Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp mặt vào ngày 12/6 tại Singapore để bắt đầu quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo liên Triều. Họ đã có một sự khởi đầu tuyệt vời mà không có bất đồng, cãi vã hay bất kì hành động xúc phạm nhau nào. Hai bên đã kí một quyết định giàu ý nghĩa với khá ít chi tiết. Nhưng nhìn chung, kì Thượng đỉnh này là sự kiện cực kì đặc biệt.
Những ngày tranh cãi trước kì Thượng đỉnh
Chỉ vài ngày trước Thượng đỉnh, các kênh truyền thông đại chúng của Mỹ vẫn còn tìm mọi cách để "hạ thấp" tương lai thành công của sự kiện này.
Tờ New York Times – một trang báo luôn "chống đối" mọi thứ liên quan tới Tổng thống Trump – đã bắt đầu đăng tải những bài viết tiêu cực nhằm làm yếu đi hình ảnh của ông Trump trước khi ông tới Thượng đỉnh: theo đó, Tổng thống Mỹ không được chuẩn bị đầy đủ, không đủ năng lực để đàm phán, và được hỗ trợ bởi những nhà cố vấn có ác ý và không đủ kiến thức.
Rất ít hãng truyền thông đưa tin về những vấn đề thật sự, mà chủ yếu muốn khai thác tính cách và con người của ông Trump.
Ông Trump tỏ ra không hề quan tâm tới chuyện đó. Tại hội nghị G7 ở Toronto, khi bàn về vấn đề thương mại với Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, ông Trump đã chọn vị trí đối lập. Rất khó tin, ông Trump còn kêu gọi Nga quay trở lại làm thành viên của G7. Trước đây, Nga đã bị tước quyền thành viên khi sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Lời đề nghị của ông Trump về Nga đã thu hút được sự chú ý của nhiều người bởi: ngày 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm ông Kim Jong Un, ngầm gửi đi một thông điệp của Nga tới ông Trump.
Lãnh đạo các quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc gặp thượng đỉnh G7, Canada tìm cách làm hài lòng ông Trump. Nhưng khi Tổng thống Mỹ rời đi tới Singapore, thủ tướng Justin Trudeau đã công kích chính sách thuế quan của ông Trump đến độ mà Nhà Trắng gọi là "một cuộc họp báo nguy hiểm". Một loạt các tranh cãi bùng nổ ngay sau đó. Có phải ông Trudeau đang cố gắng hạ thấp ông Trump trước kì Thượng đỉnh?
Hay có phải ông Trump đang muốn gửi thông điệp tới ông Kim: Không ai có thể gây chuyện với Mỹ, thậm chí cả đồng minh thân cận nhất là Canada cũng không thể.
Chẳng ai biết!
Cuộc gặp tiền Thượng đỉnh tại Singapore
Ông Trump gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sau khi tới đây. Chuyện này làm tôi nhớ tới việc các nhà lãnh đạo thế giới đã nhờ tới sự tư vấn từ ông Lý Quang Diệu. Ông thường được yêu cầu cố vấn bởi tầm nhìn trong khu vực – điều rất được trân trọng trước kì Thượng đỉnh.
Sự kiện ngoại giao chưa từng có
Ông Trump và ông Kim đều đang ở trong một miền đất chưa từng được khai phá. Ông Trump đã thành công trong việc từ bỏ những nguyên tắc và luật lệ từng được sử dụng trong các cuộc đàm phán trước đây với Triều Tiên.
Những người ủng hộ cho rằng bởi vì các nỗ lực trong quá khứ đã thất bại, có lẽ Mỹ cần một thứ gì đó mới. Trang web Defense One cho rằng kì thượng đỉnh "là thử nghiệm thực tế, theo thời gian thực". CNN gọi đây là "cuộc đánh cược chưa từng có" của ông Trump
Không một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên: tất cả các cuộc gặp đều bắt đầu từ các nhà cố vấn chuyên nghiệp và lãnh đạo. Không cuộc gặp nào mà không có sự tham gia của các nước liên quan: Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc.
Khoảnh khắc bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Không cuộc gặp nào từng diễn ra bên ngoài khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Không cuộc gặp nào diễn ra mà không có sự có mặt của các cố vấn.
Không ai biết liệu ông Kim đã chuẩn bị gì cho thượng đỉnh, nhưng đối với ông Trump, ông đã nói rằng ông chưa chuẩn bị nhiều. Ông Trump nói vấn đề của thượng đỉnh là "thái độ", chứ không phải "sự chuẩn bị".
Ông Trump ám chỉ rằng ông sẽ biết liệu ông Kim có thực sự nghiêm túc về kì thượng đỉnh không chỉ sau vài phút gặp mặt. Một phong cách rất điển hình của ông Trump!
Vấn đề lòng tin
Ông Trump và ông Kim đều có những vấn đề lòng tin cần phải được giải quyết. Trong suốt 5 thập kỉ qua, Mỹ đã thường xuyên bị Triều Tiên "qua mặt" khi Bình Nhưỡng vi phạm nhiều các thỏa thuận mà nước này đã kí kết.
Mỹ tin rằng Trung Quốc là người nắm chìa khóa giải quyết cho mọi chuyện, chứ không phải Triều Tiên. Sau thời tổng thống Ronald Reagan, Mỹ đang mong muốn "tin tưởng, và có thể kiểm chứng".
Từ góc nhìn của ông Kim, Mỹ thường xuyên không giữ lời. Ông Trump hủy bỏ Thỏa thuận Hạt nhân Iran được thiết lập bởi ông Obama. Các quan chức dưới quyền ông Trump gây nên mâu thuẫn lớn khi nói Triều Tiên có thể chịu chung số phận với Libya.
Libya đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng lãnh đạo quốc gia này đã bị lật đổ bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu. Chính quyền ông Saddam Hussein cũng bị Mỹ lật đổ bởi lo ngại Iraq có "vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Cuối cùng, dưới thời ông Obama, Mỹ không thể bảo vệ Ukraine trước đòn tấn công của Nga, thậm chí cả sau khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, có lẽ niềm tin đang được gây dựng. Trong lời phát biểu, ông Kim cho rằng ông đã vượt qua những cản trở lớn để tới được Singapore. Ông Trump thừa nhận điều đó, và nói: "Đúng là như vậy".
Những người tung tin giả cho rằng ông Kim giờ đây đã cảm thấy an toàn sau khi "hạ gục" đối thủ tại Triều Tiên và không còn e ngại một cuộc đảo chính.
Tính biểu tượng
Cũng như trong mọi sự kiện ngoại giao, biểu tượng xuất hiện ở mọi nơi. Triều Tiên muốn xuất hiện ngang bằng với Mỹ. Triều Tiên đã thành công.
Ông Kim tới Singapore trên một chiếc máy bay của hãng Air China. Đây có phải là biểu tượng của sự ảnh hưởng từ Trung Quốc?
Ông Kim tới kì thượng đỉnh trước ông Trump. Phải chăng điều đó có nghĩa rằng ông nhượng lại vinh dự "về nhì" cho ông Trump? Truyền thông đều tập trung vào cái bắt tay của Trump – Kim. Ông Trump đã thực hiện cái bắt tay "có kiểm soát". Trước đây, ông Trump thậm chí còn tránh bắt tay với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ảnh: AP
Ông Trump có thắng không? Bữa ăn trưa được bày biện với món ăn từ cả Triều Tiên và phương Tây. Ông Kim có thắng không? Tại khách sạn, mọi người đều có thể thấy đủ 12 lá cờ, tương đương 6 lá cờ từ mỗi nước. Ông Kim có thắng không khi đứng chụp cùng vị tổng thống Mỹ ngay đằng trước loạt quốc kì thể hiện sự bình đẳng giữa hai quốc gia?
Điểm đáng kinh ngạc nhất của kì Thượng đỉnh
Rất nhiều bài phân tích từ báo giới ghi nhận sự "rò rỉ" của những thông tin "bí mật" tiêu cực để hạ thấp ông Trump. Nhiều thông tin xuất phát từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo. Không có thông tin nào rò rỉ trước kì thượng đỉnh. Rất tuyệt vời!
"Cuộc trò chuyện vui vẻ"
Thượng đỉnh kết thúc với việc kí thỏa thuận chung. Cả hai nhà lãnh đạo tỏ ra rất hài lòng. Ông Trump đặc biệt hứng thú khi bình luận về ông Kim. Ông Trump mời ông Kim tới Nhà Trắng; ông Kim cũng có lời mời đáp lại.
Ông Trump ngầm hàm ý rằng đã phát triển một "sự liên kết đặc biệt" và "mối quan hệ đặc biệt". Ông Trump gọi ông Kim là "tài năng". Trước đó, tổng thống Mỹ cũng vỗ vai ông Kim và cười với báo giới xung quanh. Truyền thông gọi đây là "Cuộc trò chuyện vui vẻ". Ông Trump không thất vọng.
Những điểm đã được đồng thuận
Tuyên bố bất ngờ cho thấy cả hai quốc gia đều theo đuổi...
1. Bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao song phương
2. Hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo liên Triều.
3. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo liên Triều.
4. Trao trả hài cốt các tù nhân chiến tranh về Mỹ.
Ông Trump gọi tuyên bố chung này "rất toàn diện", nhưng rõ ràng không phải.
Bản tuyên bố không đề cập tới nhân quyền, việc trao trả những con tin người Nhật, dân chủ hóa, Mỹ rút quân khỏi bán đảo, tập trận quân sự chung Mỹ - Triều, kết thúc chiến tranh Triều Tiên, gỡ bỏ cấm vận kinh tế....
Theo như tôi biết, vấn đề tù binh chiến tranh chỉ là khoản nhỏ và chưa bao giờ là đề tài thảo luận chính. Ông Trump nói người thân của những người lính Mỹ chưa trở về từ Chiến tranh Triều Tiên thường xuyên yêu cầu ông can thiệp để có thể lấy lại hài cốt.
Phi hạt nhân hóa là điểm chính của kì thượng đỉnh, nhưng lại khá mờ nhạt và không được chú trọng.
Nếu hòa bình đồng nghĩa với việc thống nhất hai miền Triều Tiên, thì đó sẽ là điểm chính yếu và có thể xuất phát từ Tổng thống Moon Jae-in. Nhưng không lời đảm bảo an ninh nào được nhắc tới.
Quan hệ ngoại giao có thể sẽ dễ dàng đạt được nếu mọi thứ đều được giải quyết.
Nếu quá khứ là "lời nói đầu", thì đây sẽ là sự bắt đầu của một quá trình diễn ra trong nhiều năm. Đây là khởi đầu tốt trên hành trình dài.
Ông Trump và ông Kim Jong Un cùng kí kết văn kiện quan trọng trong kì thượng đỉnh.
Làm rõ những điểm quan trọng trong cuộc họp báo
Trong cuộc họp báo kéo dài hai giờ đồng hồ sau kì thượng đỉnh, ông Trump làm rõ những vấn đề cần giải đáp. Về quyền con người, ông Trump cho rằng họ đang thảo luận vấn đề đó, nhưng trong tương lai, ông Trump thấy chuyện sẽ có tiến triển một khi Triều Tiên giải quyết được chương trình phi hạt nhân hóa.
Cùng lúc đó, đội ngũ của ông Trump cho ông Kim xem một video cho thấy tương lai tiềm năng của Triều Tiên. Điều này sẽ thúc đẩy quyền con người.
Ông Trump đồng ý hoãn tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn như một cách thức để bày tỏ thiện chí với thỏa thuận, nhưng cũng đồng thời là cách tiết kiệm tiền. Ông Kim thông báo Triều Tiên đang trong quá trình hủy bỏ chương trình thử nghiệm động cơ tên lửa được sử dụng cho việc vận chuyển các đầu đạn hạn nhân.
Khi được hỏi về việc ông Trump không đề cập tới chuyện giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, có thể xác nhận được và không thể đảo ngược", ông Trump ám chỉ rằng họ không có đủ thời gian để thêm cụm từ này vào thỏa thuận. Các nhà phân tích lo lắng và nói rằng cụm từ này là cần thiết để đảm bảo Triều Tiên tuân thủ cam kết.
Ông Trump ca ngợi nỗ lực của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng hạ thấp vai trò của Trung Quốc. Một cách rất điển hình, ông Trump đề cao nỗ lực của riêng ông tại thượng đỉnh và sự thất bại của người tiền nhiệm Bill Clinton, George Bush và Barack Obama.
Ông Trump rất hài lòng với những gì ông thể hiện.
Đây là họp báo duy nhất trong những tháng gần đây mà ông Trump không chỉ trích sự tiêu cực của báo chí và tin tức giả. Hơn nữa, ông Trump dường như đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng để đối đáp lại phóng viên, né tránh "các câu hỏi dài dòng" một cách rất khéo léo.
Chướng ngại vật tới thành công
Không ai nói về những trở ngại trước Quốc hội khi ông Trump phải trình một Hiệp định để được thông qua. Hiệp định phải nhận được 2/3 số phiếu từ các Thượng nghị sĩ.
Nhưng Mỹ đang có cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới vào tháng 11 và bầu cử tổng thống vào năm 2020. Hiện tại, ứng cử viên cho quốc hội và tổng thống đã khởi động. Rất khó có khả năng Quốc hội sẽ thông qua Hiệp định mà ông Trump đề xuất.
Trước đây, Tổng thống Barack Obama đã gặp trường hợp tương tự về Thỏa thuận Khí hậu Paris và Thỏa thuận Giải trừ hạt nhân Iran. Ông Obama giải quyết vấn đề bằng cách kí không thông qua Quốc hội. Hành động này có thể được coi là bất hợp pháp.
Đó là lí do tại sao ông Trump có thể lật ngược lại cả hai thỏa thuận nói trên. Ông Trump sẽ đạt được ít thành tựu nếu ông dùng lại phương cách của ông Obama.
Có thể ông Trump sẽ không quan tâm. Ông chỉ cần một giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực của mình.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại
* For English version, click here.
* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.