Theo nghiên cứu do Đại học Calgary ở Canada và Đại học Tsukuba ở Nhật Bản thực hiện được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science đầu tuần này, khoảng 90 triệu năm trước, trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện, Trái đất có những kẻ săn mồi khổng lồ ở đỉnh của chuỗi thức ăn. Chúng sống ở nơi bây giờ là Uzbekistan.
Căn cứ vào hóa thạch tìm được các nhà khoa học ước tính con vật dài gần 8m, nặng hơn 1.000 kg. “Nó có thể là động vật ăn thịt lớn nhất trong hệ sinh thái vào thời điểm đó”, Darla Zelenitsky, nhà cổ sinh vật học khủng long tại Đại học Calgary, cho hay.
Loài khủng long mới được đặt tên là Ulughbegsaurus uzbekistanensis, theo tên của Ulugh Beg, một nhà thiên văn học, toán học ở thế kỷ XV đến từ Uzbekistan ngày nay.
Phần xương hàm được tìm thấy ở sa mạc Kyzylkum của Uzbekistan vào những năm 1980 và các nhà nghiên cứu đã phát hiện lại nó vào năm 2019 trong một bộ sưu tập của bảo tàng Uzbekistan.
Một phần xương hàm đủ để gợi ý rằng Ulughbegsaurus uzbekistanensis thuộc chi khủng long ăn thịt Carcharodontosaurus (hay khủng long "răng cá mập") vốn chỉ bao gồm 2 loài được biết đến trước đây. Những loài ăn thịt này là anh em họ của khủng long bạo chúa, nổi tiếng nhất là Tyrannosaurus rex.
Darla Zelenitsky, phó giáo sư về cổ sinh vật học tại Đại học Calgary, cho biết hai nhóm khủng long khá giống nhau, nhưng loài khủng long Carcharodontosaurus thường mảnh mai và nhẹ nhàng hơn so với loài khủng long bạo chúa.
Khủng long Ulughbegsaurus uzbekistanensis thịnh hành ở Trung Á hơn 90 triệu năm trước, ở cuối kỷ Phấn Trắng.
Sau đó, khoảng 90 triệu đến 80 triệu năm trước, chúng biến mất và khủng long bạo chúa trở thành kẻ săn mồi đỉnh cao ở châu Á và Bắc Mỹ. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, loài khủng long mới được phát hiện là Carcharodontosaurus đầu tiên được phát hiện ở Trung Á.
Peter Makovicky, giáo sư cổ sinh vật học tại đại học Minnesota, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý rằng Ulughbegsaurus uzbekistanensis có khả năng đứng đầu chuỗi thức ăn trong khu vực. "Tôi nghĩ chiếc xương này lớn đến mức có thể là một loài khủng long săn mồi rất lớn và rất có thể là động vật ăn thịt đứng ở đỉnh trong hệ sinh thái của nó", Makovicky nói.
Hiện các chuyên gia chưa rõ vì sao Ulughbegsaurusk bị xóa sổ nhưng việc quái vật ăn thịt này tuyệt chủng có thể đã tạo điều kiện cho khủng long bạo chúa phát triển và trở thành hệ sinh thái thống trị hệ sinh thái thời bấy giờ.