Ngày 30/6 vừa qua, tại Philippines đã diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức kép lần đầu tiên trong lịch sử của tân Tổng thống Rodrigo Duterte và Phó tổng thống Leni Robredo.
Đặc biệt, giới quan sát đã tinh ý nhận ra, hai vị chính khách này đều là người Philippines gốc Hoa. Điều này không phải quá lạ bởi khu vực Đông Nam Á có rất nhiều người Hoa sinh sống.
Nhưng có một điều đáng chú ý được chính giới truyền thông Trung Quốc đặt ra, là Hoa Kiều thì chính sách của họ liệu có "thân Trung"?
Tân Phó tổng thống Philippines Leni Robredo là ai?
Leni Robredo năm nay 52 tuổi, xuất thân từ vùng Bicol phía nam Luzon, Philippines.
Đặc biệt, bà Robredo được biết đến với tên tiếng Trung là Lâm Lệ Ni, thuộc thế hệ thứ 5 trong một đại gia tộc người Hoa tại Philippines.
Bà cũng chính là vợ của cố Bộ trưởng nội vụ Philippines Jesse Robredo, người đã mất trong một tai nạn máy bay năm 2012.
Ông Jesse Roberdo còn có tên là Lâm Bính Trí, thuộc thế hệ thứ 19 của dòng họ Lâm ở Tấn Giang, Phúc Kiến.
Vì thế, khi chính phủ Philippines chính thức thành lập hôm 30/6, gia tộc họ Lâm ở Phúc Kiến cũng đã tổ chức lễ tế tổ lớn để mừng cho thành công của "người con dâu" này.
Truyền thông Trung Quốc sau đó giật những dòng tít lớn, gọi bà Robredo là "con dâu Phúc Kiến" hay "con dâu Tấn Giang".
Bà Leni Robredo đã đánh bại ứng cử viên Marcos - con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos - trong cuộc đua giành ghế Phó tổng thống Philippines. (Ảnh: straitstimes.com)
Là Hoa Kiều nhưng không nhất định sẽ "thân Trung"
Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Hứa Lợi Bình cho hay:
"Họ (các chính khách người Philippines gốc Hoa) sẽ chỉ dùng thân phận này tạo bàn đạp trong phát triển quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ không có tác dụng nhiều trong các chính sách chính trị.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Trung Quốc và để thu hút vốn đầu tư từ quốc gia này, họ sẽ vẫn dùng đến thân phận Hoa Kiều. Điều này có lợi cho việc kéo gần quan hệ với Trung Quốc".
Trả lời truyền thông Trung Quốc về việc bà Phó tổng thống Leni Robredo có "thân Trung" hay không, ông Hứa Lợi Bình cho rằng:
"Cần phải xét trên hai bình diện, nếu xét về văn hóa và tình cảm thì các chính khách Hoa Kiều thường có thiện cảm với Trung Quốc. Đặc biệt những người chịu sự giáo dục sâu sắc từ văn hóa Trung Quốc. Mối lương duyên này có lợi cho việc phát triển quan hệ với Trung Quốc".
Tuy nhiên, ông Hứa cũng cho rằng, dù là Hoa Kiều nhưng cũng không thể chắc chắn chính sách của những chính trị gia này sẽ "thân Trung".
Ông này đã dẫn chứng đến việc cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III như một điển hình. Là Hoa Kiều nhưng ông Aquino có chính sách rất cứng rắn với Trung Quốc.
"Họ có thể có thiện cảm với Trung Quốc nhưng với tư cách là một nhà lãnh đạo, họ cần bảo vệ lợi ích cho quốc gia họ hơn", Hứa nhận định.
Tổng thống Rodrigo Duterte chiến thắng tranh cử bởi một phần ủng hộ không nhỏ của giới Hoa Kiều. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Thân phận Hoa Kiều là "con dao hai lưỡi"
Giới quan sát cho hay, do nguyên nhân lịch sử, những chính khách Hoa Kiều rất cẩn trọng khi đề cập đến "thân phận" này bởi họ không muốn người bản địa cho rằng những chính khách này quá "thân Trung".
Ông Hứa Lợi Bình cũng cho rằng, thân phận Hoa Kiều đối với các chính trị gia là "con dao hai lưỡi". Bởi với thân phận này, họ sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của giới người Hoa trong cuộc chạy đua bầu cử nhưng với trước người dân toàn quốc, họ lại không thể làm như vậy.
"Đặc biệt, sau khi nhậm chức, họ lại càng ít đề cập đến nguồn gốc Hoa Kiều bởi một khi nhắc đến, họ sẽ khiến người dân trong nước cho rằng, họ đang đi phục vụ lợi ích cho một dân tộc hoặc quốc gia nào đó.
Điều này hoàn toàn bất lợi cho sự nghiệp chính trị của họ", Hứa Lợi Bình nhấn mạnh.