Ông Mugabe bị hạ bệ, nhiều Tổng thống châu Phi khác "lạnh xương sống"

Yên Vũ |

Nhiều người Zimbabwe đã đổ ra đường ăn mừng vì Tổng thống Zimbabwe tuyên bố từ chức. Liệu sự sụp đổ của nhà cầm quyền 37 năm này có ảnh hưởng đến nhiều lãnh đạo ở các quốc gia châu Phi khác?

Số phận của ông Robert Mugabe, nhà lãnh đạo Zimbabwe với kỷ luật sắt trong gần 40 năm qua chắc chắn sẽ khiến các Tổng thống ở Uganda, Rwanda, Burundi hay Cộng hòa Dân chủ Congo “lạnh xương sống”.

Trong số này, ông Yoweri Museveni, Tổng thống Uganda là người có lý do để lo lắng nhất. Giống như ông Mugabe, ông Yoweri Museveni lên nắm quyền sau phong trào đấu tranh du kích giành thắng lợi. 

Tổng thống Museveni đã tham quyền cố vị từ năm 1986, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống, kìm hãm phe đối lập và kiềm chế tự do ngôn luận. Ông “chiến thắng” trong nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp vào năm ngoái trong bối cảnh nhiều cử tri phàn nàn về nạn gian lận và đe dọa.

Ở một đất nước gần 40 triệu dân, trong đó độ tuổi trung bình là 15, hầu hết mọi người chưa được sinh ra khi ông Museveni lần đầu tiên nhậm chức. Ở tuổi 73, Tổng thống Uganda còn trẻ hơn Tổng thống Zimbabwe 20 tuổi nhưng cách thức điều hành đất nước thì không mấy khác biệt.

Ông Mugabe bị hạ bệ, nhiều Tổng thống châu Phi khác lạnh xương sống - Ảnh 1.

Ông Pierre Nkurunziza ở Burundi

Phát biểu gần đây để đánh dấu 31 năm nắm quyền, ông Museveni cho thấy thái độ khinh thị đối với khái niệm về trách nhiệm giải trình dân chủ. Trang Zambia Observer trích lời ông nói với công chúng: “Tôi nghe một số người nói rằng tôi là tôi tớ của họ. Tôi không phải là đầy tớ của bất kỳ ai. Tôi là một chiến binh tự do, tôi đang chiến đấu vì bản thân và vì niềm tin của mình”.

Tác giả Andrew Mwenda trong bài viết trên Tạp chí Uganda Độc lập phân tích, Tổng thống Museveni đã tránh một số sai lầm giống như ông Mugabe: “Ông Museveni đã giải tán những người cũ trong Phong trào Kháng chiến quốc gia (NRM) và Lực lượng Phòng vệ nhân dân Uganda... Trong khi đứng đầu quân đội của Zimbabwe tất cả đều là những cựu binh từ thời chiến tranh, ông Museveni đã thanh trừng những người này”.

Ông Mugabe bị hạ bệ, nhiều Tổng thống châu Phi khác lạnh xương sống - Ảnh 2.

Ông Yoweri Museveni ở Uganda

Bên cạnh đó, ông Amama Mbabazi, cựu thủ tướng Uganda cũng đã bị ông Museveni sa thải vì có khả năng “tranh chấp” ghế Tổng thống của ông, tương tự như ông Emmerson Mnangagwa, người đã thay thế ông Mugabe như lãnh đạo đảng Zanu-PF.

3 Tổng thống khác ở châu Phi vùng cận Sahara cũng đang gặp rắc rối sau sự ra đi đột ngột của ông Mugabe là ông Paul Kagame ở Rwanda, Pierre Nkurunziza ở Burundi và Joseph Kabila ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).

Tổng thống Kagame cầm quyền từ năm 1994 và tháng 8-2017 vừa rồi tái cử Tổng thống với tỷ lệ trúng cử cao đến kinh ngạc: 98,79%. Trước đó, ông đã sửa đổi Hiến pháp cho phép mình có thể tranh cử nhiệm kỳ 3 kéo dài 7 năm, trong khi 3 ứng cử viên đối lập có trình độ tốt hơn bị loại.

Ông Mugabe bị hạ bệ, nhiều Tổng thống châu Phi khác lạnh xương sống - Ảnh 3.

Ông Paul Kagame ở Rwanda

“Kể từ khi đảng Mặt trận yêu nước Rwanda lên nắm quyền 23 năm trước, người dân Rwanda đã phải đối mặt với trở ngại rất lớn, thậm chí là mất mạng khi tham gia vào đời sống cộng đồng hay chỉ trích chính sách của chính phủ”, ông Muthoni Wanyeki thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Còn tại nước láng giềng Burundi, ông Nkurunziza cũng sử dụng “chiêu” tương tự vào năm 2015, tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba, dù điều này là vi hiến. Mặc dù không được sự chấp thuận của Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Mỹ, Tổng thống Nkurunziza vẫn nắm quyền. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi, một phần tùy thuộc vào kết quả cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế công bố trong tháng này.

Cũng ở châu Phi, không thể không nhắc tới Tổng thống DRC Joseph Kabila, người đã hết nhiệm kỳ vào năm 2016 nhưng đến nay vẫn kiên cường bám trụ. Thỏa thuận trì hoãn bầu cử trong năm nay dường như đã sụp đổ, vì thế cộng đồng quốc tế đang lo ngại về tình trạng bạo lực chết người sẽ lặp lại như từng diễn ra ở Kinshasa tháng 12 năm ngoái.

Đó là chưa kể, do chính quyền DRC tê liệt, khoảng 1,4 triệu người ở phía Tây Nam khu vực Kasai lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp. Họ là những người phải sơ tán, bên cạnh hơn 3.000 người khác bị thiệt mạng. Cộng hòa Dân chủ Congo có nhiều người dân tản cư hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Phi, nhưng ghế của Tổng thống Joseph Kabila vẫn không suy chuyển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại