Phổi của người không hút thuốc hoạt động như thế nào?
Không khí từ bên ngoài sẽ đi vào trong cơ thể thông qua một đường ống, gọi là khí quản. Sau đó, không khí sẽ đi đến các phế nang nằm bên trong của phổi. Phổi được tạo thành từ các mô đàn hồi có thể co vào và giãn ra theo các nhịp thở của bạn.
Các phế nang sẽ nhận không khí sạch, giàu oxy đi vào trong phổi và thải ra khí CO2. Niêm mạc phổi và khí quản được lót bởi một lớp lông rất nhỏ, có cấu trúc giống như những sợi tóc, được gọi là các lông mao. Lông mao có nhiệm vụ làm sạch bụi hoặc bẩn có trong luồng không khí bạn hít vào.
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi như thế nào?
Khói thuốc lá có chứa rất nhiều hóa chất độc hại có thể làm tổn thương hệ hô hấp. Những hóa chất này làm phổi bị viêm và có thể dẫn đến tình trạng sản xuất dịch nhầy quá mức. Do đó, những người hút thuốc là thường có nguy cơ bị ho, viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi nặng hơn. Tình trạng viêm cũng có thể sẽ dẫn đến việc lên cơn hen suyễn ở những người đã bị bệnh hen từ trước.
Nicotine có trong thuốc lá sẽ làm tê liệt các lông mao. Thông thường, lông mao sẽ loại bỏ các chất hóa học, bụi bẩn ra ngoài bằng các hoạt động phối hợp nhịp nhàng. Khi lông mao không hoạt động, các chất độc sẽ tích tụ lại, dẫn đến tắc nghẽn phổi và ho.
Cả thuốc lá và các chất hóa học có trong thuốc lá sẽ thay đổi cấu trúc về mặt tế bào của phổi. Lớp niêm mạc đàn hồi bên trong khí quản sẽ bị phá vỡ. Điều này có nghĩa là sẽ có ít vùng bề mặt có thể hoạt động ở trong phổi hơn. Khi các mô phổi bị phá vỡ, chúng sẽ không thể tham gia vào quá trình trao đổi khí oxy – CO2. Thậm chí, có thể dẫn đến tình trạng khí phế thũng, được đặc trưng bởi các cơn khó thở.
Rất nhiều người hút thuốc sẽ bị bệnh khí phế thũng. Lượng thuốc lá bạn hút và các yếu tố về lối sống sẽ ảnh hưởng đến việc phổi bạn bị tổn thương nhiều hay ít.