PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ: Tỷ lệ trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn giảm xuống 50% là cả sự phấn đấu

Diệp Anh |

Thời tiết chuyển mùa, những em bé có cơ địa phổi mãn tính, trẻ đẻ non, thường chức năng phổi kém. Hay những em bé có bệnh tim bẩm sinh, down có thể trở thành viêm phổi.

Liên quan tới sự việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại BV Sản nhi Bắc Ninh, bước đầu, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự nhận định nguyên nhân tử vong do "sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân đẻ non suy hô hấp yếu".

Bàn về nhiễm khuẩn, sốc nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non cũng như công tác chăm sóc trẻ, trưa ngày 21/11, PGS.TS Trần Minh Điển (Phó giám đốc BV Nhi Trung ương) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ: Tỷ lệ trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn giảm xuống 50% là cả sự phấn đấu - Ảnh 1.

Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, nơi xảy ra sự việc 4 trẻ tử vong.

PV: Xin ông cho biết về tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn?

PGS.TS Trần Minh Điển: Hiện nay, trên thế giới, tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn và có nhiễm khuẩn huyết đang còn rất cao, từ 40-60%, thậm chí 80% ở các nước chậm phát triển. Tại BV Nhi Trung ương, chúng tôi cũng đang phấn đấu để tỷ lệ tử vong này giảm xuống.

Ví dụ, năm 2010, ở đề tài nghiên cứu sinh của tôi, tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn và có nhiễm khuẩn huyết là khoảng 75%. Nhưng trong thời gian gần đây, cụ thể là thời điểm năm 2016 thì tỷ lệ tử vong này đã giảm xuống trên dưới 50%. Để giảm được như vậy là cả sự phấn đấu, và nó cũng phụ thuộc và kiến thức, trang thiết bị và thực trạng kinh tế xã hội của chúng ta.

PV: Ngay trong ngày 20/11, có 8 trẻ được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên BV Nhi Trung ương. Bệnh viện đã xử lý phân loại và điều trị cho các bé như thế nào?

PGS.TS Trần Minh Điển: Trong 8 bệnh nhân, có 6 bệnh nhân sơ sinh và 2 bệnh nhân ngoài sơ sinh. Hai bệnh nhân ngoài sơ sinh (36 ngày tuổi và 2 tháng tuổi) đều đẻ non, thở oxy kéo dài, bệnh phổi mãn tính, được chuyển vào khoa Hồi sức hô hấp để sàng lọc và điều trị cẩn thận.

6 bệnh nhi còn lại đang được điều trị tại Khoa Sơ sinh, được chia ra làm 2 nhóm. Trong đó, có 1 nhóm được điều trị và theo dõi thường xuyên.

Cụ thể, có 1 cháu được chiếu đèn, sàng lọc nhiễm khuẩn, chiếu vàng da. Bệnh nhi này có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhưng chỉ số trong máu không nhiều, nếu tiến triển tốt, ăn tiêu tốt thì sẽ được giảm chiếu đèn và có thể chuyển lên ghép với mẹ cho bé tập bú.

Với bé 2 ngày tuổi, có nền bệnh down, sau khi sinh, bé có thở nhanh, được hít thở oxy và hiện vẫn thở oxy, ăn tốt. Bệnh viện đang sàng lọc thêm để xem bé có bị bệnh tim bẩm sinh hay không.

Đối với nhóm 4 bệnh nhân sơ sinh còn lại đang được điều trị trong khoa Sơ sinh, có 3 bệnh nhân nặng. Cụ thể, có 1 cháu bé tên Hoàng Diệu, 8 ngày tuổi, bị bệnh down. Trong quá trình khám, phát hiện cháu giảm tiểu cầu, phát hiện bệnh lý cấp tính về máu. Hiện tại, đang sàng lọc thêm cho bé về vi khuẩn và máu, trong chiều nay sẽ có kết quả xét nghiệm để xác định bệnh.

Cháu Minh Nhật vào viện trong tình trạng da tái, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm, xác định trước mắt là nhiễm khuẩn huyết.

Cháu bé thứ ba nặng 1,4kg, vào viện trong tình trạng da tái, tiểu cầu giảm, dịch dạ dày có lẫn máu, chảy máu. Cháu thứ tư, hai tuần tuổi, đang sàng lọc tim bẩm sinh, khó thở, đang thở máy, có tình trạng nhiễm trùng, chế độ điều trị nhiễm khuẩn huyết, phải hỗ trợ miễn dịch.

Tóm lại, có 6 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Sơ sinh thì 4 cháu nhiễm khuẩn nặng và các cháu đều phải cho cách ly.

PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ: Tỷ lệ trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn giảm xuống 50% là cả sự phấn đấu - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Minh Điển cung cấp thông tin cho báo chí

PV: Theo Sở Y tế Bắc Ninh, hôm qua BV Nhi Trung ương đã lấy mẫu. Đó là mẫu gì và kết quả xét nghiệm như thế nào?

PGS.TS Trần Minh Điển: Làm xét nghiệm vi sinh phải sau 48h đến 72h chúng tôi mới trả lời được kết quả. Tuy nhiên với bệnh nhân chuyển đến BV Nhi Trung ương từ ngày hôm qua, ngay sau khi vào viện, chúng tôi cấy máu, có một bệnh nhân đã dương tính với vi khuẩn gram âm, và hiện nay chúng tôi đang chờ chính xác xem con vi khuẩn tên là gì, kháng sinh đồ của bệnh nhân ra sao.

Thái độ điều trị của chúng tôi với 4 bệnh nhân nặng kể trên đều đặt trong tình trạng giống như nhiễm khuẩn huyết và chúng tôi phải điều trị tối đa cho các bé.

PV: Chẩn đoán về tình trạng 8 em bé nói trên ở BV Sản nhi Bắc Ninh và ở BV Nhi Trung ương có sự khác nhau nhiều không, thưa ông?

PGS.TS Trần Minh Điển: Không có sự khác nhau. Ví dụ như 2 em bé down thì các bạn đều chuyển xuống là down. Em bé có tình trạng 1,4kg và nhiễm khuẩn nặng, các bạn cũng chẩn đoán là đẻ non, cân nặng thấp và có tình trạng nhiễm khuẩn nặng.

Theo dõi nhiễm khuẩn huyết các bạn ấy cũng chẩn đoán tương tự như chúng tôi và thái độ xử lý với 8 bệnh nhân này đều trong giới hạn đúng quy trình điều trị của bệnh nhân (chăm sóc đường thở, chăm sóc tuần hoàn các bạn ấy đã làm rất tốt).

Ví dụ như em bé có dịch nâu bẩn, các bạn cho nhịn ăn và nuôi dưỡng tĩnh mạch; em bé nào ăn được các bạn cũng cho ăn và chỉ cho ăn từng ml một. Chế độ kháng sinh, các bé cũng được tiếp cận phù hợp.

PV: Thời tiết chuyển mùa sẽ có ảnh hưởng đến các em bé, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân. Xin bác sĩ cho vài lời khuyên về chăm sóc trẻ trong thời điểm này?

PGS.TS Trần Minh Điển: Khi thời tiết chuyển mùa như thế này, đường thở của các em bé và ngay cả người lớn cũng rất khô, có thể viêm xuất tiết ngay tại chỗ đó. Khi viêm xuất tiết, vi khuẩn, virus xâm nhập và tùy theo từng mức độ, cơ thể, cơ địa... mà có những ảnh hưởng khác nhau.

Người khỏe mạnh có khi chỉ hắt hơi sổ mũi. Nhưng với những em bé có cơ địa phổi mãn tính, trẻ đẻ non, thường chức năng phổi kém. Hay những em bé có bệnh tim bẩm sinh, down có thể trở thành viêm phổi.

Các gia đình cần hết sức chú ý giữ ấm cho em bé trong mùa này, cho em bé trong môi trường thoáng, và đặc biệt cho uống nhiều nước, chăm sóc mũi họng cho em bé thật tốt, sạch sẽ để phòng sự tấn công của virus, vi khuẩn.

Xin cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại