng Bắc Kinh

Hải Võ |

Trong khi quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược quần đảo Trường Sa, đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988, thì ở Bắc Kinh là một bầu không khí rối ren.

Trung Quốc xâm lược Trường Sa khi trong nước rối ren

Trao đổi với chúng tôi về cục diện Trung Quốc và khu vực trong thời gian diễn ra sự kiện hải chiến Trường Sa 14/3, nhà báo Kiều Tỉnh - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ năm 1984 đến 1991 - cho biết đó là thời kỳ mà cải cách mở cửa của Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định.

Khi đó, mâu thuẫn trong nước của Trung Quốc bắt đầu nổi lên rất lớn, đặc biệt là cuộc đấu đá nội bộ giữa hai phái cải cách và bảo thủ.

Năm 1987, Tổng bí thư Hồ Diệu Bang bị hạ bệ và đến năm 1989 thì kết cục tương tự đến với Triệu Tử Dương. Đó là giai đoạn dư luận Trung Quốc đặt dấu hỏi về công cuộc cải cách mở cửa và đường lối chính sách của Đặng Tiểu Bình.

Theo ông Kiều Tỉnh, trong lịch sử của Trung Quốc từ trước đến nay, thường mỗi khi trong nước xảy ra những căng thẳng thì Trung Quốc kiếm các cớ gây xung đột về quân sự ở nước ngoài để "xì bớt hơi", ổn định bên trong.

Năm 1962, mâu thuẫn giữa các phái Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đã thúc đẩy Trung Quốc tiến hành chiến tranh ở biên giới với Ấn Độ.

Năm 1969, cuộc Đại cách mạng văn hóa do Mao phát động đang nổi lên rất nhiều vấn đề và gây chia rẽ nội bộ giới lãnh đạo, thì Bắc Kinh cũng đã gây ra cuộc xung đột ở đảo Damansky (Trung Quốc gọi là Trân Bảo đảo) với Liên Xô.

Tới năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách mở cửa thì các “mũi nhọn” trong nước chĩa vào ông này rất mạnh. Đây là một lý do mà Đặng quyết định gây chiến xâm lược Việt Nam.

Nhà báo KIỀU TỈNH
Nhà báo Kiều Tỉnh từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Ông là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Đến giai đoạn 1987-1988 thì mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc bắt đầu diễn ra hết sức mạnh mẽ. Vốn đã có chiến lược bành trướng lâu dài, trong bối cảnh mâu thuẫn bên trong không giải quyết được với nhau, lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định gây hấn ở Trường Sa để “làm mờ nhạt” các vấn đề nội bộ.

"Truyền thông Trung Quốc thiên về tuyên truyền “phải đoàn kết xung quanh ĐCSTQ” và đây trở thành trào lưu chủ yếu.

Vì vậy, vào thời gian đó ở Bắc Kinh thì tôi nhận thấy báo chí Trung Quốc tập trung vào vấn đề an ninh nội bộ, ít đưa tin về vấn đề Trường Sa hay kể cả sự kiện Gạc Ma .

Nếu có thì cũng đưa tin tuyên truyền xuyên tạc theo luận điệu quen thuộc kiểu 'Việt Nam đang xâm lấn Trung Quốc' hoặc 'Việt Nam chống lại Trung Quốc'.

Tuy nhiên, với tình hình chính trị rối loạn ở Bắc Kinh giai đoạn 1988 thì quần chúng cũng không được tiếp cận rộng rãi với các thông tin về sự vụ biển Đông này," ông Kiều Tỉnh cho biết.


Từ trái qua: Triệu Tử Dương, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang. Ảnh chụp năm 1984.

Từ trái qua: Triệu Tử Dương, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang. Ảnh chụp năm 1984.

Những tiếng nói ngược chiều với Bắc Kinh

Nhà báo Kiều Tỉnh cho hay, trong các tình huống căng thẳng giữa hai nước, truyền thông quốc tế thường dễ nhận thấy Trung Quốc tuyên truyền, vu cáo Việt Nam rất cay độc.

Tuy nhiên, trong sự kiện Trường Sa 1988, chính quyền trung ương Trung Quốc chính là đối tượng hung hăng tuyên truyền chống Việt Nam nhiều nhất.

Trong khi đó, một số quan chức các địa phương như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… thì lại mềm mỏng hơn Bắc Kinh, bởi lẽ các khu vực này có lợi ích rất lớn ở Việt Nam.

Một số quan chức tỉnh Hồ Nam khi tiếp xúc với ông Kiều Tỉnh còn tiết lộ, họ cảm thấy “không hài lòng” khi bị các tỉnh phía Nam Trung Quốc “chặn đường” kết nối với Việt Nam.

Cho nên nhiều nhà chức trách ở các tỉnh này nói rằng, “Bắc Kinh cứ tuyên truyền như vậy là việc của họ, còn chúng tôi mới là những người chứng kiến nhiều nhất tình hữu nghị giữa 2 nước”.

Nguyên Trưởng phân xã TTXVN kể lại: "Trong mấy kỳ họp Quốc hội Trung Quốc trước năm 1988, tôi từng nhiều lần đề nghị được phỏng vấn đại biểu các tỉnh tới Bắc Kinh dự họp nhưng đều bị từ chối.

Nhưng đến năm 1988 thì họ bất ngờ nhận lời phỏng vấn, gồm có đại biểu từ tỉnh Vân Nam và một đại biểu tỉnh Quảng Tây.

Những năm trước đó, đại diện các tỉnh này cũng từ chối.

Thậm chí, khi tôi đi vào dự thảo luận tổ của đoàn các tỉnh đó (do phóng viên được quyền hoạt động, bao gồm phóng viên Việt Nam), thì cảnh vệ của các phòng đó phải thông báo 'đây là phóng viên Việt Nam', mục đích để cho các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cảnh giác.

Trong cuộc phỏng vấn, đại biểu Quảng Tây khẳng định 'trung ương có chính sách của trung ương, nhưng chúng tôi có chính sách của chúng tôi'.

Ông này còn tiết lộ Quảng Tây đã tổ chức các khu chợ ở biên giới Việt-Trung để thu hút người Việt Nam sang buôn bán, làm ăn. Ban đầu là 'giấu Bắc Kinh', nhưng về sau này quy mô thương mại lớn lên và có lợi thì Bắc Kinh phải chấp nhận.

Tương tự, giới chức tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khẳng định nhờ có Việt Nam mà tỉnh này mới 'tìm được con đường thương mại ra biển' gần nhất, rẻ nhất và trở nên phát triển..."

Lý giải cho sự "dễ dãi" của Trung Quốc khi tạo điều kiện tác nghiệp cho mình, ông Kiều Tỉnh nhận định đó chỉ là hành động xoa dịu Việt Nam và các nước ASEAN nói chung nhằm che đậy âm mưu, còn ở ngoài biển Trung Quốc vẫn trắng trợn xâm lược quần đảo Trường Sa, đánh cướp đá Gạc Ma.

"Bên cạnh đó, hệ lụy từ chính cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình chính là việc các tỉnh phía Đông Trung Quốc, giáp biển được 'mở cửa' rộng rãi và trở nên vô cùng phát triển, đã giàu càng giàu hơn.

Trong khi đó, các tỉnh phía Tây như Vân Nam, Quảng Tây... vẫn gặp rất nhiều khó khăn và hợp tác với Việt Nam là lối ra khả thi nhất.

Việc các đại biểu Quảng Tây, Vân Nam nhận trả lời phỏng vấn của tôi chắc chắn đã có sự đồng thuận từ lãnh đạo cấp trên.

Điều này chứng minh rằng một bộ phận trong giới lãnh đạo Trung Quốc - có lập trường đối lập với những kẻ gây chiến ở Trường Sa - đã chủ trương hòa dịu với Việt Nam ngay từ giai đoạn 1987-1988 và muốn 'bắn tín hiệu' đến Hà Nội thông qua tôi," ông Kiều Tỉnh nhận định.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng các quan chức Việt Nam, Trung Quốc tại Hữu Nghị Quan khi bắt đầu lên đường thực hiện chuyến thăm Trung Quốc năm 1990. (Ảnh: Nhà báo Kiều Tỉnh)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng các quan chức Việt Nam, Trung Quốc tại Hữu Nghị Quan khi bắt đầu lên đường thực hiện chuyến thăm Trung Quốc năm 1990. (Ảnh: Nhà báo Kiều Tỉnh)

Bắc Kinh không thể kiểm soát được tiếng nói dư luận

"Bài phỏng vấn của tôi với các quan chức nêu trên sau đó gửi về Việt Nam, chuyển qua Bộ ngoại giao thì được Bộ ngoại giao đánh giá rất tốt, và giúp đánh giá lại về chính sách cũng như quan điểm của một bộ phận không nhỏ giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn muốn hợp tác với Việt Nam," nhà báo Kiều Tỉnh cho biết.

Ông tiết lộ, mỗi khi phóng viên Việt Nam muốn tới các địa phương ở Trung Quốc để công tác thì Bộ ngoại giao Trung Quốc thường cử các tổ công tác xuống trước để chuẩn bị cẩn thận cho các quan chức, lãnh đạo về cách phát ngôn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phản ứng từ dư luận hay chính các quan chức Trung Quốc vẫn vượt khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

"Phải đến năm 1991 thì Việt Nam và Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ.

Trước đó, năm 1990, khi vẫn là Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh, tôi được lệnh về Đồng Đăng để đón đoàn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - khi đó là Phó thủ tướng - sang thăm Trung Quốc, đồng thời theo dõi dư luận của người dân Trung Quốc đối với chuyến thăm.

Bắc Kinh thì không thông báo chuyến thăm của Đại tướng, và bởi lúc đó chưa có đường hàng không nên Đại tướng đi bằng ô tô.

Tuy nhiên, các nguồn tin rò rỉ ở Trung Quốc rất nhiều và tôi chú ý từ Hữu Nghị Quan đi lên thì dân Trung Quốc đổ ra đường để đón xe của Đại tướng.

Cho dù lúc đó ta chưa bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhưng dân họ rất coi trọng, nhất là các cán bộ Trung Quốc.

Nhiều người xì xào: 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung Quốc! Đại tướng thăm Trung Quốc…', và nhất là đi đến đâu thì dân chúng cũng rất ngưỡng mộ Đại tướng.

Điều đó chứng tỏ rằng: Mưu đồ bành trướng của lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ biến mất, nhưng người dân của họ vẫn có thái độ khác."


Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc trong chuyến thăm năm 1990. (Ảnh: nhà báo Kiều Tỉnh)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc trong chuyến thăm năm 1990. (Ảnh: nhà báo Kiều Tỉnh)

Nhiều học giả của Trung Quốc đã viết, chính sách ứng xử thô bạo và lấn chiếm biển Đông hiện nay của Bắc Kinh là do tác động và chi phối bởi “phái diều hâu” là chủ yếu.

Phái này chủ yếu gồm: Quân nhân với thái độ “hiếu chiến”, một số nhà phân tích non trẻ chưa hiểu về thực tế, và bộ phận theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

"Trung Quốc trong thời gian qua có nhiều hành động quá khích. Nhiều ý kiến đã cảnh tỉnh, Trung Quốc chỉ phát triển được nếu có hàng xóm tốt.

Như bài học lịch sử đã ghi nhận, nếu Bắc Kinh không duy trì được quan hệ tốt với láng giềng thì họ sẽ bị cô lập, không thể thực hiện được mục tiêu bước ra thế giới.

Chính vì vậy, bên cạnh những thành phần 'diều hâu', hiếu chiến, vẫn tồn tại những bộ phận dư luận, quần chúng Trung Quốc nhận ra tính đúng đắn của việc hợp tác, duy trì mối quan hệ hòa hợp với các nước láng giềng, như Triều Tiên hay ASEAN."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại