Các thầy thuốc xưa còn dựa vào “định luật tương đồng”- có nghĩa là vật thể, hình dáng, màu sắc nào giống với cơ quan của cơ thể có thể cải thiện, nâng cao chức năng hoạt động của cơ quan bộ phận đó. Chẳng hạn như thức ăn có màu đỏ giúp bổ huyết; ăn bầu dục bổ thận; tinh hoàn hươu, thịt dê hỗ trợ điều trị chứng nhược dương. Cụ thể có thể kể đến như sau:
Thuộc loài thực vật
Dâm dương hoắc vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng bổ can, thận, trợ dương, mạnh gân xương, ích tinh, trừ thấp, chuyên trị liệt dương, di tinh, lưng gối đau mỏi.
Y học hiện đại cũng ghi nhận, trong dâm dương hoắc có chứa hàm lượng L-Arginine cao là chất kích thích sản xuất hormone tăng trưởng, tăng cường sinh dục. Chiết xuất trong lá dâm dương hoắc có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng tình dục. Dịch chiết dâm dương hoắc có tác dụng cải thiện các hiện tượng rối loạn cương dương và xuất tinh ngoài ý muốn.
Tốt nhất có thể dùng dâm dương hoắc sao tẩm với mỡ dê. Mỡ dê 250g thái nhỏ, rán chảy, vớt bỏ tóp rồi cho 1kg dâm dương hoắc đã thái nhỏ vào, đảo đều cho thấm hết mỡ. Sau khi sao thì ngâm với 10-12 lít rượu. Sau 5-7 ngày là có thể dùng được. Ngày uống hai lần, mỗi lần từ 15-20ml.
Dâm dương hoắc bổ can, thận, trợ dương.
Thuộc loài động vật có vú
Dê: Các bộ phận của dê đều có thể sử dụng làm thuốc. Tinh hoàn dê (ngọc dương) có tác dụng trị thận suy, liệt dương, hoạt tinh, dùng để nấu cháo ăn hoặc ngâm rượu. Dạ dày dê chữa tiêu hóa kém, buồn nôn sau bữa ăn (người đau dạ dày và loét tá tràng không nên dùng món này).
Gan dê (dương can) nấu chín điều trị những trường hợp mờ mắt sau khi ốm dậy. Tiết dê pha với rượu chữa bổ huyết, đau đầu, chóng mặt, đau lưng. Các món ăn chế biến từ thận dê có tác dụng trị suy nhược, lãng tai, đổ mồ hôi. Có thể dùng bài: Thận dê luộc chín, sấy khô, tán mịn, uống mỗi ngày 1-2 thìa cà phê.
Thuộc loài bò sát
Tắc kè vị mặn, tính ấm bổ âm huyết, cường dương, bổ thận, ích tinh, dùng trị các bệnh hen suyễn lâu ngày, hư lao, ho ra máu, các chứng lưng đau, gối mỏi, tai ù, sinh lý kém, liệt dương, di tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, các trường hợp suy nhược thần kinh, lao động trí óc căng thẳng, sức khỏe yếu, mệt mỏi. Liều dùng 3 - 5g bột.
Người liệt dương dùng 1 cặp (con đực và con cái). Chế biến bằng cách nhúng nước sôi, hoặc dùng rượu làm sạch lông, vẩy, bỏ ruột, bỏ đầu (chặt từ sau hai u mắt) và bàn chân, tẩm rượu nướng vàng hoặc sấy khô ngâm với rượu. Ngày uống 10-15ml.
Thuộc loài chim
Chim sẻ: tính ấm, vị ngọt, có tác dụng tráng dương, ích tinh... điều trị một số chứng bệnh như liệt dương, xuất tinh sớm, ho kéo dài.
Bài thuốc bổ thận tráng dương: Chim sẻ 5 con, chim bồ câu non 1 con, đậu đen 120g, muối rang 4g, mật ong vừa đủ. Thịt chim sấy khô, nướng vàng, tán bột, đậu đen sao tồn tính, tán nhỏ. Các thứ trên trộn đều với muối, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 2 lần, mỗi lần 15 viên với nước ấm. Bài thuốc này cũng có tác dụng với những người bị thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng. Hoặc dùng bài: Chim sẻ làm sạch, luộc chín, ăn nóng.
Chữa xuất tinh sớm: Chim sẻ 2 con, dây tơ hồng 10g, câu kỷ tử 10g. Chim sẻ làm sạch, bỏ ruột, chặt miếng hầm mềm cùng dây tơ hồng, câu kỷ tử. Ăn cái, uống nước.
Thuộc loài thủy sản
Tôm là loài háu ăn, giao phối khỏe có tác dụng bổ thận, kiện vị, hưng dương. Tôm đồng cùng với tắc kè, hồi hương, hồ tiêu sấy khô, tán thành bột dùng chữa yếu sinh lý, liệt dương, mộng tinh, xuất tinh sớm.
Dùng phổ biến là món ăn, bài thuốc như sau: Tôm đồng 50g, lá hẹ 20g, quả ớt ngọt 30g. Tất cả thái nhỏ xào chín, thêm ít rượu và gia vị, ăn trong ngày.
Hoặc dùng bài: Tôm đồng 50g, hạt hẹ 15g, gạo 200g. Vo gạo sạch,đổ nước nấu thành cháo. Cho thịt tôm và hạt hẹ đã giã nhỏ, tiếp tục nấu cho chín. Thêm gia vị, ăn nóng.