Philippines tăng cường hợp tác với Nga khi Biển Đông tăng nhiệt

Mỹ Đức |

Là đồng minh số 1 của Mỹ nhưng khi khu vực đang nóng lên do tranh chấp trên Biển Đông, Philippines lại tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Nga.

Theo TASS, hôm 26/4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines Natalio Cabili Ecarma để thảo luận về các lĩnh vực đầy hứa hẹn của hợp tác song phương, trong đó có việc huấn luyện lực lượng vũ trang Philippines tại các cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Antonov cho rằng hai bên đều có tiềm năng cho sự phát triển không ngừng của hợp tác song phương về các lĩnh vực quân sự và công nghệ liên quan tới quân sự.

Thứ trưởng quốc phòng Nga nhấn mạnh cần phải củng cố nền tảng pháp lý cho hợp tác song phương và tăng cường hoạt động tiếp xúc quân sự đôi bên cùng có lợi.

Về phần mình, ông Ecarma cũng bày tỏ sự quan tâm cũng như quyết tâm tăng cường và đẩy mạnh hoạt động tương tác song phương.

Chiến hạm Nga hiện diện trên Biển Đông ngày càng nhiều.
Chiến hạm Nga hiện diện trên Biển Đông ngày càng nhiều.

Được biết, mối quan hệ hợp tác Nga và Philippines không phải đến bây giờ mới được chú ý đến mà nó đã được biết đến từ trước đó.

Hồi cuối năm 2015 khi phát biểu trước truyền thông Philippines về tình hình bất ổn trong khu vực, Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Konstantin Biryulin cho biết:

"Chúng tôi có những vấn đề tương tự ở Nga và chúng tôi biết phải làm thế nào để giải quyết chúng. Đây là lý do tại sao chúng tôi có một đề nghị liên quan đến thiết bị nào đó có thể giúp kiểm soát những khu vực này".

Biryulin cho biết, cũng như việc mở rộng hợp tác kinh tế song phương, chuyến thăm đó của ông nhằm thúc đẩy các hoạt động quốc phòng, bao gồm việc cung cấp các phần cứng quân sự cho Manila.

Nga có thể chào hàng cung cấp radar, tên lửa đất đối không cho Philippines. Nền móng hợp tác giao lưu quân sự song phương bắt đầu từ tháng Giêng năm 2012, khi 3 tàu chiến hải quân Nga thăm Manila cùng thời gian với 2 tàu khu trục Mỹ.

Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương Nga trong gần 100 năm qua. Cùng năm đó, Nga đã nỗ lực tìm cách chào hàng cho Philippines máy bay huấn luyện Yak-130 nhưng không thành.

Vì lý do lịch sử, nhiều người Philippines tin rằng đối tác tự nhiên của họ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, "phương trình hợp tác" Moscow - Manila đang thay đổi do những căng thẳng leo thang trong khu vực.

Carlos D. Sorreta, Giám đốc Học viện Ngoại giao Philippines cho rằng, có nhiều nội dung về an ninh mà Nga - Philippines có thể hợp tác. So với các khu vực khác, Đông Á là nơi có ít cạnh tranh nhất giữa Nga và Mỹ, ông nhận xét.

Lịch sử không nên là trở ngại để hai nước làm việc cùng nhau trong các khuôn khổ an ninh quan trọng trong khu vực như ARF, hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Trong tháng 8/2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã gặp nhau bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Kuala Lumpur.

Hai bên đồng ý tạo thuận lợi cho việc ký kết một số hiệp định hợp tác giữa 2 nước, bao gồm thành lập ủy ban liên chính phủ về thương mại, quốc phòng và hợp tác kỹ thuật quân sự, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tiềm năng lớn nhất trong lĩnh vực quốc phòng theo Rakesh Krishnan Simha là Nga có thể xem xét bán hệ thống tên lửa S-300 cho Philippines như đã bán cho Iran và một số quốc gia khác. Philippines đang ngày càng lo ngại về an ninh hàng hải và tìm kiếm nguồn cung vũ khí.

Mặc dù phương Tây và chủ yếu là Mỹ đưa ra nguồn cung, nhưng chính sách bán vũ khí của Nga có ưu thế hơn, một là giá cả cạnh tranh, hai là không điều kiện đi kèm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại