Đi khám vì ngáy to
Chị Đỗ Thị M (41 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đến Bệnh viện Bạch Mai khám vì khoảng vài tháng trở lại đây chị ngủ không được ngon giấc, nửa đêm thức giấc không ngủ được.
Chị M kể chị bị ngáy ngủ hơn chục năm nay vì cơ địa béo từ sau khi sinh con. Vài tháng nay, chị ngáy to hơn. Chồng chị M cảm thấy chị ngáy ngủ ngày càng to và có cảm giác sặc không khí.
Mỗi lần chồng chị M nhìn vợ ngủ anh cảm giác vợ mình đang ngừng thở. Có lúc anh còn không dám ngủ vì sợ vợ ngừng thở thật và anh luôn phải canh và lay vợ dậy.
Mặc cảm vì ngáy ngủ to, đau họng tai, ngủ không ngon giấc, chị M đã đi khám sức khỏe và nhờ bác sĩ tư vấn. Khi đó, bác sĩ giới thiệu chị nên kiểm tra chuyên khoa hô hấp.
Khi khám bác sĩ cho biết chị bị hội chứng ngừng thở khi ngủ. Lúc này, chị M, mới thấy mình có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo mà không biết. Đầu tiên đó là triệu chứng đau họng và tai. Khi đi ngủ, chị rất đau họng và chạy lên tai.
Không chỉ đau họng và tai, trước kia sức làm việc của chị rất tốt, không ngủ ngày, ngáp ngủ thì giờ đây cứ mỗi lần mở máy tính là chị buồn ngủ không thể tập trung được cho công việc của mình. Nhiều lần đi đường, chị buồn ngủ lúc đó lại gật một cái mới tỉnh nhưng thực sự chị thấy khổ vì các biểu hiện này.
Dấu hiệu của bệnh như thế nào?
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Anh Đức – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết bệnh nhân này còn rất trẻ nhưng kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân lại mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn rất nặng.
Bệnh nhân có biểu hiện chỉ số ngừng thở khi ngủ rất cao và nồng độ oxy trong máu khi ngủ thấp.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bị hội chứng ngừng thở khi ngủ rất cao, ước tính có tới 26% người trưởng thành có hội chứng này nhưng không phải ai cũng có thể biết được hiện tượng ngưng thở khi ngủ của mình.
Bác sĩ Đức cho biết, các yếu tố gây nên hội chứng ngừng thở khi ngủ đó là những người béo phì có nguy cơ mắc hội chứng này,những người có chu vi vòng cổ lớn ở nam giới 43 cm, nữ 38 cm dễ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Những bệnh nhân bị hội chứng bất thường vùng hàm mặt, viêm amidan, xung huyết mũi, đái tháo đường, thuốc an thần, mãn kinh.
Những ai có nguy cơ bị ngừng thở khi ngủ
Hội chứng này nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng. Người bệnh có khả năng bị tăng nguy cơ tim mạch, rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu, tăng tai biến mạch máu não.
Khi ngừng thở bệnh nhân sẽ giảm oxy máu, gây thiếu oxy cho các bộ phận khác như não, tim mạch gây biến chứng đột quỵ, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Thậm chí người bệnh bị đột quỵ vào ban đêm.
Để phát hiện sớm người bệnh cần chú ý các dấu hiệu: Ngủ ngáy, đi tiểu nhiều lần trong đêm, đau đầu buổi sáng, đau họng và tai, đau thắt ngực, hay giật mình thức giấc, thở gấp hoặc ngạt thở…
Để xác định bệnh bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng của bệnh nhân có mắc hội chứng khi ngủ hay không. Khi nghi ngờ, người bệnh sẽ được đo giấc ngủ của mình, đây là phương pháp thăm dò khi bệnh nhân ngủ.
Người bệnh được lắp đặt các kênh để đo tín hiệu điện não, lưu lượng không khí qua mũi, nồng độ oxy trong máu, tín hiệu đo cử động chân, cử động ngực bụng… dựa vào các kênh đó bác sĩ sẽ xem bệnh nhân có bị hội chứng ngừng thở hay không và bị ở mức độ nào.
Để đánh giá mức độ ngừng thở khi ngủ cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng ngừng thở khi ngủ trong một giờ bệnh nhân xảy ra bao nhiêu lần. Ở người bình thường chỉ số ngừng thở dưới 5, còn trong 1 giờ trên 5 cơn ngừng thở thì có dấu hiệu ngừng thở khi ngủ. Tùy mức độ này để xác định mức độ của hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Việc điều trị hội chứng này, theo bác sĩ Đức tùy vào mức độ hội chứng ngừng thở khi ngủ. Ở mức độ nhẹ, người bệnh cần giảm cân, tăng cường luyện tập. Thay đổi tư thế nằm ngủ. Trường hợp nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp như đeo thêm dụng cụ vùng hàm, thở máy áp lực dương liên tục khi ngủ.
Bác sĩ Đức khuyến cáo cách phòng tránh bệnh đó là có chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý, hạn chế rượu bia, thuốc an thần sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ. Những người bị nhược cơ, to đầu chi, đái tháo đường, tăng huyết áp cần điều trị kỹ.