Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bày tỏ sự bất ngờ trước phát biểu về hủy bỏ tập trận quân sự chung với Seoul của Tổng thống Trump.
"Trước tiên, cần phải tìm hiểu dụng ý câu nói của Tổng thống Trump", Bộ Quốc phòng cho biết trong tin nhắn gửi đến các phóng viên.
Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cho biết thêm, cho đến hiện nay Mỹ-Hàn chưa tiến hành bất cứ cuộc thảo luận nào về vấn đề ngừng tập trận quân sự chung, đồng thời tiết lộ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để làm rõ ý định của ông chủ Nhà Trắng.
Tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn là cuộc diễn tập phòng thủ nhằm gây áp lực lên Triều Tiên và dựa trên cam kết bảo vệ Hàn Quốc của Mỹ. Tập trận chung và binh lính Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc được coi là xương sống của quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, tờ này cho rằng, phát biểu của Tổng thống Trump dẫn tới việc tạo nên làn sóng phản đối ở Hàn Quốc.
Hiện nay, hàng năm hai nước tiến hành 3 cuộc tập trận chung mang tên Key Resolve, Foal Eagle và Ulchi-Freedom Guardian. Ngoài ra, ba binh chủng hải lục không quân và hải quân lục chiến của hai nước cũng tiến hành huấn luyện quân sự định kỳ nên theo Yonhap hiện Seoul vẫn chưa rõ phát biểu của Tổng thống Trump là nhằm vào tất cả các cuộc diễn tập quân sự hay chỉ là các cuộc diễn tập có trang bị vũ khí chiến lược.
Ngày 2/6 vừa qua tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ James Mattis mới chỉ quyết định giảm các cuộc tập trận Mỹ-Hàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hội nghị Mỹ-Triều.
Theo Yonhap, việc đề cập đến chi phí tập trận chung của Tổng thống Trump cũng gây sự chú ý khi chi phí cho các cuộc diễn tập do hai bên cùng đóng góp. Đặc biệt, những năm gần đây, Washington liên tục yêu cầu Soeul tăng chi phí đóng góp.
Theo đó, Mỹ lần đầu yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ chi phí vào năm 1994 và đến năm 1996, hai bên bắt đầu đàm phán chia sẻ chi phí. Sau đó, theo bản ghi nhớ và thỏa thuận chi viện quân sự được ký vào tháng 2/1998, chi phí các cuộc tập trận được chia cho cả 2 bên và con số này luôn được giữ kín.
Tuy nhiên, theo báo Hàn, Mỹ từng yêu cầu Hàn Quốc gánh vác 16,4 tỷ won từ năm 1997 đến 2001 nhưng do khủng hoảng kinh tế nên nước này chỉ có thể bỏ ra 11 tỷ won, tương ứng mỗi năm là hơn 2 tỷ won. Sau này, khi vũ khí chiến lược Mỹ tăng cường xuất hiện trên bán đảo, số chi phí Seoul bỏ ra có thể cũng vì đó tăng lên hàng chục tỷ won.
Ngoài ra, tuyên bố mong muốn rút số binh lính Mỹ lên tới hơn 20.000 người đóng quân ở Hàn Quốc của Tổng thống Trump cũng khiến Bộ Quốc phòng nước này lo lắng. Một chuyên gia quân sự nhận định, song song với cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ đi vào chiều sâu, nhằm đảo bảm an ninh cho Bình Nhưỡng, Mỹ có khả năng sẽ rút bớt hoặc rút hoàn toàn binh lính ở bán đảo.