Vụ tấn công này đe dọa đến sự toàn vẹn và sự đoàn kết của đất nước nhưng không thể làm yếu đi quyết tâm chống khủng bố của chúng ta mà ngược lại
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ RECEP TAYYIP ERDOGAN
Theo Reuters, ông Erdogan cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ khiến khủng bố phải quỳ gối”. Vụ đánh bom xe hơi ở thủ đô Ankara tối 13-3 cho đến nay đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Đây là vụ tấn công thứ hai ở thành phố này trong vòng một tháng qua. Hồi tháng 2, vụ tấn công nhằm vào các xe quân sự ở Ankara đã khiến 28 người thiệt mạng.
Theo thông tin mới nhất, có hai nghi can trong vụ này, một đàn ông và một phụ nữ. Nghi can nữ được cho là đã gia nhập Đảng Công nhân người Kurd (PKK) từ năm 2013. Nghi can này sinh năm 1992 và đến từ thành phố Kars phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếng nổ từ vụ nổ xe chứa bom lớn đến mức có thể nghe thấy cách hàng kilômet.
Chưa có phe nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng ít nhất hai quan chức an ninh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói dựa trên các bằng chứng, họ nghi ngờ PKK làm chuyện này.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, hiện đối mặt với khá nhiều mối đe dọa về an ninh.
Là một bên trong liên quân do Mỹ đứng đầu, Ankara đã tham gia đánh lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chiến đấu chống lại các chiến binh PKK ở phía đông nam, nơi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hai năm rưỡi sụp đổ hồi tháng 7 năm ngoái, gây ra xung đột tồi tệ nhất kể từ những năm 1990.
Vụ tấn công lần này đã được cảnh báo vì hai ngày trước đó Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đã cung cấp thông tin cho biết có thể xảy ra tấn công nhằm vào các tòa nhà chính quyền ở khu Bahcelieveler của Ankara.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thông báo rằng đại sứ nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ James Larsen đang ở trong một chiếc xe cách nơi xảy ra vụ nổ chỉ 20m.
“Đó là một điều kinh hoàng đối với ông ấy. Nó diễn ra quá gần nhưng ông ấy ổn” - bà Bishop cho hay.
Nhà phân tích quân sự Rock Francona của Đài CNN nhận định: “Tôi ngờ rằng Ankara có một số thông tin về dấu hiệu một cuộc tấn công sắp diễn ra nhưng họ không đưa ra quyết định gì vì thiếu thông tin cụ thể và đáng tin cậy về mối đe dọa này.
Họ cũng đã không thể thu hẹp các thông tin nghi vấn. Dù sao thì Đại sứ quán Mỹ đã quyết định đưa ra cảnh báo”.
Ông Francona cũng cho rằng vụ tấn công sẽ làm thay đổi quan điểm của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi có thể thấy họ đang trong tình thế cực kỳ khó khăn và phải thay đổi” - ông nói.
Nhà phân tích an ninh và tình báo của CNN Robert Baer cho rằng việc quy trách nhiệm vụ tấn công cho ai là điều khó khăn.
“Có quá nhiều nhóm người Kurd, có liên hệ với PKK hoặc không.
Quy trách nhiệm việc này cho ai đó là điều khó khăn, kể cả là IS hay Al-Qaeda” - ông nhận định và nói thêm rằng sau vụ này, Tổng thống Erdogan có thể sẽ cứng rắn hơn với quân ly khai người Kurd.
Thật ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng trả đũa nhanh chóng như hồi xảy ra khủng bố tháng trước: máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc các khu trại của PKK ở miền bắc Iraq sáng sớm 14-3.
Lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt ở thị trấn đông nam Sirnak để Ankara thực hiện các chiến dịch chống quân người Kurd ở khu vực này.
Các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Nga đã lên án vụ tấn công này, gọi đó là hành động hèn hạ và vô nhân đạo.
Rúng động ở Bờ Biển Ngà
Trong khi đó, một vụ tấn công khủng bố cũng xảy ra ở châu Phi. Ít nhất 16 người đã thiệt mạng, trong đó có bốn người châu Âu, trong một vụ tấn công vào một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở Bờ Biển Ngà hôm 13-3.
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Theo Reuters, sáu tay súng đã đi thuyền từ biển vào, mở các cuộc tấn công đồng loạt nhằm vào ba khách sạn trên bờ biển ở Grand Bassam, thành phố nghỉ dưỡng quen thuộc với du khách phương Tây.
Những tay súng này sau đó đã bị tiêu diệt sau cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Bờ Biển Ngà.
Trong số người thiệt mạng có hai binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đến giải cứu. Những người nước ngoài thiệt mạng trong vụ này bao gồm các công dân của Pháp, Đức, Burkina Faso, Mali và Cameroon.
Các nhân chứng cho biết bọn khủng bố đặc biệt chỉ nhằm bắn vào “người da trắng”.
Tổ chức Al-Qaeda vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Tuy nhiên, AQIM nói vụ tấn công này chỉ do ba tay súng thực hiện. AQIM cũng đã thực hiện nhiều vụ tấn công gần đây trong khu vực ở Ouagadougou (Burkina Faso) và Bamako (Mali).
Các vụ tấn công này làm dấy lên quan ngại AQIM đã vươn vòi vượt ra khỏi các khu vực hoạt động truyền thống ở Sahara và Sahel.