Lời nguyền từ xác ướp nghìn năm trong các kim tự tháp Ai Cập cổ đại đã xuất hiện từ rất lâu và là một trong những bí ẩn khiến các nhà khoa học phải lao tâm khổ tứ. Tương truyền, sự đồn thổi về những lời nguyền ma mị này lan rộng từ sau sự ra đi bất thường của những người liên quan đến chuyến khai quật lăng mộ Vua Tutankhamun vào năm 1922.
Nhà khảo cổ Howard Carter kiểm tra quách chứa thi hài Vua Tutankhamun. (Ảnh: RHP).
Thời điểm đó, việc nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện lăng mộ của Pharaoh Ai Cập Tutankhamun ở Thung lũng các vị Vua đã khiến cả thế giới sửng sốt. Nhưng trong vòng vài tháng sau khi mở quan tài của Vua Tutankhamun, 6 nhà khảo cổ lần lượt qua đời, kể cả Huân tước Lord Carnarvon, người tài trợ cho cuộc khai quật.
Chính điều này làm rộ lên trong dư luận thời bấy giờ những lời đồn thổi về “Lời nguyền của Pharaoh”, nhất là sau khi các báo cáo thời điểm đó cho rằng lăng mộ Pharaoh Tutankhamun ghi lời nguyền: "Thần Chết sẽ đến với kẻ quấy rầy sự bình yên của Nhà vua".
Tuy nhiên ngày nay các nhà khoa học tin rằng "lời nguyền xác ướp Ai Cập" thực sự là do chất hữu cơ bị phân hủy có thể xâm nhập vào vết thương hở và lây nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu mới đây cho biết ý niệm về lời nguyền xoay quanh các xác ướp đã tồn tại rất lâu trước khi lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun được khai quật.
“Lời nguyền xác ướp là một câu truyện huyền thoại đã nhen nhóm xuất hiện và phát triển dần dần kể từ giữa thế kỷ 19. Nó ngày càng phát triển với những đóng góp của văn học viễn tưởng, phim kinh dị, phương tiện truyền thông và gần đây nhất là Internet.
Nghiên cứu của tôi đã khám phá ra những câu chuyện viễn tưởng bị lãng quên của Mỹ từ những năm 1860, trong đó các nhà thám hiểm nam lột xác ướp nữ và đánh cắp đồ trang sức của họ, để rồi phải chịu cái chết khủng khiếp hoặc hậu quả khủng khiếp cho những người xung quanh.
Những câu chuyện này, do phụ nữ viết, nhấn mạnh việc lột xác ướp như một phép ẩn dụ cho hành vi cưỡng hiếp. Đổi lại, sự so sánh gây sốc này dường như lên án việc phá hủy và đánh cắp di sản của Ai Cập trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa thực dân phương Tây", nhà Ai Cập học Jasmine Day nói với Live Science.
Nhiều học giả khác cũng đồng ý rằng mối liên hệ của lời nguyền và ma thuật với xác ướp đã phổ biến trước khi phát hiện ra lăng mộ của Vua Tutankhamun.
Ronald Fritze, giáo sư Lịch sử tại Đại học bang Athens, nói: “Khi Ai Cập bắt đầu mở cửa với phương Tây sau cuộc thám hiểm của Napoleon, niềm thích thú với xác ướp đã được khơi dậy mạnh mẽ. Những người khá giả thậm chí còn mua chúng chỉ để phục vụ cho nhu cầu giải trí và sau đó đã gặp rắc rối với kiểu phá hoại giấc ngủ của người đã khuất này. Các câu chuyện hư cấu về lời nguyền cũng từ đó mà lan rộng qua các tác phẩm văn chương”.
Cựu Bộ trưởng bộ Cổ vật Ai Cập, tiến sĩ Zahi Hawass tiết lộ ông cũng từng “trải qua một số sự cố” liên quan đến xác ướp: “Trong khi tôi tham gia chụp CT xác ướp của Tutankhamun (năm 2005), thiết bị đột ngột dừng lại”. Tuy nhiên, ông Hawass khẳng định điều này không liên quan đến cái gọi là lời nguyền và từ lâu đã bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào như vậy.
“Nếu để một xác ướp trong phòng 3.000 năm rồi mở ra, bạn phải nhớ rằng vi trùng vô hình có khả năng phát triển trong môi trường này, có thể ảnh hưởng đến các nhà khảo cổ học hiện đại và dẫn đến cái chết của họ. Vì vậy, những gì tôi đang làm bây giờ là, sau khi tôi phát hiện ra một ngôi mộ mới, tôi để mở nó trong vài giờ để thay thế không khí xấu bằng không khí trong lành", tiến sĩ Zahi Hawass cho biết.
Bên cạnh đó, Mark Nelson, giáo sư dịch tễ học và y tế dự phòng tại đại học Monash ở Úc đã tiến hành một nghiên cứu về cuộc sống và tuổi thọ của những người liên quan đến lăng mộ Pharaoh Tutankhamun.
Nghiên cứu của ông thu thập và kiểm tra hồ sơ của tổng cộng 25 người khai quật trực tiếp hoặc có đi tham quan vào sâu trong lăng mộ ngay sau khi nó được phát hiện. Kết quả, tuổi thọ trung bình của nhóm này là 70 tuổi, con số không hề thấp trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Từ đó, nghiên cứu kết luận rằng: "Không có bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của lời nguyền xác ướp".