Tốt nghiệpHọc viện Tài Chính, H (31 tuổi) đi làm có công ăn việc làm ổn định tại một công ty nhà nước. H và bạn gái đã yêu nhau 5 năm và đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới nhưng tới phút chót H đã thay đổi. H cho rằng cần phải có kinh tế vững chắc hãy lập gia đình, như vậy cuộc sống sau này sẽ bớt khó khăn.
Cũng chính vì lý do đó, H hoãn cưới và xin ra công ty tư nhân làm. Tuy nhiên, sau khi chuyển việc, H bỏ bê người yêu, chuyển chỗ ở và ít giao tiếp với mọi người. H tập trung toàn bộ trí lực vào công việc, ít lâu sau anh cũng đã lên được chức trưởng phòng. Với sự thăng tiến này, H càng cho rằng mình đã đi đúng hướng và có thể trở thành đại gia.
Có chút vốn liếng, H dồn toàn bộ đầu tư vào chứng khoán. Lúc mới đầu tư, thu lại lợi nhuận rất tốt nên anh vay mượn, đầu tư mạnh tay hơn. Không ngờ sau đó, sàn giao dịch chứng khoán lao dốc, nhưng H không nản chí, tiếp tục vay mượn để đầu tư nhằm gỡ gạc lại nhưng rồi toàn bộ số tiền đều bốc hơi.
Người đàn ông nhập viện tâm thần do vỡ mộng làm giàu (Ảnh minh hoạ)
Số nợ của H đã lên tới con số 3 tỷ, anh mất ăn mất ngủ, lao vào rượu chè, sống thu mình, thi thoảng nói nhảm và luôn ảo tưởng mình là đại gia giàu có. Thấy H có biểu hiện bất thường, gia đình đưa anh đi khám.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh nhân H được chẩn đoán mắc trầm cảm, có ảo giác và phải dùng thuốc cũng như điều trị kết hợp một số liệu pháp khác.
Sau khi uống thuốc, các triệu chứng ảo giác của H đã giảm dần. H nhận ra mình đã sai khi ôm giấc mộng làm giàu nhanh chóng.
Theo bác sĩ Thu, không chỉ có H, thời gian qua bác sĩ đã gặp rất nhiều các bạn trẻ bị rối loạn tâm thần do liên quan tới vấn đề kinh tế. Đặc biệt, không ít trường hợp bị tâm thần vì vỡ giấc mộng làm giàu.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ gặp phải các rối loạn tâm thần, trong đó những khó khăn về kinh tế, cùng áp lực làm giàu khiến nhóm người trẻ tuổi mắc bệnh gia tăng. Trong đó, đa phần các trường hợp gặp phải rối loạn là do mất việc, đầu tư vào tiền ảo để nhanh giàu có sau đó thua lỗ, nợ nần khiến cuộc sống rơi vào bế tắc, ảnh hưởng cuộc sống gia đình, từ đó dẫn tới các rối loạn tâm lý hoặc trầm cảm.
Bác sĩ Thu cho hay, áp lực kinh tế là điều khó tránh khỏi, nhất là với người trẻ, nhưng mọi người cần phải biết "lượng sức mình" để đưa ra quyết định phù hợp trong đầu tư. Bên cạnh đó, cần chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt nhất bằng việc ăn uống cân đối, giữ tinh thần sảng khoái, vận động thường xuyên và ngủ đủ giấc.
Trong trường hợp khi có áp lực kéo dài, người bệnh sẽ cảm thấy thất vọng, đánh giá thấp bản thân, mất ngủ, lạm dụng rượu bia, sinh ra ảo giác… thì nên đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.