1. Polyp đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng là một hay nhiều khối u có đường kính từ vài milimet đến vài centimet, xuất phát từ niêm mạc, có hình dạng như nấm, nhô lên ở bề mặt lòng đại trực tràng. Đa phần polyp đại trực tràng đều là u lành tính, nhưng một số trường hợp có thể biến thành ung thư.
Theo BS Trần Nguyên Hà, trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, hiện nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây polyp đại trực tràng. Tuy nhiên, có thể có một sự tương tác giữa gen và môi trường, lối sống để tạo ra polyp đại trực tràng.
Chính vì thế, một số gia đình sẽ bị polyp nhiều hơn gia đình khác, hoặc nếu ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, hút thuốc lá, bị béo phì, nguy cơ bị polyp cũng tăng lên.
2. Có phải cứ bị polyp đại trực tràng là sẽ bị ung thư?
GS Nguyễn Bá Đức, nguyên GĐ Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, ung thư đại trực tràng do rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là chế độ ăn uống như ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ... đem đến nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn.
Nguyên nhân thứ 2 là những viêm nhiễm đại trực tràng lâu ngày như viêm loét đại trực tràng chảy máu... cũng thấy có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Các nguyên nhân tiếp theo được kể đến như là hút thuốc lá và polyp đại trực tràng trong đó tỷ lệ polyp gây ra ung thư đại trực tràng không cao, chủ yếu là do đa polyp đại trực tràng có yếu tố gia đình.
Cần phải biết rằng polyp đại trực tràng có nhiều dạng trong đó đa số là polyp tăng sản lành tính hoàn toàn. Đây là loại polyp nhỏ, thường mọc ở phần cuối của ruột như trực tràng, sát hậu môn. Nơi này có ít mạch máu nên hầu như polyp không to lên và sẽ không chuyển thành ung thư.
Ngoài ra còn có dạng polyp tuyến gồm 3 loại: tuyến ống, tuyến nhánh và tuyến ống - nhánh. Polyp tuyến ống ít có khả năng tiến triển xa hơn, tỷ lệ biến thành ác tính rất thấp. Polyp tuyến ống - nhánh có tỷ lệ tiến triển thành ác tính cao hơn, ở mức độ trung bình. Polyp tuyến nhánh chính là loại có nhiều khả năng biến thành ung thư.
Ngoài ra, để xem xét một trường hợp polyp đại trực tràng có nguy cơ biến thành ung thư hay không, theo ThS-BS Trần Quốc Vĩnh, khoa Nội soi, Yersin Clinic còn cần xét đến các yếu tố sau:
- Kích thước polyp: Polyp càng lớn khả năng ung thư hóa càng cao, các polyp lớn hơn 2cm có khả năng ung thư hóa đến 50%.
- Số lượng polyp: Số lượng polyp càng nhiều thì càng có khả năng ung thư hóa.
- Hình dạng của polyp: Polyp có cuống ít khả năng ung thư hóa hơn polyp không có cuống.
- Tính chất của polyp: Polyp nghịch sản (bất thường trong phát triển tế bào và cấu trúc mô) nhẹ ít có khả năng tiến triển thành ung thư, ngược lại các polyp có kèm theo nghịch sản nặng cần phải theo dõi chặt chẽ vì khả năng ung thư hóa rất cao.
3. Ai dễ mắc polyp đại trực tràng?
Bất kỳ ai. Tuy nhiên, có những người nguy cơ mắc cao hơn những người khác gồm có:
- Người trên 50 tuổi.
- Người đã từng được cắt bỏ polyp đại trực tràng
- Người có người thân (cùng huyết thống) bị polyp hay ung thư đại trực tràng
- Người mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc tử cung trước 50 tuổi.
- Người có lối sống không lành mạnh như ăn nhiều mỡ, hút nhiều thuốc, uống nhiều rượu, không tập thể dục, thừa cân béo phì...
4. Đa số polyp là lành tính, vậy có cần tầm soát ung thư không?
Theo BS Đặng Thế Căn, nguyên GĐ Bệnh viện K trung ương, tuy rằng trường hợp bị đa polyp có thể chuyển thành ung thư chỉ từ 1 - 10% nhưng tầm soát ung thư là việc làm cần thiết vì các khối polyp to loét, vỡ ra có thể gây viêm nhiễm snh ra nhiều tế bào khác trong đó có thể xuất hiện tế bào ác tính.
Cho đến nay, nội soi đại trực tràng vẫn là tiêu chuẩn vàng để kiểm tra và xử lý polyp vì biện pháp này giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại trực tràng.