"Pantsir cũng chỉ bắn bừa, thì S-300 làm gì được Tomahawk ở Syria!"

QS |

Đó là nhận định của chuyên gia Mỹ Omar Lamrani khi bình luận về thông tin Nga có thể chuyển giao S-300 cho Syria.

Hôm thứ Tư, Nga một lần nữa nhắc lại khả năng cung cấp hệ thống tên lửa đất-đối-không tiên tiến S-300 cho Syria để củng cố năng lực phòng không của nước này trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực, buộc Damascus ngừng sử dụng vũ khí hóa học.

Trước đó, Moscow từng tuyên bố S-300 có thể bắn hạ các tên lửa hành trình của Mỹ, đồng thời khẳng định, trong cuộc tấn công của liên quân vừa qua nhằm vào Syria, các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô đã đánh chặn được hàng chục tên lửa của Mỹ.

Tuy nhiên, trao đổi với Business Insider, chuyên gia phân tích quân sự Omar Lamrani đến từ công ty tư vấn địa chính trị Stratfor (Texas, Mỹ) cho rằng, kể cả khi được triển khai đến Syria, S-300 cũng "không làm thay đổi được gì nhiều".

Theo ông Lamrani, S-300 "có khả năng chống lại mọi loại mục tiêu, nhưng tiêu diệt tên lửa hành trình không phải là sở trường của nó".

Trong những năm gần đây, Mỹ đang thiên về các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, bởi chúng là các phương tiện không người lái có thể bay xa hơn 1.600km để tấn công mục tiêu với độ chính xác "đáng kinh ngạc".

Điều đó cho phép các phương tiện mang tên lửa của Mỹ như máy bay ném bom và tàu hải quân tiến hành tấn công từ các vị trí an toàn.

Tên lửa hành trình - Cơn ác mộng

Pantsir cũng chỉ bắn bừa, thì S-300 làm gì được Tomahawk ở Syria! - Ảnh 1.

Vệt sáng được cho là từ tên lửa hành trình của liên quân trong cuộc không kích Syria đêm 13/4. Ảnh: AP

Tomahawk, thứ vũ khí được Hải quân Mỹ lựa chọn trong các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, chỉ có đường kính 0.52m.

Không cần phi công điều khiển, nó là một mẫu máy bay siêu nhỏ có thể ôm sát địa hình, len lỏi qua các dãy núi và chỉ vọt lên khi đã áp sát mục tiêu.

Tất cả những tính năng đó của Tomahawk khiến việc phát hiện và theo dõi chúng không khác gì một "cơn ác mộng".

"Trở ngại khi đối phó với tên lửa hành trình là chúng bay rất thấp, khiến đối phương không thể phát hiện ra cho tới khi bị chúng áp sát" – ông Lamrani nói, đồng thời lưu ý rằng S-300 chỉ phát huy hiệu quả cao nhất trước các phi cơ bay tầm cao.

Trên thực tế, theo ông Lamrani, các hệ thống phòng thủ mà Nga dùng để chống lại tên lửa hành trình Mỹ sẽ là những tổ hợp đã được triển khai và sử dụng tại Syria. Mà theo Lầu Năm Góc, những hệ thống phòng không của Syria (do Nga sản xuất) đã thất bại thảm hại trong cuộc tấn công của liên quân đêm 13/4.

Ông Lamrani cho rằng, Nga đã triển khai từ các hệ thống phòng thủ tầm ngắn cho tới các tổ hợp S-300 để chống lại mối đe dọa từ tên lửa hành trình, bởi họ biết rằng S-300 có năng lực hạn chế ở khía cạnh này.

Trong khi đó, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống phòng không Pantsir, Osa, Strela-10, Buk, Kvadrat, và S-125 của Syria đã đánh chặn thành công 46 tên lửa hành trình của liên quân trong cuộc không kích đêm 13/4.

Tuy nhiên, "các hệ thống phòng không tầm ngắn, như Pantsir, đã được sử dụng tại Syria và cho tới nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng phát huy được bất cứ hiệu quả gì, ngoại trừ việc bắn bừa vào không trung sau khi cuộc không kích của liên quân gần kết thúc" - ông Lamrani nói.

Vài ngày sau cuộc tấn công của liên quân, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Syria lại bắn bừa vào hư vô. Lần này, Damascus tuyên bố các tổ hợp của họ đã trở thành "nạn nhân" của một cuộc tấn công điện tử.

Song, ông Lamrani cho rằng, thậm chí nếu các hệ thống phòng không Syria có tác chiến một cách thuần thục trước tên lửa hành trình đi chăng nữa thì "Mỹ cũng sẽ khiến chúng choáng ngợp với Tomahawk".

"Một khi muốn đánh, Mỹ sẽ đánh"

Hải quân Mỹ công bố video tàu ngầm USS John Warner phóng tên lửa hành trình tấn công Syria

Theo Business Insider, một khi Mỹ đã muốn thì họ sẽ tấn công. Mỗi tàu ngầm của Mỹ có thể mang 150 tên lửa Tomahawk trở lên, và Washington có thể giội xuống một cơn mưa tên lửa khổng lồ bắn từ các tàu chiến trên khắp khu vực.

Nếu Syria có 100 tên lửa đánh chặn thì Mỹ có thể bắn ra tới 200 tên lửa, thậm chí nhiều hơn nữa.

"Một cuộc tấn công quy mô lớn bằng hàng tá tên lửa hành trình sẽ đánh trúng mục tiêu và gây thiệt hại" – ông Lamrani nói.

Mặc dù Nga và đồng minh Syria có thể đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về khả năng ngăn chặn Mỹ nhưng tính tới thời điểm này, Mỹ đã tấn công Syria 2 lần mà không hề hấn gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại