Những vụ tạo cớ gây chiến tranh trên thế giới

Yên Phúc |

Vụ tấn công ở Douma của Syria ngày 7-4 vừa qua được cho là sử dụng vũ khí hóa học đã dẫn tới cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria một tuần sau đó. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Nga đã công bố những bằng chứng cho rằng, những lời cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ để Mỹ và phương Tây tiến hành cuộc chiến tranh nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Trước đây, từng có nhiều vụ tạo cớ (hay còn gọi là cờ giả) tương tự được đưa ra để tiến hành các cuộc chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới.

1. Đại hỏa hoạn thành Rome

Đại hỏa hoạn thành Roma là một vụ cháy lớn xảy ra tại Roma (ngày nay thuộc Italy) vào năm đêm 19-7 năm 64 sau Công nguyên. Ngọn lửa tiếp tục trong 5 ngày trước khi bị khống chế và bùng phát trở lại thêm 4 ngày nữa. 2/3 thành Roma bị phá hủy, bao gồm cả Đền thờ nền lát đá của Vestal Virgins.

Sau trận hỏa hoạn ở thành Roma năm 64, Hoàng đế La Mã Nero (37-68) cho lùng bắt và tra tấn dã man những người theo Cơ Đốc giáo, bắt họ đẩy vào đấu trường cho mãnh thú xé xác hoặc cột họ vào những bó cỏ khô để châm lửa đốt.

Các nhà sử học nghi ngờ rằng Hoàng đế Nero đã ra lệnh phóng hỏa đốt cháy Roma để sau đó vu oan cho các tín đồ Cơ Đốc giáo và lấy cớ này để đàn áp, trừng phạt họ. Cuộc bức hại khủng khiếp đối với Cơ Đốc giáo kéo dài gần 300 năm.

Tuy nhiên, trong khi đàn áp đức tin này, đế quốc La Mã cũng dần đi đến con đường diệt vong của mình. Những thiên tai, địch họa liên tiếp xảy ra kéo theo kinh tế của toàn đế quốc suy thoái.

2. Sự kiện tàu Mỹ Maine nổ tung ở vịnh Havana

Tối 15-2-1898, một vụ nổ đã xảy ra trên con tàu USS Maine của Mỹ ở cảng Habana, khiến 260 người thiệt mạng. Có 2 giả thuyết về vụ nổ tàu này: Một là, vụ nổ gây ra từ mìn bên ngoài làm phát nổ đạn dược trong tàu. Hai là, kho than trong tàu bị cháy lan ra kho đạn. Tuy nhiên, người Mỹ lại khẳng khái cho rằng, Tây Ban Nha là kẻ phá hoại.

Chẳng cần đợi điều tra, giới truyền thông Mỹ đổ tội tấn bi kịch vào Tây Ban Nha và gióng trống chuẩn bị chiến tranh.

 Những vụ tạo cớ gây chiến tranh trên thế giới  - Ảnh 1.

Con tàu USS Maine trước khi bị nổ. Ảnh: sputniknews.

Ngày 19-4, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết yêu cầu quân Tây Ban Nha rút khỏi Cuba và trao cho Tổng thống William McKinley quyền sử dụng vũ lực. Ngày 23-4, Tổng thống McKinley động viên 125.000 lính tình nguyện chiến đấu chống lại Tây Ban Nha.

Đến giữa tháng 8-1898, Madrid thua trận, một hiệp định đình chiến được ký giữa Tây Ban Nha và Mỹ, kết thúc cuộc xung đột ngắn và một chiều này.

Ngày 10-12 cùng năm, Hiệp ước Paris đã chính thức kết thúc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha. Đế quốc Tây Ban Nha từng một thời tự hào gần như tan rã khi bị Mỹ chiếm nhiều thuộc địa ở nước ngoài. Puerto Rico và Guam đã được nhượng lại cho Mỹ, Philippines đã được mua với giá 20 triệu USD, còn Cuba thì được Mỹ bảo trợ.

Phiến quân Philippines, những người đã chiến đấu chống lại chính quyền Tây Ban Nha trong chiến tranh, đã ngay lập tức quay sang chống lại những kẻ chiếm đóng mới. Số lính Mỹ chết trong khi đàn áp Philippines còn cao gấp 10 lần khi đánh bại Tây Ban Nha.

3. Sự kiện Mãn Châu (Sự kiện Mukden)

Sự kiện Mukden hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu Lý xảy ra ngày 18-9-1931, sau khi các sĩ quan quân đội Hoàng gia Nhật Bản cho nổ mìn một đoạn đường sắt ở miền Nam Mãn Châu do Nhật Bản sở hữu gần Mukden (nay là Thẩm Dương).

Dù vụ nổ nhỏ không hề phá hủy đường ray cũng như gây nguy hại cho một đoàn tàu vừa đi qua nhưng đế quốc Nhật Bản đã buộc tội những người Trung Quốc chống Nhật chịu trách nhiệm cho việc này. Để trả đũa, Nhật đã tiến hành cuộc xâm lược tổng lực dẫn đến việc Nhật chiếm đóng Mãn Châu kéo dài đến tháng 8-1945.

Tòa án quân sự quốc tế về Viễn Đông được thành lập ở Tokyo sau chiến tranh theo thỏa thuận Potsdam kết luận rằng một số sĩ quan cao cấp Nhật Bản chịu trách nhiệm về âm mưu.

4. Vụ hỏa hoạn ở Tòa nhà Nghị viện (Reichstag Fire)

Đêm 27-2-1933, Tòa nhà Reichstag (tòa nhà Quốc hội Đức) ở Berlin bị cháy. Một trạm cứu hỏa Berlin nhận được một cú điện thoại báo động rằng tòa nhà đã bị bốc cháy ngay sau lúc 21 giờ. Đến thời điểm cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đến, Phòng Đại hội chính đã chìm trong ngọn lửa.

Cảnh sát tiến hành tìm kiếm kỹ lưỡng bên trong tòa nhà và tìm thấy Marinus van der Lubbe, một người Hà Lan thất nghiệp. Chính quyền Đức Quốc xã tuyên bố rằng, Van der Lubbe đã tuyên bố rằng anh ta châm lửa đốt tòa nhà. Van der Lubbe sau đó đã bị đưa ra tòa và kết án tử hình.

Vụ hỏa hoạn được Đảng Quốc xã dùng làm bằng chứng là người cộng sản đang âm mưu chống lại chính phủ Đức. Sự kiện được xem là yếu tố then chốt trong việc thành lập phát xít Đức.

Ngày 23-3-1933, Luật Trao quyền, có tên chính thức là "Luật Phòng chống tai họa của nhân dân và đế chế", tước đoạt quyền lập pháp của Nghị viện kể cả việc phê chuẩn hiệp ước với nước ngoài và tu chính hiến pháp, và trao các quyền này cho nội các trong thời hạn bốn năm.

Thêm nữa, Luật Trao quyền quy định Thủ tướng sẽ soạn thảo và ban hành luật mới "có thể khác biệt với hiến pháp". Với luật này, nền dân chủ nghị viện rốt cuộc đã bị chôn vùi. Kể từ ngày 23-3-1933 trở đi, Hitler là nhà độc tài của đế chế, không còn bị nghị viện kiềm chế, và trên thực tế cũng không bị tổng thống kiềm chế.

5. Sự cố Gleiwitz

Sự cố Gleiwitz là một hành động cố ý của các lực lượng Đức Quốc xã nhằm tạo cớ phát động chiến tranh ở Ba Lan.

Tối ngày 31-8-1939, Đức Quốc xã thực hiện hoạt động ngầm giả làm quân khủng bố Ba Lan đánh chiếm trạm phát thanh Gleiwitz nằm trên biên giới Đức-Ba Lan ở vùng Silesia. Chương trình ca nhạc phát từ trạm phát thanh bị ngưng giữa chừng cùng với giọng nói người Ba Lan trên đài phát thanh, kêu gọi tất cả người Ba Lan trong vùng đứng lên cầm súng chống quân Đức.

Và đó là nguyên cớ để Đức Quốc xã tấn công Ba Lan. Buổi sáng hôm sau, ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra.

6.“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”

Với chủ trương chặn “đà lây lan cộng sản”, vào tháng 7-1964, giới cầm quyền Mỹ lo ngại nguy cơ về “sự lây lan phổ biến chủ nghĩa cộng sản” từ Bắc Việt Nam ra khu vực châu Á, Mỹ đã phái các tàu chiến đến Vịnh Bắc Bộ để tuần tra.

Ngày 2-8, khu trục hạm Maddox tiến hành do thám vô tuyến điện đã thông báo rằng có 3 tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đang tiến lại gần. Sau đó, đụng độ đã diễn ra, kết quả mà hai bên đều xác nhận, có một chiếc ca nô tuần duyên của Việt Nam đã bị tấn công, còn khu trục hạm Mỹ thì chẳng hề xây xước thiệt hại gì, và chính phủ Mỹ quyết định không phản ứng về vụ việc này.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày (4-8), Washington lại nhận được thông điệp về một “cuộc tấn công mới” do tàu Bắc Việt Nam thực hiện chống các khu trục hạm Mỹ. Khi đó, không ai trong số các thủy thủ của tàu khu trục xác nhận đã nhìn thấy “kẻ tấn công”.

Máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm cũng không phát hiện thấy bất cứ con tàu hoặc mảnh vỡ nào trong khu vực mà khu trục hạm hiện diện.

Mặc dù chỉ là tưởng tượng song từ cái cớ nói trên, ngày 5-8-1964, Hải quân Mỹ đã thực hiện Chiến dịch “Mũi tên xuyên” ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong suốt 9 năm liền bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với toàn bộ miền Bắc Việt Nam.

Ngày 7-8-1964, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với cái tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào trong khu vực này mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa từ "sự hiếu chiến của cộng sản".

Nghị quyết đã trở thành công cụ cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại miền Bắc và tiến hành chiến tranh hạn chế tại miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, trong tài liệu công bố năm 2003 mang tên “The Fog of War” (Màn sương mờ Chiến tranh), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara đã thú nhận, cuộc tấn công USS Maddox vào ngày 2-8 đã xảy ra mà không có phản ứng của Bộ Quốc phòng, nhưng vụ tấn công ngày 4-8 thì không bao giờ xảy ra.

7. Virus bệnh than tới chiến tranh Iraq

Ngày 5-2-2003, tại phiên họp của Hội đồng bảo an LHQ, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell đã giơ ra chiếc ống nghiệm chứa thứ mà ông gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq” với tuyên bố nổi tiếng: “Đó là vũ khí hóa học của Saddam Hussein". Đó là cách tạo cớ cho Mỹ tấn công Iraq sau đó một tháng.

 Những vụ tạo cớ gây chiến tranh trên thế giới  - Ảnh 2.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đưa bằng chứng giả về vũ khí hóa học ở Iraq năm 2003. Ảnh: AP

Sau đó, Mỹ với sự ủng hộ của liên minh đã khởi đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn vào Iraq, hủy diệt quốc gia này và sản sinh ra những phần tử Hồi giáo cực đoan; làm xuất hiện tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS); khiến ngọn lửa chiến tranh cháy bùng lan rộng sang các nước khác trong khu vực như Libya, Syria và tiếp theo là đến tận Đông Nam Á…

Thế nhưng, vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq vẫn không bao giờ tìm thấy, chiếc ống nghiệm được các chuyên gia cho rằng chỉ là một lọ muối; còn hậu quả của sự dối trá đã dẫn đến chiến tranh, gây ra bao nỗi đau khổ của hàng triệu con người vô tội thì vẫn tiếp diễn.

Năm 2008, khi sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông G.Bush đã thú nhận trên kênh truyền hình ABC (được tờ Guardian dẫn lại) rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông.

Bản thân cựu Ngoại trưởng Colin Powell cũng từng thừa nhận đã bị CIA lừa để ông công bố những bằng chứng không có thực ở LHQ.

8. “Tạo cớ” ở Syria?

Hàng chục người chết thảm và hàng trăm người bị thương trong một vụ tấn công được cho là dùng vũ khí hóa học ở Syria ngày 7-4.

BBC dẫn nguồn từ tổ chức Mũ Bảo hiểm trắng (White Helmets) và các nhóm cứu hộ địa phương cho biết, vụ tấn công này làm hàng chục người "chết ngạt" và hàng trăm người khác bị thương ở Douma, một khu ngoại ô của thủ đô Damascus thuộc vùng Đông Ghouta.

Một số hình ảnh và video được đưa lên mạng xã hội cho thấy hàng chục dân thường bỏ mạng với bọt trắng đầy miệng và mũi. Một số video chiếu cảnh phụ nữ và trẻ nhỏ chết khắp các căn phòng.

Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, lực lượng quân đội Nga ở Syria đã tìm ra bằng chứng cho thấy, vụ tấn công hóa học ở Douma là giả mạo.

Kênh truyền hình "Nước Nga-24" đã quay lại đoạn phỏng vấn cậu bé Syria Hassan Diab từng xuất hiện trong đoạn clip của tổ chức Mũ Bảo hiểm trắng ghi lại cảnh chạy chữa những nạn nhân bị ảnh hưởng của một cuộc tấn công vũ khí hóa học.

Câu chuyện cậu bé kể đã được người cha xác nhận và nói thêm rằng không có cuộc tấn công hóa học nào xảy ra tại Douma. Những người đã tham gia vào việc dàn dựng các cảnh quay sẽ được cho quả chà là ngọt, bánh quy.

Kênh truyền hình Nga VGTRK đã công bố video, ghi lại toàn cảnh phòng thí nghiệm sinh hóa ở Douma do nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Jaish al-Islam xây dựng.

Hiện câu chuyện “sử dụng vũ khí hóa học ở Syria” vẫn chưa có hồi kết. Mọi việc đều phải chờ kết luận của các thanh sát viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại