Pantsir-S1- vũ khí lý tưởng chống UAV

Thùy Linh |

Trong bài viết mới đây, Tạp chí Mỹ The National Interest đã gọi tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga là vũ khí lý tưởng để đẩy lùi các đợt tấn công của máy bay không người lái (UAV). Hiện nay, Mỹ chưa có bất kỳ hệ thống phòng không tầm gần nào hiệu quả như Pantsir-S1 của Nga .

Phòng tuyến cuối cùng

Theo The National Interest, trong suốt chiến dịch quân sự ở Syria, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không độc nhất vô nhị Pantsir-S1 đã liên tiếp tấn công máy bay và UAV của đối phương. Trong tháng 12-2017, Pantsir-S1 đã bắn rơi 2 quả tên lửa tấn công vào căn cứ không quân Hmeymin của Nga tại Syria.

Vào đêm 5 đến ngày 6-1 vừa qua, phiến quân Syria đã sử dụng 13 máy bay không người lái (UAV) tấn công căn cứ căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Syria. Trong đó, các tổ hợp Pantsir-S1 đã trực tiếp bắn hạ 7/13 UAV, 6 chiếc còn lại là chiến công của các tổ hợp tác chiến điện tử.

Khi Nga mới bắt đầu tham gia chiến dịch quân sự tại Syria, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tự hành tầm ngắn Pantsir-S1 được chú ý ít hơn hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumph.

Theo Tạp chí Mỹ The National Interest, Pantsir-S1 có vai trò là phòng tuyến cuối cùng, “chào đón” các loại máy bay và trực thăng tầm thấp, tên lửa, UAV. Khả năng này của Pantsir-S1 có ý nghĩa quyết định trong thời điểm đối phương sử dụng tên lửa ồ ạt.

Nếu như S-400 Triumph được gọi là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thì nhiệm vụ chiến đấu của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 là “bắt” các vật thể bay ở gần. Tổ hợp này có khả năng phá hủy các vật thể trong bán kính tầm 20 km và ở độ cao lên đến 15 km.

Pantsir-S1 được triển khai cho nhiệm vụ phòng không để bảo vệ các căn cứ quân sự, khu vực, cơ sở công nghiệp-hành chính có quy mô nhỏ trước sự tấn công của máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí chính xác cao, bom điều khiển; góp phần tăng cường lực lượng cho hệ thống phòng không, cũng như để “ hạ gục” các xe bọc thép hạng nhẹ.

Pantsir-S1 là một trong số ít tổ hợp phòng không trên thế giới có khả năng khai hỏa khi di chuyển. Pantsir-S1 được trang bị 2 khẩu pháo hai nòng 30mm và 12 tên lửa Ngoài ra, Pantsir-S1 còn được trang bị mạng lưới ăng ten mảng pha mạnh mẽ, có thể phát hiện không chỉ mục tiêu có kích thước lớn, mà ngay cả máy bay cỡ nhỏ.

Hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả

Theo Tạp chí The National Interest, Quân đội Mỹ không có hệ thống phòng không tầm ngắn nào hiệu quả như Pantsir-S1. Nguyên nhân là do các lực lượng bộ binh Mỹ có thể dựa vào sự hỗ trợ của Không quân nước này để “dọn sạch” những hiểm họa trên không.

Trong khi đó, Nga nhận thấy ​​quân đội của nước này có thể bị tấn công từ trên không trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao Nga phát triển một loạt các hệ thống phòng không. Ngoài ra Tạp chí này cũng lưu ý rằng, thực tế Mỹ cũng có thể dùng tiêm kích để chống lại các cuộc tấn công của UAV nhưng chi phí mà Mỹ bỏ ra để tiêu diệt các mục tiêu này là vô cùng lớn.

Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga Igor Korotchenko cho biết, Nga luôn đi trước Mỹ một bước trong lĩnh vực thiết kế hệ thống phòng không. Lý giải cho điều này, theo ông, trước hết là do yếu tố lịch sử. "

Sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kết thúc, người Mỹ đã coi không quân chiến lược là quân bài chủ chốt để tấn công Liên Xô. Do đó, Liên Xô đã tập trung nguồn lực khổng lồ để chế tạo các hệ thống phòng không. Đây là một trong những hướng phát triển vũ khí chính của Liên Xô ...", vị chuyên gia này cho biết.

Các phiên bản Pantsir

Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 được đưa vào biên chế quân đội Nga vào ngày 16-11-2012 theo Nghị định của Thủ tướng Liên bang Nga. Đến năm 2015, một tổ hợp phòng không mới với những đặc tính chiến đấu tốt hơn mang tên Pantsir-S2 xuất hiện.

Tháng 11-2017, nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong vòng 5 năm, đã có 19 sư đoàn bộ binh được trang bị Pantsir-S1 và Pantsir-S2.

Theo dự kiến, đến năm 2019, công việc thiết kế thử nghiệm tổ hợp tiềm năng Pantsir-SM sẽ được hoàn thành. Một số mẫu đã được sản xuất và các cuộc thử nghiệm đang được tiến hành. Pantsir-SM cần một loại tên lửa mới có tốc độ cao và sẽ có phạm vi phát hiện và tiêu diệt mục tiêu tăng gấp đôi so với “người tiềm nhiệm” Pantsir-S1 và Pantsir-S2.

Các chuyên gia hy vọng, Pantsir-SM sẽ có thể "nhìn thấy" mục tiêu ở khoảng cách 75 km và tiêu diệt nó ở phạm vi 40 km. Trong khi đó, tầm nhìn và tầm bắn mục tiêu của Pantsir-S1 lần lượt là 40 và 20 km.

Trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Bắc Cực, Nga đã triển khai tổ hợp pháo-tên lửa phòng không phiên bản mới Pantsir-SA để phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh giá ở nơi đây. Hiện nay, Pantsir-SA đang trải qua các đợt thử nghiệm Bắc Cực.

Ngoài ra, Nga cũng phát triển tổ hợp pháo-tên lửa phòng không phiên bản dành cho hải quân mang tên Pantsir-ME. Dự kiến, các đợt thử nghiệm sẽ được hoàn tất sau 1-2 năm nữa.

Mùa hè năm 2017, Tổng giám đốc Phòng Thiết kế Hải quân Trung ương Almaz Alexander Shlyakhtenko nói rằng, Pantsir-ME đã được lắp đặt trên tàu tên lửa Đề án 1241 lớp Molniya và đang được thử nghiệm trên Biển Đen.

Các tàu tên lửa nhỏ loại Karakurt (Đề án 22800) sẽ tiếp nhận phiên bản dành cho hải quân Pantsir-ME đầu tiên. Tổng công trình sư về các tổ hợp phòng không ở căn cứ trên biển của Viện thiết kế thiết bị (KBP) cho biết, Pantsir-ME có thể được triển khai trên bất kỳ con tàu nào có lượng giãn nước từ 300 tấn, và cũng có thể được lắp đặt ở các điểm cố định.

Phạm vi tiêu diệt tên lửa điều khiển của tổ hợp phòng không này là 20 km. Pantsir-ME có thể bắn hạ các mục tiêu khác nhau, bao gồm UAV và máy bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại