Phản ứng của chính phủ TQ hé lộ "giới hạn" với vụ kiện biển Đông

Hải Võ |

Động thái của Trung Quốc trước thềm phán quyết vụ kiện biển Đông đang cho thấy nước này có những mối quan ngại, nhưng vẫn không từ bỏ "giới hạn" cuối cùng.

RFI: Trung Quốc đang lo sợ

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 6/7 đánh giá, dù từ lâu đã tuyên bố "không thừa nhận, không tham dự" vụ kiện biển Đông từ lâu, song những động thái "dồn dập" trong vài ngày qua đang hé lộ mối lo ngại không nhỏ của chính phủ Trung Quốc.

Biện pháp cứng rắn của Bắc Kinh, cụ thể là cuộc tập trận phi pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), thể hiện rõ "tâm lý lo lắng" của nước này trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng liên tục có những phát ngôn mềm mỏng nhằm lôi kéo quan hệ với tân chính phủ của Philippines vừa thành lập hôm 30/6. Song song với đó, là yêu cầu "hủy bỏ tòa trọng tài".

Phát biểu tại cuộc Đối thoại giữa học giả Mỹ-Trung về vấn đề biển Đông hôm 5/7, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc nói "yêu cầu cấp bách lúc này là PCA ngừng xử lý vụ kiện của Philippines".

RFI tiếng Hoa gọi lời ông Đới là sự cưỡng ép lập trường của Trung Quốc lên tòa quốc tế, một hành động "biết không thể mà vẫn cố làm", chứng minh Trung Quốc đang bế tắc trong nỗ lực kiểm soát hướng đi của cục diện biển Đông.

Tuyên bố mạnh miệng "3 không" (không thừa nhận, không tham dự, không chấp hành) của Bắc Kinh đối với vụ kiện được đánh giá là phản ứng không thực tế và sẽ dần vô hiệu theo thời gian.

Nếu "dự cảm" ban đầu của Trung Quốc về phán quyết bất lợi từ PCA trở thành sự thực, thì đâu sẽ là giới hạn trong đối sách tiếp theo của nước này?

Trung Quốc-Philippines đều kêu gọi đàm phán, nhưng thực chất thế nào?

Phản ứng của chính phủ TQ hé lộ giới hạn với vụ kiện biển Đông - Ảnh 1.

Báo chí Philippines đưa tin Tổng thống Duterte "mềm" với Trung Quốc khi đề nghị đàm phán. (Ảnh: Inquirer)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẵn sàng hợp tác, chia sẻ tài nguyên biển, nhưng theo RFI, cốt lõi rắc rối là Trung Quốc không thỏa hiệp trong vấn đề mà họ gọi là "chủ quyền và lợi ích quốc gia", như Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tại lễ kỷ niệm 95 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7.

Với lập trường như vậy, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ "chia sẻ" thế nào với Philippines trong khi vẫn kiên quyết không thay đổi yêu sách chủ quyền (vô giá trị) "đường chín đoạn".

Ngày 5/7, ông Duterte nêu thái độ rõ ràng hơn khi nói rằng "nếu Philippines thắng kiện, hai nước sẽ đối thoại".

RFI bình luận, đây là động thái khôn ngoan của Manila trên cơ sở tỷ lệ thắng kiện dự kiến cao. Nếu thắng, nước này sẽ có đủ căn cứ pháp lý quốc tế để đàm phán, nhưng khi đó Trung Quốc có đàm phán hay không?

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 6/7 đã đáp lại đề xuất của ông Duterte.

Ông Hồng nói: "Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ quốc gia nào đưa ra chủ trương và hành động trên cơ sở cái gọi là phán quyết của PCA."

Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc giữ nguyên quan điểm đàm phán song phương với Philippines chỉ khi Manila chấp nhận lời đề nghị này trước phán quyết của PCA vào 12/7, đồng thời "phớt lờ" tòa trọng tài.

Tuyên bố của ông Hồng Lỗi đã phá vỡ những nhận định trước đó một ngày trên tờ China Daily rằng Trung Quốc "ôm hy vọng lớn vào Philippines", khi một số nguồn tin "liên quan mật thiết đến vụ kiện" tiết lộ Bắc Kinh sẽ phản ứng phụ thuộc vào hành động của Manila sau vụ kiện.

Nếu coi điều kiện mà Bộ ngoại giao Trung Quốc nêu ngày 6/7 là "lằn ranh đỏ" và là yêu cầu tất yếu của Bắc Kinh đối với Philippines, thì điều đó gần như chắc chắn không xảy ra.

Giới quan sát sẽ tập trung sự chú ý vào thái độ của Bắc Kinh sau khi Philippines nhận được kết quả phán quyết và đưa ra lập trường của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại