Tại sao chúng ta bị ngộ độc thức ăn
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng ta có thể bị "đầu độc" do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (nấm độc, khoai mì, khoai tây mầm, lá ngón, cá nóc....), thuốc tăng trưởng, trừ sâu, chất bảo quản vượt quá mức cho phép trong rau quả, các chất phụ gia, phẩm màu hay do các chủng vi khuẩn (thường là Salmonella, S.aureus, E.coli, Listeria, Clostridium perfringen…) có trong thức ăn được chế biến không vệ sinh, chưa được nấu chín hoặc ôi thiu, thậm chí do nguồn nước ô nhiễm…
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra nhưng không tìm được nguyên nhân.
Những biểu hiện thường gặp
Biểu hiện sau khi ăn phải những thức ăn này cũng khác nhau, tùy thuộc vào số lượng và loại tác nhân gây ngộ độc cũng như sức khỏe, khả năng đề kháng của mỗi người.
Đôi khi bạn sẽ không cảm nhận được gì khi ăn phải những thức ăn này. Chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể một thời gian dài, đến một thời điểm nào đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, rối loạn hấp thu, biến đổi tế bào làm tăng nguy cơ ung thư, mệt mỏi, suy nhược, bùng phát các bệnh lý mạn tính.
Thông thường nên nghĩ đến ngộ độc thức ăn khi có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…Trường hợp nặng có thể tức ngực, khó thở, co giật, lơ mơ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Nếu các triệu chứng này cũng xảy ra ở những thành viên khác trong gia đình hay cơ quan, những người xung quanh cùng ăn chung loại thức ăn thì khả năng bị ngộ độc gần như 100%.
Diễn tiến bệnh rất khác nhau. Trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể tự giới hạn trong vòng 48 giờ. Nhưng nếu độc lực quá mạnh và sức khỏe không tốt, tình trạng có thể xấu đi rất nhanh.
Xử trí ngộ độc thức ăn
Nếu không trầm trọng, đau bụng , buồn nôn và tiêu chảy không đáng kể, bạn có thể tự theo dõi ỡ nhà, uống nhiều nước ( sẽ tốt hơn nếu bạn uống ORS ), dùng các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc có khuynh hướng nặng hơn, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, vã mồ hôi, đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục , đi tiêu nhiều, phân có nhầy máu là những dấu hiệu đòi hỏi phải được các bác sĩ thăm khám và điều trị ngay. Bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Nếu có thể, nên mang mẫu thức ăn theo để tiện cho việc chẩn đoán và điều trị.
Phòng tránh ngộ độc thức ăn
- Nên ăn uống ở những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo qui định.
- Không dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng.
- Thịt cá, trứng, sữa .. nên mua ở những cửa hàng uy tín và phải được kiểm định.
- Chế biến, bảo quản thức ăn phải bảo đảm vệ sinh, nên chia khu vực thức ăn sống và đã nấu.
- Hạn chế dùng thức ăn không được nấu chín ( gỏi, cá sống, thịt tái, rau sống ..)
- Rửa tay trước khi ăn.
- Ở những bếp ăn tập thể, mẫu thức ăn nên được lưu lại mỗi ngày để tiện việc kiểm tra khi nghi ngờ có ngộ độc.