Tổng thống Putin tiết lộ quá khứ đầy nước mắt

Quang Huy |

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chia sẻ về việc mẹ ông bị bệnh nặng, bố bị thương và cái chết của người anh trai trong chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô hồi Thế chiến 2.

Anh trai chết...

Những năm tháng khủng khiếp trong giai đoạn Chiến tranh Vệ quốc tác động tới mọi gia đình người dân sống ở Liên Xô thời bấy giờ. Bố mẹ của tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không tránh khỏi những mất mát.

Dù bị thương phải nằm chữa trị trong bệnh viện quân đội nhưng bố của ông Putin vẫn giúp đỡ gia đình, tuy nhiên ông vẫn không thể cứu được cậu con trai - người anh trai của ông Putin.

"Anh trai tôi lúc đó khoảng 3 tuổi. Đúng vào lúc nạn đói, thành phố bị bao vây... Và bố tôi đã phải chia phần ăn bệnh viện của mình cho mẹ tôi. Giấu các bác sĩ và y tá. Còn mẹ tôi đã giấu giếm để mang về nhà cho con.

Nhưng sau đó bố tôi thường xuyên bị ngất xỉu trong bệnh viện vì đói và các bác sĩ cũng như y tá đã hiểu điều gì đang xảy ra. Họ cấm không cho mẹ tôi vào viện" - ông Putin viết trong trang cá nhân của mình trên "Russian Pioneer".

Ông Vladimir Spiridonovich Putin - cha của Tổng thống Putin. Ảnh: RT.

Ông Vladimir Spiridonovich Putin - cha của Tổng thống Putin. Ảnh: RT.

"Sau đó người ta cũng đến đưa anh tôi đi. Họ làm điều gì đó để cứu anh khỏi bị đói. Tập trung vào các nhà trẻ để chuẩn bị đưa đi sơ tán khỏi thành phố.

Họ không cần xin phép các phụ huynh. Và anh trai tôi bị bệnh vào giai đoạn này - mẹ tôi nói rằng anh ấy bị bệnh bạch hầu - và không thể sống được.

Người ta còn không nói anh ấy được chôn cất ở đâu. Bố mẹ tôi đến giờ cũng vẫn chưa biết" - ông Putin chia sẻ thêm.

"Năm ngoái, những người tôi không quen đã tự tìm kiếm trong các hồ sơ lưu trữ và tìm thấy giấy tờ nói về anh trai tôi. Và đó đúng là anh của tôi" - tổng thống Putin nhấn mạnh.

... mẹ từng "suýt" ra đi...

"Còn bố tôi, khi anh tôi bị người ta đưa đi, và mẹ tôi chỉ còn một mình, đã được người ta cho phép đi bằng nạng và về nhà. Khi vừa bước tới cửa nhà thì ông nhìn thấy các nhân viên y tế đang khiêng các xác chết đi ra.

Và ông ấy nhìn thấy trong những cái xác đó có mẹ tôi. Ông tiến về phía bà ấy và dường như điều gì đó mách bảo ông ấy rằng mẹ tôi vẫn còn thở. Ông nói với các nhân viên y tế: "Cô ấy vẫn còn sống!".

Họ trả lời ông: "Trên đường tới bệnh viện sẽ chết thôi" - Vladimir Putin viết.

"Bố tôi kể lại rằng ông ấy cầm nạng lao về phía các nhân viên y tế và bắt họ phải khiêng mẹ tôi về nhà.

Họ nói với bố tôi: 'Được rồi, ông nói sao chúng tôi làm vậy, nhưng chúng tôi cảnh báo rằng chúng tôi sẽ không quay lại đây sau 2-3-4 tuần nữa đâu. Khi đó ông tự mà lo liệu nhé'.

Bố tôi đã cứu sống mẹ. Và bà ấy sống đến năm 1999. Còn bố tôi mất vào cuối năm 1998" - tổng thống Nga chia sẻ thêm.

Ông Putin chụp ảnh cùng mẹ - bà Maria Ivanovna - vào tháng 7/1958. Ảnh: Wikipedia.

Ông Putin chụp ảnh cùng mẹ - bà Maria Ivanovna - vào tháng 7/1958. Ảnh: Wikipedia.

... và cha bị thương trong chiến tranh

Ông Putin cũng chia sẻ cả về lý do tại sao bố của ông bị thương.

"Ông ấy cùng đồng đội đột nhập vào hậu phương của quân Đức, họ cứ bò và bò mãi. Sau đó rất buồn cười nhưng cũng rất buồn: họ bò tới một lều quân y của Đức.

Bố tôi kể, bỗng nhiên từ trong lều một thanh niên cao lớn bước ra, nhìn thấy họ... còn bọn họ thì không thể đứng dậy vì đang trong tầm ngắm của súng trung liên.

Người đó nhìn thấy ông và đồng đội liền vội vàng rút hai quả lựu đạn và ném về phía họ. Và...

Cuộc sống đúng là một thứ rất đơn giản và khắc nghiệt" - nhà lãnh đạo Liên bang Nga viết.

Ông Putin bên cha mẹ.

Ông Putin bên cha mẹ.

"Sau khi vòng vây được phá, họ đã chuyển về quê ở tỉnh Tver, và sống ở đó cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Gia đình của bố tôi khá đông người. Ông ấy có 6 anh em, và 5 người đã hi sinh. Đó là thảm hoạ đối với gia đình ông ấy. Mẹ tôi cũng có họ hàng hi sinh.

Và tôi sau này mới được sinh ra. Mẹ tôi sinh ra tôi khi bà đã 41 tuổi" - ông Putin cho biết.

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng những khó khăn đó không biến mọi người trở thành ác độc.

Tổng thống Nga
Vladimir Putin
Không có gia đình nào mà không có người chết hoặc hi sinh. Và tất nhiên, nỗi đau, nỗi khổ, bi kịch có đủ cả. Nhưng không ai căm ghét kẻ thù, đó là điều đáng ngạc nhiên. Cá nhân tôi cho đến nay, nói thật lòng, vẫn không thể hiểu hết được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại