Bí ẩn đằng sau những chuyến viếng thăm "đáng ngờ"

Đức Nguyên |

Những bộ trường kỷ, ghế ghi, lư đồng… cổ được lưu giữ trong các gia đình, đình, chùa bỗng “không cánh mà bay” một cách bí ẩn, vụ việc làm người dân rất hoang mang, lo lắng.

Những vụ trộm kỳ lạ ở miền Tây

Theo báo cáo của cơ quan công an, từ cách nay hơn một năm, trên địa bàn các huyện Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh, Tam Nông và TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) xảy ra hàng loạt vụ mất trộm tài sản là các loại đồ cổ có giá trị.

Quá trình khám nghiệm hiện trường và trình bày của các bị hại, phương thức thủ đoạn của băng nhóm này hết sức tinh vi và am hiểu giá trị của các món đồ cổ.

Như trường hợp của anh Phạm Phước Lành (40 tuổi, ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) là một ví dụ điển hình. Anh Lành thông tin:

“Gia đình tôi bị trộm đột nhập lấy chiếc ghế ghi bằng gỗ mun màu đen, có cẩn xà cừ rất quý. Ghế có chiều cao và chiều ngang đều 1,2m, dày 7cm, được truyền từ đời cố nội đến tôi là đời thứ 4.

Gia đình rất quý chiếc ghế ghi, đặt trang trọng giữa nhà sử dụng trong việc thờ cúng ông bà, tổ tiên”.

Theo anh Lành, trước ngày mất trộm, có 2 người xưng là “chuyên gia đồ cổ” đến hỏi mua với giá hàng trăm triệu đồng nhưng gia đình anh không bán. Qua hôm sau, khoảng 1 giờ đêm, mẹ anh Lành phát hiện cửa chính mở toang, chiếc ghế ghi biến mất.

Cũng theo lời anh Lành, cách đó không xa nhà bác anh cũng bị trộm một bộ chân đèn thời Pháp rất có giá trị.

Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác, các đối tượng trộm còn vào những ngôi chùa để trộm các lư hương, chân đèn có giá trị. 

Chùa Tháp Bửu Tự, thuộc ấp K11, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông bị mất 1 lư hương cổ bằng đồng đen do người dân hiến cúng mấy mươi năm nay và chưa xác định niên đại. 

Người giữ chùa cho biết, thường chỉ chốt cửa trước và khép hờ cửa sau, còn ông thì ngủ ở xa chánh điện nên rất dễ dàng cho bọn trộm ra tay.

Những bộ trường kỷ, ghế ghi, lư đồng… cổ được truyền thừa qua nhiều thế hệ, lưu giữ trong các gia đình, đình, chùa bỗng “không cánh mà bay” một cách bí ẩn, vụ việc làm người dân hoang mang, lo lắng. 

Điểm trùng hợp là trước khi “biến mất” khỏi nơi trưng bày, từng xuất hiện người xưng là “chuyên gia” săn lùng, sưu tập đồ cổ đến để… xem và "ngã giá".

Có “chuyên gia” trước khi rút lui, đã ngã giá mua những món “bảo vật gia truyền” với giá lên đến bạc tỷ. Lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp xác định phải nhanh chóng điều tra, tìm lại số tài sản có giá trị đã mất để sớm làm yên lòng nhân dân.


Đối tượng Trần Văn Oai tại cơ quan công an.

Đối tượng Trần Văn Oai tại cơ quan công an.

Bắt băng nhóm chuyên trộm cổ vật bán sang Trung Quốc

Tiến hành sàng lọc các đối tượng nghi vấn kết hợp với nhận dạng của những nhân chứng từng tiếp xúc với những thương gia "bí ẩn", cơ quan công an đã xác định được một băng nhóm chuyên trộm cắp, buôn bán cổ vật ở miền Tây.

Các đối tượng trong đường dây gồm:

Trần Văn Oai (51 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, An Giang); Trương Văn Mao (55 tuổi); Phùng Tấn Thành (33 tuổi, cùng ngụ Đồng Tháp); Nguyễn Hữu Châu (21 tuổi); Đào Văn Út (Út Cuội, 46 tuổi); Đào Thanh Sang (25 tuổi, An Giang) có hành vi trộm cắp tài sản.

Nguyễn Văn Út (Út Hẩy, 46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Qua điều tra, Oai là một chuyên gia, có kiến thức am hiểu và chuyên hoạt động mua bán đồ cổ trên địa bàn các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM. Út hẩy đã mua nhiều món đồ cổ quý từ Oai, do trộm cắp mà có.

Theo lời khai của Oai, do hoạt động trong lĩnh vực đồ cổ, Oai biết rõ giá trị của những món đồ và những gia đình, đình, chùa có lưu giữ những món đồ quý giá.

Tuy nhiên, đây là những “bảo vật gia truyền” dù nhiều lần đến hỏi và ra giá cao nhưng Oai chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Để thực hiện các phi vụ trộm đồ cổ, Oai kết nạp dưới trướng Đào Văn Út (Út cuội). Út cuội là đối tượng được tha tù vào ngày 3/6/2014 về tội trộm cắp tài sản, có 6 tiền án về các tội gá bạc, trốn khỏi nơi giam giữ, trộm cắp tài sản.

Năm 15 tuổi, Út cuội bị Công an huyện Chợ Mới (An Giang) bắt giữ về hành vi đánh bạc. Ngoài Út cuội, Oai còn quy tụ “đàn em” với “tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt” rồi lên kế hoạch chi tiết cho các vụ đột nhập để trộm đồ cổ.

Trước khi gây án, Oai cùng đàn em đến nhà hỏi mua đồ cổ, xem xét rất tỉ mỉ để thăm dò, xác định giá trị của món hàng. Sau đó, chờ đêm tối, Oai chỉ đạo cho Út cuội cùng đàn em đến lấy trộm.

Oai hoạt động trong lĩnh vực mua bán đồ cổ, có nhiều mối quan hệ nên nhanh chóng tiêu thụ những món đồ này cho các đầu mối ở Đồng Tháp, Mỹ Tho, TP Hồ Chí Minh.

Rạng sáng 7/8/2014, Oai chỉ đạo đàn em đột nhập vào nhà anh Huỳnh Hữu Lộc (40 tuổi, ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bé, tỉnh Tiền Giang) lấy trộm bộ trường kỷ bằng cây Gõ Mật, gồm:

2 ghế dài (mỗi ghế cao 0,58m, dài 1,82m); một cái bàn ngang 0,58m, dài 1,27m, cao 0,81m cùng 4 ghế Tu Nê. Anh Lộc cho biết, bộ trường kỷ này được gia đình mua từ trước năm 1975, trị giá trên 200 triệu đồng.

Tiếp đó, qua mối quan hệ của mình, Oai nhờ người giới thiệu đến nhà của một hộ dân có bộ ván ngựa bằng gỗ trắc quý ở Bạc Liêu.

Oai đến xem rất tỉ mỉ, ngã giá hàng trăm triệu đồng nhưng gia chủ nhất quyết không bán. Sau khi lấy trộm, Oai mang đi bán được hơn 200 triệu đồng và chuyển ra Bắc Ninh bán lại với giá trên 400 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã chứng minh làm rõ, Oai cùng với đồng bọn gây ra 11 vụ trộm đồ cổ, khắp các tỉnh miền Tây, với tổng trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều tài sản sau khi trộm được, các đối tượng đã bán sang Trung Quốc.

Trộm đồ cổ ở miền Tây. Đài TH Đồng Tháp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại