Người xứ Kim Chi ở Liên Xô và Nga
Trong cuộc sống tôi có may mắn gặp nhiều loại người, cũng như nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau. Một trong những điều may mắn đáng kể nhất, là tôi có dịp gặp gỡ và làm việc với đại diện của đủ loại người xứ Kim Chi. Bao gồm người Liên Xô (Nga) gốc Triều Tiên, người Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc thuộc đủ mọi thành phần xã hội.
Tôi luôn có sự tò mò đặc biệt đối với người Triều Tiên. Chẳng gì thì các bậc Nho học Việt Nam ngày xưa cũng từng coi họ là "đồng chủng (?) đồng văn".
Ngay từ năm thứ nhất đại học ở Moscow State University tôi có dịp ở cùng phòng ký túc xá với anh Sergei Shegai (Co) người gốc Triều Tiên đến từ Tashkent (Uzbekistan) Liên Xô. Anh thông minh, học giỏi, cởi mở, hòa đồng, khiêm nhường và thân thiện.
Giữa anh và người Nga hoàn toàn không có bất cứ một rào cản nào về tập quán, thói quen và lối sống. Thế nhưng, tuy vẫn tham gia mọi cuộc nhậu với bạn bè người Nga, nhưng bao giờ cũng biết rút lui đúng lúc và sau đó giúp các bạn Nga "dọn dẹp chiến trường". Đồng thời, anh hầu như không bao giờ để xảy ra xung đột với ai về bất cứ vấn đề gì.
Người Triều Tiên rất cần mẫn, chịu đựng và trách nhiệm.
Ngược lại, nhiều khi anh đã làm trung gian hòa giải hoặc tài phán cho một số cuộc xung đột trong một ký túc sinh viên đa sắc tộc. Trong cuộc sống lâu dài ở nước Nga tôi có nhiều đồng nghiệp, đối tác, nhân viên và bạn bè người Nga gốc Triều Tiên. Nhìn chung, tất cả họ đều có nét giống anh Sergei Shegai.
Người Triều Tiên có mặt ở nước Nga từ năm 1860, sau khi Nga và Trung Hoa (nhà Thanh) ký Hiệp ước Augun. Theo đó, Trung Hoa nhượng cho Nga quyền khai thác toàn bộ miền duyên hải Viễn Đông (có thành phố Vladivostok) rộng lớn và nước Nga trở thành có biên giới chung với Triều Tiên.
Trong gần 160 năm ở Nga, người Triều Tiên đã trải qua vô số thử thách. Đỉnh điểm là cuối tháng 9/1937, Stalin đã ra lênh trục xuất toàn bộ người Triều Tiên ở Viễn Đông đến Trung Á.
Trong vòng vài ngày, các làng của người Triều Tiên bị quân đội bao vây, họ bị cấm rời khỏi nơi cư trú, và hơn 172.000 người Triều Tiên đã bị các nhân viên an ninh áp tải ra tầu hỏa, chất lên các toa tầu hàng đưa thẳng về Trung Á.
Những người bị buộc di cư cưỡng bức chỉ được mang theo vài bộ quần áo và một vài vật tùy thân tối thiểu. Họ phải di chuyển trong các toa chở hàng, được đặt các giường tầng không có bất cứ tiện nghi nào. Một chuyến đi kinh hoàng có hàng trăm người chết và rất ít người Triều Tiên muốn nhớ lại.
Một người Triều Tiên đang chăm vườn rau |
Ở các khu định cư mới Trung Á, người ta đã xếp họ vào ở tạm các khu chăn nuôi gia súc của các nông trường và phát cho họ khẩu phần tối thiểu một lần. Người Triều Tiên đã phải tổ chức lại cuộc sống từ số không. Dù được người địa phương, đặc biệt là người Uzbek tương trợ, nhưng họ phải cố gắng lắm mới sống sót qua khỏi mùa đông khắc nghiệt đầu tiên.
Người Triều Tiên đã đi lên từ việc tổ chức các nông trang chuyên trồng hành và dưa hấu. Hành và dưa hấu của họ rất chất lượng và dần dần có tiếng toàn Liên Xô. Ngoài ra, người Triều Tiên đã phát triển thêm món kim chi truyền thống và các biến tấu khác của món này. Nhờ hương vị độc đáo và cách đóng gói hợp lý, món kim chi Triều Tiên đã được toàn thể người dân Liên Xô và người Nga hiên nay ưa thích và người Triều Tiên đã tạo được cho mình thương hiệu.
Cũng nhờ thu nhập không nhỏ từ những mặt hàng nói trên, cùng với sự trung tín, chăm chỉ, kiên nhẫn và chịu đựng vô biên, người Triều Tiên đã tạo được điều kiện cho bản thân và con cái họ học hành. Từng bước, họ đã vươn lên trở thành một thành phần không thể thay thế trong mọi lĩnh vực, trong các đô thị Trung Á và về sau trong nhiều khu vực khác ở Liên Xô.
Hiện nay có khoảng hơn bốn trăm ngàn người Triều Tiên sống trong các nước thuộc Liên Xô cũ (riêng ở Nga là hơn 160 ngàn). Họ có mặt ở đỉnh cao trong mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội ở Liên Xô ngày xưa và nước Nga hiện nay.
Đa phần họ vẫn giữ nguyên mái tóc đen và đôi mắt một mí, vẫn ăn tương, xì dầu, đậu phụ và kim chi trong bữa ăn hàng ngày. Tất nhiên, họ nói tiếng Nga tuyệt hảo và có tập quán, thói quen và lối sống như người Nga. Có điều tiếng Triều Tiên thì ít người biết.
Người dân Triều Tiên xếp hàng chào đón các nhà khoa học hạt nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh Reuters) |
Hai người Triều Tiên huyền thoại
Tôi xin phép nói thêm về hai người Liên Xô (Nga) gốc Triều Tiên đã trở thành huyền thoại. Thứ nhất, là Nellie Kim (1957) một vận động viên thể dục dụng cụ. Nellie Kim đã vinh danh nước Nga bằng 5 danh hiệu vô địch Olympic, 5 danh hiệu vô địch thế giới và 2 danh hiệu vô địch Châu Âu. Bà hiện là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật của Liên đoàn Thể dục Quốc tế nữ, và sống tại Minneapolis.
Viktor Tsoi (1962-1990) |
Thứ hai, là Viktor Tsoi (1962-1990), người trong một khoảng thời gian rất ngắn (bắt đầu hoạt động như là một nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ và nhà soạn nhạc từ 1978) đã trở thành nhà thơ, nhà soạn nhạc và ca sĩ nhạc rock huyền thoại. Ông là người sáng lập và lãnh đạo nhóm nhạc rock "Kino" (1984-1990) lừng danh. Trong nhóm này, Viktor Tsoi là ca sĩ chính, ông cũng vừa chơi guitar, vừa làm thơ và soạn nhạc cho nhóm.
Những bài hát của Viktor Tsoi đến nay vẫn được rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng. Ông được dựng tượng kỷ niệm và tên ông được đặt cho đường phố ở nhiều thành phố ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Nellie Kim đã vinh danh nước Nga bằng 5 danh hiệu vô địch Olympic, 5 danh hiệu vô địch thế giới và 2 danh hiệu vô địch Châu Âu |
Có thể nói người Triều Tiên là một trong những cộng đồng nhập cư và không phải Nga hội nhập thành công nhất ở nước Nga hiện nay. Họ là một trong số không nhiều cộng đồng dân tộc ở Nga, được người Nga đối xử thực sự tôn trọng, thân thiện và bình đẳng.
Vai trò của Hàn Quốc trong việc tạo dựng vị thế này là có, nhưng không đáng kể. Tôi có khá nhiều người thân quen trong cộng đồng này. Một vài người có quan hệ làm ăn với Hàn Quốc, nhưng rất ít người trong số họ muốn về Hàn Quốc định cư (khác hẳn so với người gốc Đức và Do Thái).
Theo tôi, có lẽ bí quyết thành công của người Triều Tiên chỉ bao gồm hai điểm chính. Một, là tuyệt đối giữ chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu những người trung tín. Dù ban đầu, sản phẩm chỉ là hành, dưa hấu và kim chi. Hai, là luôn tôn trọng, thân thiện với những giá trị của người Nga bản xứ và là những người bạn chân thành của họ. Những điều tưởng chừng đơn giản, nhưng lại thể hiện một tư duy chiến lược của cộng đống người Triều Tiên ở Nga.
Các nhà khoa Triều Tiên và bom hạt nhân
Tôi từng có dịp làm việc với người Triều Tiên một vài năm giữa thập niên 1980, tại một trung tâm khoa học hạt nhân của các nước XHCN ở ngoại ô Moskva. Đồng thời đó cũng là Trung tâm Vật lý Hạt nhân Quốc tế hàng đầu thế giới.
Kỷ luật là tính cách của người Triều Tiên |
Trung tâm Quốc tế Vật lý Hạt nhân này là nơi có trang thiết bị và điều kiện làm việc rất tốt, tọa lạc tại một thành phố nhỏ bên bờ sông Volga. Cuộc sống ở đó rất dễ chịu, mức sống cao hơn nhiều so với các thành phố khác ở Liên Xô thời đó. Đời sống văn hóa cũng khá phong phú.
Những người Bắc Triều Tiên tỏ ra vô cùng chăm chỉ, rất chịu khó học hỏi. Đồng thời cũng tỏ ra rất tuân phục và kỷ luật, có phần hơn người Việt Nam. Tuy nhiên, khác với người Việt Nam thường rất quan tâm đến chuyện "tích lũy" công bố khoa học để làm luận án tiến sĩ, người Bắc Triều Tiên dường như được lập trình cho một mục tiêu khác.
Khoa học đối với họ không được phép định lượng bằng số lượng bằng cấp, dù cao cỡ nào. Mà ngược lại phải thực học và thực nghiệp.
Qua quan sát của tôi hồi đó, có vẻ họ được tổ chức, được phân công mỗi người làm một công việc cụ thể, góp sức cho một một đề án chung nào đó. Họ chỉ quan tâm đến học hỏi các kỹ năng, học hỏi kỹ thuật và cố gắng sưu tầm, thu góp những thiết kế cụ thể. Dù có thể làm người Nga e dè cảnh giác.
Kết quả, ngay từ giữa thập niên 1980 họ đã tự mình chế tạo được Microtron, một loại máy gia tốc điện tử cỡ nhỏ, theo thiết kế của riêng họ. Đây là một thiết bị chuyên dùng trong kỹ thuật phân tích kích hoạt các loại mẫu quặng địa chất và sản phẩm công nghiệp. Một việc mà ngoài Liên Xô và Trung Quốc, trong số các nước XHCN lúc đó, chỉ có Đông Đức và Tiệp Khắc có thể làm được.
Vì vậy, về sau này khi nghe nói, Bắc Triều Tiên làm được bom hạt nhân, tôi không quá ngạc nhiên. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận là họ rất giỏi.
Các cổ động viên Triều Tiên |
Đơn giản là vì để làm được bom hạt nhân, ngoài kiến thức vốn một điều không dễ có (vì ngay cả hiện nay cũng không ai dám phổ biến), còn cấn rất nhiều tiền. Chi phí cho quả bom hạt nhân đầu tiên của Mỹ là $2 tỷ (năm 1945), hay là khoảng $30-40 tỷ theo thời giá hiện nay. Nhưng tất cả những điều này chỉ là những điều kiện cần (khoảng 30% công việc).
Còn điều kiện đủ là phải có một Tổng công trình sư siêu hạng và một đội ngũ hậu cần rất giỏi. Ngày xưa dù có sẵn thiết kế bom hạt nhân của Mỹ (do vợ chồng Rosenberg lấy được và giao cho Liên Xô).
Lại có một nhà tổ chức siêu quyền lực là Lavrenti Beria, Liên Xô cũng mất 4 năm mới làm được quả bom hạt nhân đầu tiên. Hiện nay, đó chính là điều mà Iran chưa bao giờ có, cũng như họ không có một vài phẩm chất khác của người Triều Tiên. Dù rằng, Iran không hề thiếu kiến thức và càng không hề thiếu tiền.
Có thể nói đó là con bài duy nhất khả dĩ, xét hoàn cảnh của ông và Bắc Triều Tiên trong ván bài đấu tranh quyền lực đan xen giữa các cường quốc.
Phải nói rằng về phương diện tư duy chiến lược, người xứ Kim Chi đã nhiều lần có dịp thể hiện trong lịch sử của mình. Thứ nhất, vua Sejong (trị vì từ 1418-1450) đã bắt đầu phát triển một hệ thống chữ viết mới là bảng chữ cái Hangeul hoàn toàn độc lập với chữ Hán.
Bảng chữ cái này chính thức được công bố vào ngày 09/10/1446 và góp phần tăng trưởng đột phá tỷ lệ người biết chữ ở Triều Tiên, nâng cao trình độ văn hóa và dân trí. Tiếp tục đề cao thực học và thực nghiệp. Một cách thoát Tống Nho Trung Hoa vô cùng hiệu quả và ngoạn mục. Nhờ vậy, họ không bao giờ bị rơi vào cái bẫy hư học khoa bảng lấy Tống Nho làm nền tảng, học chỉ cốt để làm quan như một số nước Đông Nam Á thời đó và hiện nay.
Thứ hai, tinh thần thực học và thực nghiệp của người xứ Kim Chi còn thể hiện ở việc họ đã phát minh ra kỹ thuật in xếp chữ kim loại từ thế kỷ 14. Kinh Phật Jikjisimche do Hòa thượng Baegun soạn, được in bằng chữ kim loại tai xứ Kim Chi từ 1372. Sớm hơn 79 năm, so với Kinh Thành do Gutenberg in ở Đức (1451) bằng chữ kim loại.
Phải chăng một dân tộc lớn hay nhỏ, quyết định không phải bởi lãnh thổ, tài nguyên và dân số. Mà trước hết, là ở tầm tư duy chiến lược. Môt tư duy cho phép họ hoạch định được kế sách phát triển dân tộc bền vững lâu dài đúng tiến trình lịch sử. Cũng như tự quyết định được số phận của mình trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, như người xứ Kim Chi đang thể hiện.