Những 'vận đen' nào đang đeo bám Facebook?

Hoàng Anh |

Hàng loạt quốc gia lên tiếng yêu cầu Mark Zuckerberg, CEO Facebook ra điều trần để trả lời những câu hỏi liên quan đến dữ liệu người dùng.

2018 là một năm đen tối của Facebook khi mạng xã hội này liên tiếp dính phải các scandal.

Tuần trước, báo New York Times đăng bài viết khẳng định mạng xã hội lớn nhất thế giới âm thầm thuê công ty truyền thông Definers Public Affairs, có trụ sở ở Washington, nhằm mục đích viết và phát tán các nội dung nói xấu Apple và Google, cũng như tìm cách "nói giảm nói tránh" về tác động của Nga trong việc can thiệp đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Những vận đen nào đang đeo bám Facebook? - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg, CEO Facebook. (Ảnh: Bloomberg)

Dù Facebook cho biết đã chấm dứt quan hệ với Definers Public Affairs, còn Mark Zuckerberg tỏ ra thiện chí, sẵn lòng trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, nhưng điều đó là chưa đủ và cổ phiếu của họ liên tục đi xuống sau tố cáo của New York Times.

Trong khi Facebook đang phải giải quyết vấn đề trên, họ tiếp tục đương đầu với một thách thức mới.

Tuần này, có tổng cộng 8 quốc gia gồm Australia, Argentina, Ireland, Anh, Canada, Brazil, Latvia và Singapore đề nghị CEO Facebook trực tiếp ra điều trần . Các quốc gia sẽ cử đại diện đến London (Anh) ngày 27/11 để chất vấn Mark Zuckerberg về vấn nạn tin giả mạo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Hiện Facebook vẫn trì hoãn và chưa lên tiếng có đồng ý điều trần hay không. Trước đó, Zuckerberg mới chỉ xuất hiện trước Lưỡng viện Mỹ và nghị viện châu Âu, đồng thời nhiều lần từ chối các yêu cầu điều trần từ những quốc gia như Anh và Canada.

Các vụ điều trần này xuất phát từ bê bối Cambridge Analytica - vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook, được giới truyền thông phanh phui từ ngày 17/3.

Cụ thể, từ năm 2013, một giảng viên Đại học trả tiền cho những người trả lời ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng yêu cầu tiếp cận các thông tin như vị trí và danh sách bạn bè của họ. Có 27.000 người đồng ý tham gia. Với mạng lưới kết nối bạn bè, kết quả tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin. Dữ liệu này cuối cùng rơi vào tay công ty Cambridge Analytica.

Facebook biết về vụ thu thập từ trước đó và yêu cầu Cambridge Analytica xóa dữ liệu. Tuy nhiên, đến tận đầu năm nay, Facebook mới biết Cambridge Analytica không hề xóa thông tin như đã tuyên bố.

Đáng chú ý, lượng thông tin khổng lồ này được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Scandal khiến CEO Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Năm 2017, nhiều người cho rằng Mark Zuckerberg nên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới để có cơ hội trở thành người đầu tiên vừa đứng đầu nước Mỹ vừa là ông chủ của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sang tới năm nay, Zuckerberg đã dần đánh mất niềm tin. Nhiều nhà đầu tư không hài lòng với những lần "xử lý sai" của Zuckerberg trong các cuộc khủng hoảng thời gian qua và liên tục yêu cầu CEO này từ chức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại