Phó giám đốc BV Bạch Mai cảnh báo căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng đáng sợ

Thảo Nguyên |

Theo giáo sư Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tim mạch vốn là bệnh ở tuổi 50 – 90 thì giờ đây 30 tuổi đã mắc rất nhiều.

Tăng lên khủng khiếp

Theo GS Lợi nói về con số gia tăng của bệnh tim mạch, ông nhấn mạnh "bệnh nhân mắc tim mạch đang tăng lên khủng khiếp, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều và nguy cơ tử vong do tim mạch rất cao".

Hiện nay, mỗi người đều rùng mình khi nghĩ về bệnh ung thư, tai nạn giao thông, nhưng theo GS Lợi ung thư chỉ chiếm 18%, trong khi tim mạch chiếm 33% tử vong. Hiện nay, cứ 100 người chết thì 33 người chết do tim mạch. Gần 200.000 người chết do tim mạch/năm.

Chỉ riêng tại Viện Tim mạch Quốc gia, số bệnh nhân đến khám khoảng 700-800 người/ngày, một năm là hơn 100 nghìn lượt người đến khám. Trong đó, tỷ lệ phải vào nội trú là khoảng 8-10%. Hiện nay, Viện Tim mạch đang có 450 giường bệnh và số lượng bệnh nhân dao động 450-500/ngày nằm nội trú.

Trong số các bệnh tim mạch, GS Lợi cho biết bệnh nhân bị bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ tăng lên đáng kể.

Nhiều bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp, do các yếu tố nguy cơ gây ra tim mạch (đái tháo đường, chế độ ăn không hợp lý, rối loạn mỡ máu, rối loạn lypit máu, ít vận động thể lực, thuốc lá, stress…) làm tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa là bệnh lý, vừa là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch.

Phó giám đốc BV Bạch Mai cảnh báo căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng đáng sợ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Độ tuổi mắc tim mạch thường ở 50 đến 90 tuổi, nhưng hiện nay có rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi sung sức 30-35 cũng mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim. So với nữ giới, nam giới ở độ tuổi lao động mắc bệnh huyết áp, tim mạch chiếm số lượng áp đảo.

Đáng chú ý, nếu như năm 2000, cả nước có khoảng 16,3% số người lớn bị tăng huyết áp thì đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 24,5% và năm nay, số người bị tăng huyết áp là 46%, rất đáng báo động.

Hãy phòng bệnh ngay

Theo bác sĩ Dương Ngọc Long - Viện Tim mạch Việt Nam, ăn thiếu rau và trái cây ở mức rất cao: Có tới 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây so với khuyến cáo của WHO là 400g/ngày và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới so với nữ giới (63,1% so với 51,4%).

Việc ăn mặn cũng góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch: Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO là dưới 5 gam muối/người/ngày.

Lười vận động cũng là nguyên nhân của bệnh tim mạch: Chúng ta có gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (hoạt động thể lực ít nhất 150 phút/tuần). Tỷ lệ này ở nam chỉ là 20,2%, thấp hơn so với nữ hiện là 35,7%.

Phó giám đốc BV Bạch Mai cảnh báo căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng đáng sợ - Ảnh 2.

GS Đỗ Doãn Lợi

Trong khi ăn nhiều chất dinh dưỡng lại ít vận động, dẫn đến tình trạng béo phì-kẻ thù của bệnh tim mạch. Có tới 15,6% số người Việt Nam bị thừa cân béo phì và bệnh này không có sự khác biệt giữa nam và nữ, ở thành thị cao nông thôn. Tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh.

Một trong những yếu tố gây ra các bệnh tim mạch nhồi máu cơ tim, vỡ, phình động mạch đó là bệnh lý tăng huyết áp. Tại Việt Nam có tới 12 triệu người mắc cao huyết áp và 60% bệnh nhân tăng huyết áp không phát hiện ra bệnh, 80% bệnh nhân tăng huyết áp chưa được điều trị. Điều này khiến cho bệnh tim mạch ngày càng gia tăng.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, theo các chuyên gia chúng ta nên phòng ngừa hiệu quả ngay từ hôm nay nhờ lối sống lành mạnh theo khuyến cáo dưới đây:

1. Chế độ ăn hợp lý: Dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.

2. Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.

3. Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu.

4. Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.

5. Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý.

6. Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại