Bên cạnh đó, các công dân Mỹ rời bỏ quê hương tới Syria và Iraq gặp khó khăn khi phải đối mặt với các vùng đất xa lạ và khác biệt văn hóa. Phần lớn những người này, nếu sống sót, sẽ sớm tìm cách trở về Mỹ bất chấp nguy cơ phải đối mặt với án tù.
Báo cáo của Chương trình nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan của Đại học George Washington rút ra kết luận trên sau khi đánh giá trải nghiệm của 64 trong tổng số ước tính 300 người Mỹ gia nhập IS hoặc các tổ chức cực đoan khác như các nhánh của al-Qaeda.
Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với nhóm đối tượng châu Âu sang Iraq hay Syria được ước tính vào khoảng 5.000-6.000 người, trong đó có 900 người từ Pháp và 750 người từ Anh.
Báo cáo tổng hợp và phân tích thông tin từ các văn bản tòa án, các cuộc phỏng vấn và một bộ cơ sở dữ liệu về các bài đăng trên mạng cũng như khoảng 1 triệu dòng Twitter của các phần tử này.
Nhóm 64 người trên có độ tuổi trung bình là 27 tuổi. Trong đó, 89% là nam giới, 70% là công dân Mỹ hoặc có giấy phép cư trú dài hạn.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết mục đích của nghiên cứu nhằm hỗ trợ chính quyền Mỹ phát triển một chiến lược chủ động và toàn diện để giải quyết vấn nạn công dân nước này rời bỏ quê hương để gia nhập các lực lượng thánh chiến cực đoan.
Theo các chuyên gia, việc không định hình được rõ ràng hoạt động chiêu mộ của IS đang gây khó khăn cho các nỗ lực chống khủng bố của Chính phủ Mỹ./.