Phó giáo sư Nhật: 4 thói quen gây nguy cơ ung thư thực quản, ai mắc cần chú ý kiểm tra

Tú Chi |

PGS Miyahara chỉ ra những thói quen có nguy cơ ung thư thực quản là uống rượu, hút thuốc lá, nghiện rượu, ít ăn rau và hoa quả...

Dấu hiệu của bệnh

Thực quản là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của con người. Vị trí nằm ở đoạn đầu của ống tiêu hóa, độ dài từ 20 đến 30cm. Thực quản có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn xuống dạ dày và ngăn không cho thức ăn đi ngược  trở lại.

Bệnh ung thư thực quản là một bệnh lý ác tính, các tế bào ung thư tăng sinh không kiểm soát dẫn đến hình thành những khối u trong thực quản. Theo thống kê của Mỹ bệnh ung thư thực quản có thể phát sinh tại các tế bào lót ở vị trí bất kỳ, nhưng thường xảy ra nhất là ở phần dưới của thực quản.

Bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư thực quản giai đoạn đầu nói riêng thường không có những triệu chứng cụ thể, bệnh nhân thường nhầm những dấu hiệu với một số bệnh lý khác.

Phó giáo sư Nhật: 4 thói quen gây nguy cơ ung thư thực quản, ai mắc cần chú ý kiểm tra - Ảnh 1.

Bệnh ung thư thực quản đang ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo quốc tế về bệnh lý tiêu hóa, gan mật được tổ chức tại trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa Gan mật, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản, tỉ lệ mắc ung thư thực quản tại Nhật Bản đã tăng rất nhanh (gần gấp 3) kể từ những năm 1990 trở lại đây.

Tuy nhiên, tỉ lệ sống của người bệnh tại Nhật Bản rất cao nhưng bệnh nhân phát hiện sớm ngay từ giai đoạn 0 và 60% ở giai đoạn 2.

Dấu hiệu của ung thư thực quản như: khó nuốt tăng dần, thường nghẹn ở cổ và cảm giác nóng rát khi nuốt thức ăn. Một số triệu chứng khác như khó tiêu, nóng rát trước ngực, nôn ói, nghẹn thức ăn. Những triệu chứng ít gặp hơn: ho khan, thở khò khè, cảm giác đau rát sau ức hay đau vùng cổ, khàn tiếng, thiếu máu, gầy sút cân…

PGS. Miyahara cũng chỉ ra những thói quen có nguy cơ ung thư thực quản là uống rượu, hút thuốc lá, nghiện rượu, ít ăn rau và hoa quả...

Ngoài ra, những người bị suy kiệt, tiền sử ung thư thanh quản hoặc hầu họng, thể dị hợp gen Aldehyde dehydrogenase 2 (chứng đỏ mặt khi uống rượu ở người châu Á), co thắt tâm vị, tổn thương thực quản đều có nguy cơ bị ung thư thực quản và đây là nhóm người cần đi tầm soát ung thư thực quản thường xuyên.

10% phát hiện sớm

Theo PGS.TS. Phạm Đức Huấn (Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết bệnh lý tiêu hóa thường gặp là các bệnh lý thực quản, dạ dày, trực tràng trong đó ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ chẩn đoán sớm ở bệnh nhân còn thấp chỉ 10% nên điều trị còn nhiều khó khăn.

Trên thế giới hiện nay có nhiều tiến bộ để chẩn đoán phát hiện sớm được những căn bệnh ung thư đường tiêu hóa hay gặp là dạ dày, đại trực tràng, gan, thực quản và dạ dày đứng đầu.

PGS Huấn cho biết cần có chiến lược để phát hiện sớm trong đó có nội soi và các kỹ thuật của nội soi để phát hiện sớm. Sau khi, phát hiện ung thư bệnh nhân có thể phẫu thuật và phẫu thuật nội soi. 

Ví dụ, phẫu thuật cắt thực quản là phẫu thuật khó nhất trong phẫu thuật nội soi nhưng Việt Nam cắt được vì thế quan trọng là bệnh nhân phải phát hiện sớm được bệnh để hiệu quả điều trị tốt.

Để phát hiện sớm ung thư thực quản cần nội soi định kỳ thực quản bởi các tổn thương biểu mô thường phải mất 3-5 năm để phát triển thành ung thư.

Các bác sĩ khuyến cáo, người Việt Nam cần thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau củ và vận động nhiều hơn. Nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao để phát hiện sớm ung thư về tiêu hóa, gan mật, có cơ hội điều trị khỏi, kéo dài thời gian cho người bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại