Phát biểu với nhật báo Seuddeutsche Zeitung của Đức, bà Merkel nói rằng, “chỉ đơn giản nhắc đến 7 thập kỷ hòa bình là không đủ cho dự án Châu Âu”.
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu dự kiến diễn ra từ ngày 23-26/5, nữ Thủ tướng Đức Merkel nói rằng, “chắc chắn Châu Âu cần lại định vị lại liên minh của mình trong một thế giới đã thay đổi” – một thế giới mà ở đó một số sự ổn định, chắc chắn thời hậu Thế chiến thứ II đã không còn.
“Họ (Trung Quốc, Nga và Mỹ) đang ép buộc chúng ta, liên tục, để bắt chúng ta phải tìm kiếm một lập trường chung với họ”, bà Merkel nhấn mạnh. “Điều này thường khó khăn khi mà chúng ta có những lợi ích khác nhau. Những chúng ta đã làm được, ví dụ như trong chính sách của chúng ta liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.”
Châu Âu dường như là yếu trong cuộc đối đầu về vấn đề Iran bởi Châu Âu đang phải vật lộn chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ khi Mỹ tìm cách phá hoại thỏa thuận hạt nhân với Tehran, bà Merkel thừa nhận.
Quan hệ giữa Washington và Tehran đang căng thẳng ở mức cao độ. Mỹ đang ra sức gây sức ép quyết liệt và mạnh mẽ đối với Iran sau khi năm ngoái bất ngờ rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.
Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sau khi nước này tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm 2017. Trong diễn biến đặt dấu mốc cho sự leo thang căng thẳng ở mức độ cao, Tổng thống Trump hồi tháng Năm năm ngoái đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử. Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng và làm gia tăng nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai nước này.
Trong những ngày qua, Mỹ đang rầm rập điều động hàng loạt vũ khí thiện chiến đến khu vực Trung Đông trong bối cảnh nước này đối đầu quyết liệt với Iran. Tính đến thời điểm này, Mỹ đã điều động đến khu vực vùng Vịnh Persian một số tàu chiến gồm tàu sân bay, tàu khu trục và tuần dương hạm; một khẩu đội tên lửa Patriot, một đơn vị Thủy quân Lục chiến cùng nhiều máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay ném bom hạt nhân B-52.
Ngày hôm qua (16/5), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên không hoạt động trong lĩnh vực khẩn cấp rời khỏi Iraq – nước láng giềng của Iran. Đức và Hà Lan cả hai đều ngừng chiến dịch quân sự ở Iraq.
Những diễn biến trên làm dấy lên tin đồn đoán về khả năng bùng phát xung đột giữa Mỹ và Iran.
“Đức, Pháp và Anh đang áp dụng lập trường khác với Mỹ trong vấn đề Iran”, bà Merkel nói. “Vì tất cả những sự khác biệt khác của chúng ta, chúng ta thậm chí còn có lợi ích chung ở đây với Nga và Trung Quốc.”
Nữ Thủ tướng Đức nói thêm rằng: “Việc Châu Âu không còn chia rẽ về vấn đề quan trọng như chiến tranh ở Iraq bản thân nó là một giá trị”. Đức và Pháp phản đối cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 trong khi các nước khác như Anh và Ba Lan ủng hộ Washington.
Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh, Châu Âu có một đánh giá rất “thực tế” về các năng lực của mình và “phải củng cố những năng lực đó cho tương lai”. Theo bà Merkel, Châu Âu đang đạt được những tiến bộ trong hợp tác quốc phòng.