Ngày 4/9/2014, Tổ chức Y tế Thế giới có bài báo cáo đầu tiên về vấn đề phòng chống tự tử với tiêu đề: "Ngăn chặn tự tử - Vấn đề cấp thiết hàng đầu".
Bản báo cáo cho biết, mỗi năm có 800.000 người chết do tự tử, ước tính cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử.
So với yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh tật dẫn tới tự tử, trong cuộc sống hàng ngày cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tự tử nhưng rất nhiều người xem nhẹ.
10 việc làm dưới đây nếu như bạn đã từng mắc phải thì có nghĩa là bạn cũng đang "tự sát" một cách từ từ.
1. Uống rượu bị đỏ mặt nhưng vẫn tiếp tục uống
Đỏ mặt khi uống rượu là phản ứng phổ biến ở nhiều người, có người mặt đỏ đến mức trông như "gà chọi".
Bác sĩ Lưu Hân, Phó chủ nhiệm khoa Phòng chống bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh (TQ) nhấn mạnh, bị đỏ mặt khi uống rượu không phải là vấn đề nghiêm trọng mà chỉ là dấu hiệu nhắc nhở bạn không nên uống quá nhiều.
Nhưng rất nhiều người cho rằng trải qua một thời gian "rèn luyện tửu lượng", khi tửu lượng đã nâng cao thì không có vấn đề gì.
Người dễ đỏ mặt khi uống rượu nếu vẫn tiếp tục uống, cơ thể tích tụ càng nhiều chất acetaldehyde, tạo thành mối nguy hiểm lớn, là cách "tự sát" một cách từ từ.
Bạn nên biết kiểm soát dừng cuộc vui đúng lúc, tránh để quá chén mà "đỏ mặt" (Ảnh minh họa)
2. Đi tắm hoặc xông hơi ngày sau khi uống rượu
Không ít người có sở thích tắm hoặc xông hơi ngay sau khi uống rượu để cảm thấy thoải mái và tỉnh rượu hơn.
Bác sĩ Lưu Hân nhấn mạnh, tắm nước nóng hay tắm hơi dễ dẫn đến cơ thể tích tụ nhiệt không phát ra được, nếu như đang ở trạng thái say rượu dễ dẫn đến buồn nôn, ói mửa thậm chí ngất xỉu.
Tắm không làm cho tỉnh rượu mà còn khiến cho gan không kịp bổ sung glucose đã bị tiêu hao trong máu, thêm vào đó là sự kích ứng của nước lạnh, huyết quản co lại, có thể dẫn đến vỡ mạch máu.
Tắm ngay sau khi uống rượu dễ dẫn tới đột quỵ (Ảnh minh họa)
3. Nhịn khóc
Các chuyên gia Phòng thí nghiệm nghiên cứu tâm thần học tại Trung tâm y tế St. Paul - Ramsey (Mỹ) phát hiện rằng nước mắt có thể giải tỏa áp lực.
Sau khi phân tích hóa học thành phần nước mắt, họ đã phát hiện trong nước mắt có chứa 2 thành phần hóa học chủ yếu là enkephalin và prolactin.
Hai chất này chỉ khi chịu sự tác động của cảm xúc mới xuất ra. Còn nếu kích ứng từ hành tây thì không có dấu hiệu chảy nước mắt.
Nữ giới thường có tuổi thọ cao hơn nam giới, ngoài nguyên nhân có ưu thế về nghề nghiệp, thể chất, nội tiết tố nữ, tâm lý thì hay khóc cũng là một yếu tố quan trọng.
Thông thường sau đi khóc, cường độ cảm xúc sẽ giảm 40%. Trái lại, nếu bạn cố kiềm chế nước mắt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bạn, nhịn khóc cũng giống như "tự sát" một cách từ từ.
Những khi cần khóc chúng ta cũng không nên nhất thiết phải ép mình kiềm chế (Ảnh minh họa)
4. Ăn trái cây đã bị hỏng
Hiện nay, thói quen mua bán qua mạng ngày càng phổ biến, rất nhiều người thích mua trái cây để ăn dần. Nếu trái cây mua nhiều để lâu sẽ bị hư thối.
Một số người cho rằng gọt bỏ phần hư thối đi thì vẫn ăn được, nhưng bác sĩ Vương Đông Húc thuộc bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh Trung Quốc lưu ý hoa quả thối hỏng hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Trong trái cây bị thối sẽ sinh ra những chất làm rối loạn tiêu hóa, đặc biệt còn sản sinh ra một loại độc tố vi nấm có tên là patulin, làm tổn thương tế bào nghiêm trọng, thậm chí có thể bị ung thư.
Loại bỏ những phần bị hỏng không có nghĩa là trái cây đó đã an toàn, bởi vì nấm patulin đã lây sang phần khác mà mắt thường không nhìn thấy được.
5. Ăn quả vải khi đói
Bác sĩ Trương Vĩnh Văn phó chủ nhiệm khoa Nội tiết bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh Trung Quốc cho hay, ăn nhiều vải dẫn đến hạ đường huyết, hàm lượng đường fructose trong quả vải rất cao.
Nếu như cơ thể chỉ hấp thụ một lượng nhỏ đường fructose thì đường fructose sẽ chuyển hóa thành đường glucose, tăng lượng đường glucose dự trữ trong gan.
Nhưng nếu cơ thể hấp thu một lượng lớn đường fructose, lúc này đường fructose sẽ trở thành nguyên liệu cho quá trình tổng hợp chất béo.
Ngoài ra, hấp thụ quá nhiều đường fructose sẽ kích thích sự tiết insulin, insulin tiết ra nhiều sẽ dẫn đến giảm đường huyết trong cơ thể.
Đồng thời, lúc này đường fructose không chuyển hóa kịp thành đường glucose, không kịp bổ sung lượng đường trong máu, từ đó dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết.
Không ăn vải khi đói để tránh gây ra nguy hại cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
6. Mở điều hòa ngay khi lên xe ô tô
Một số người có thói quen mở điều hòa ngay khi lên xe ô tô. Thực chất đây là một thói quen gây hại cho sức khỏe.
Bởi vì, lúc này chất khí formaldehyde và các chất độc hại khác có trong xe chưa kịp bay đi, cơ thể sẽ hấp thu toàn bộ chất độc này, trong một thời gian dài, dễ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Vì thế, khi lên ô tô việc đầu tiên cần làm là mở cửa sổ và bật quạt thông gió, đợi cho các chất khí độc thoát ra ngoài rồi sau mới mở điều hòa, nên đặt một số túi than hoạt tính để hút các khí độc.
7. Không khát không uống nước
Theo số liệu điều tra cho thấy, phần lớn mọi người thường cảm thấy khát mới uống nước. Đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm vì khi bạn cảm thấy khát thì lúc đấy cơ thể của bạn đã bị mất 1% nước rồi.
Uống nước không phải chỉ là để thỏa mãn cơn khát, mà còn để góp phần vào quá trình trao đổi chất, để cơ thể hô hấp dễ dàng hơn, thiếu nước trong một thời gian dài sẽ làm gia tăng độ đặc của máu, dẫn đến các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, không uống nước sẽ tạo thói quen uống nước ít, cơ thể sẽ ngày càng "khô héo". Lúc đi ra ngoài cũng nên mang theo một bình nước, để có thể uống nước bất cứ lúc nào.
Nên uống nước thường xuyên bất kể là khi khát hay không, nhằm giúp cơ thể nạp đủ lượng nước cần thiết (Ảnh minh họa)
8. Thường xuyên bỏ bữa sáng
Bác sĩ Trần Dục Thiến chủ nhiệm khoa Dạ dày bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh Trung Quốc cho biết, bình thường, thức ăn qua 6 tiếng sẽ chuyển từ dạ dày đến ruột non.
Nếu không ăn sáng, axit dạ dày và enzym tiêu hóa sẽ đi "tiêu hóa" lớp niêm mạc dạ dày. Như thế một thời gian dài, sẽ gây rối loạn tiết dịch vị, gây ra các bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, viêm ruột non.
Các chuyên gia nghiên cứu đại học Texas Mỹ kiến nghị, trong khẩu phần bữa sáng nên hạn chế dầu ăn.
Bỏ bữa sáng còn có nguy cơ mắc sỏi mật. Những người ăn nhiều thịt và nhiều đồ ngọt, cũng là nguyên nhân khiến cho cơ thể hấp thu nhiều chất béo và cholesterol, dễ dẫn đến sỏi mật.
Ăn nhiều đồ ngọt sẽ thúc đẩy bài tiết insulin, kéo theo sự lắng đọng các tinh thể cholesterol trong túi mật, từ đó dẫn đến sỏi mật.
Bữa sáng đủ chất giúp bạn cân bằng dinh dưỡng, tạo năng lượng cho cả ngày (Ảnh minh họa)
9. Ăn tối quá no
So với bữa sáng và bữa trưa thì bữa tối nên ăn ít, vì sau bữa tối cơ thể không hoạt động nhiều, ăn quá no, có thể dẫn đến tăng cholesterol trong máu, kích thích gan tạo các lipoprotein mật độ thấp và rất thấp, gây xơ vữa động mạch.
Thường xuyên ăn tối no như vậy sẽ kích thích cơ thể tiết insulin - một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.
Theo Trung Y, ăn quá no sẽ khiến dạ dày nở căng, tạo áp lực lên các cơ quan xung quanh như dạ dày, ruột, gan, túi mật, tụy.
Từ đó, truyền tín hiệu nên não, lây lan sang các bộ phận khác của vỏ não, dẫn đến mất ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Việc ăn tối sai cách như ăn quá no, ăn nhiều loại thức ăn có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)
10. Thường xuyên thức khuya
Tổ chức nghiên cứu Ung thư của Anh tiến hành nghiên cứu hơn 1000 trường hợp mắc ung thư trong độ tuổi từ 30 -50 trên toàn thế giới, đã phát hiện 99,3% số đó thường xuyên thức khuya sau 12h đêm.
Bác sĩ Dương Hiểu Huy chuyên điều trị chứng mất ngủ khoa Phòng chống bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh Trung Quốc cho hay, thường xuyên thức khuya không có lợi cho sức khỏe.
Việc này không những ảnh hưởng tới giấc ngủ bình thường mà còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, dễ dẫn tới ung thư.
Để đảm bảo sức khỏe nên ngủ trước 10 giờ, nếu như vì lý do công việc hay nguyên nhân khác cũng không nên thức quá 12 giờ đêm.
Thức khuya khiến cơ thể suy nhược mệt mỏi và còn khéo theo nhiều tác hại không ngờ cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
*Theo Sina