Vụ ‘Nhậu xong đi tè…’: Người bị hại chưa từng xuất hiện tại tòa

PHƯƠNG LOAN - HOÀNG GIANG |

Chiều 17-3, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) xét xử sơ thẩm lần hai vụ án mà tòa này đã từng tuyên án bằng đúng ngày tạm giam, trả tự do cho các bị cáo tại tòa.

Sau khi mở phiên tòa, HĐXX đã quyết định hoãn xử vì vắng mặt bị cáo Khưu Khánh Sỹ và người bị hại Phan Thanh Quyền.

Như vậy, dù vụ án khởi nguồn từ lời trình báo của bị hại, bị hại lại có nhiều lời khai mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo khác và của chính mình nhưng bị hại chưa từng xuất hiện trình bày tại tòa dù đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần.

Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ là hai người nông dân quê Sóc Trăng lên TP.HCM làm thuê tại cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cả hai bị cáo buộc cùng hai người làm thuê chung khác đêm 5-12-2012 bàn nhau ra đường chặn xe để cướp.

Thấy Phan Thanh Quyền chở bạn đến gần, cả nhóm đuổi theo và ném cây về phía xe nhưng Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin.

Khi ra tòa, Uống và Sỹ được cách ly và khai rất thống nhất, rằng nhậu xong, đang hóng mát và đi tè thì có đám đông lao đến hô to “bắt nó, bắt nó”. Không biết chuyện gì, lại tưởng là cướp nên cả hai chạy né đi.

Khi đối chất, cả Sỹ và Uống cho biết đêm đó sau khi nhậu thì Uống đi ra ngoài hóng mát và đi tè, còn Sỹ đến giờ làm việc thì ra ngoài kêu các bạn vào.

Cả hai đều khẳng định không liên quan, không biết gì về vụ cướp mà anh Quyền đi tố giác… Người bị hại vẫn giữ lời khai là thấy hai thanh niên đứng bên đường chuẩn bị cướp.

Xử sơ thẩm (lần một) năm 2014, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên hai bị cáo tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS (VKS truy tố điểm d khoản 2) và phạt mỗi bị cáo một năm bảy tháng chín ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Uống đã kháng cáo kêu oan vì danh dự gia đình, còn Sỹ thì vẫn kêu oan nhưng không kháng cáo vì bận trông đầm tôm thuê.

Án sơ thẩm sau đó bị TAND TP.HCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại vì có quá nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Đó là điều tra theo định hướng có tội, lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai bị hại, ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người này thì không có chứng cứ buộc tội khác.

Cáo buộc sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào. Đặc biệt, chiếc xe của bị hại không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo…

Điều tra lại, Công an huyện Bình Chánh đã về Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt ngày 11-2-2015 (khoảng 10 ngày trước tết Nguyên đán 2015). Tại CQĐT, ban đầu Sệt bị khởi tố tội không tố giác tội phạm.

Sau đó thì xuất hiện các bản khai của Sệt thừa nhận đã tham gia vụ cướp nên bị đổi tội danh thành cướp tài sản.

Theo cáo trạng mới, đêm xảy ra sự việc có bốn thanh niên thực hiện hành vi cướp, như vậy còn một người nữa vẫn chưa bắt được.

VKSND huyện Bình Chánh vẫn truy tố Uống, Sỹ, Sệt tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS, dù hai khúc cây được xem là phương tiện nguy hiểm để thực hiện hành vi cướp vẫn chưa thu hồi được...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại