Những "con sóng ngầm” ở Biển Đen

NGỌC HÂN |

Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Biển Đen (hay còn gọi là Hắc Hải) từ lâu đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực về quân sự và kinh tế.

Kể từ sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, không chỉ Moscow mà cả Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực chiến lược này.

Cửa ngõ chiến lược

Biển Đen trải dài từ phía đông và nam châu Âu, chạy qua Trung Đông và châu Á. Đây là một vùng nước lớn thông ra Địa Trung Hải qua hai eo biển hẹp là Bosporus và Dardanelles, hình thành một tuyến đường biển cổ chai nối liền châu Âu và châu Á. Nằm ở vị trí vô cùng đặc biệt, Biển Đen tiếp giáp với 6 nước, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Gruzia.

Biển Đen là khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai thế giới chỉ sau Vùng Vịnh. Khu vực Biển Đen cũng được biết đến với trữ lượng khoáng sản, kim loại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Với châu Âu, Biển Đen là hành lang vận tải và vận chuyển năng lượng lớn. Với Nga, việc kiểm soát Biển Đen là vấn đề sống còn với an ninh xứ sở Bạch dương, bởi đây là lối tấn công duy nhất vào quốc gia này mà không phải đi qua Ba Lan và một loạt nước Bắc Âu khác.

Vì Biển Đen gần với vùng Caucasus và nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga, nên kiểm soát nó cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát huyết mạch năng lượng của quân đội Nga.

Thế cờ thay đổi

Có chuyên gia từng đánh giá Biển Đen trên thực tế là một “cái hồ của NATO”. Nguyên nhân vì hai eo biển Bosporus và Dardanelles kiểm soát lối ra vào Biển Đen hiện nay nằm dưới chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.

Nằm ngay phía nam của hai eo biển này là biển Aegean, cũng thuộc quyền kiểm soát của NATO. Trong trường hợp xung đột xảy ra, dù Nga có chọc thủng hai eo biển trên thì vẫn vấp phải sự chặn đánh từ biển Aegean.

Chưa hết, Mỹ cùng các đồng minh trong NATO liên tục đưa hàng loạt tàu chiến tới Biển Đen để tạo đối trọng với sự hiện diện của các tàu chiến Nga.

Ngoài việc phô trương thanh thế, hành động này của Mỹ và NATO còn phản ánh một tuyên bố ngầm rằng, Nga không phải là nước duy nhất thống trị tại một khu vực có vị trí chiến lược như Biển Đen. Chính Biển Đen có thể trở thành bàn đạp quan trọng để đưa các lực lượng quân sự tấn công nước Nga.

Tuy nhiên, thế cờ đã thay đổi khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, tạo lợi thế chiến lược cho Moscow và cũng khiến khu vực Biển Đen dậy sóng. Kể từ khi sáp nhập Crimea, Nga đã tăng cường triển khai sức mạnh khắp khu vực Biển Đen và đã có sự thành công đáng kể.

Tuy nhiên, những nước hàng xóm xung quanh Biển Đen của Nga cũng không hề ngồi im. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác, diễn tập hải quân, thảo luận về hợp tác quốc phòng chung, họ còn đánh tiếng nhờ cậy các đồng minh phương Tây với mục tiêu gia tăng đối trọng với Nga.

Đương nhiên, họ không muốn nhường lại quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực giàu tài nguyên cho Moscow.

Về phần Mỹ và NATO, sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, họ càng gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu và Biển Đen nhằm đáp trả chính sách ngoại giao của Nga mà khối liên minh này cho là mang tính khiêu khích.

Hồi tháng 10-2017, NATO đã triển khai một lực lượng đa quốc gia mới tại Romania, một động thái nhằm đối phó với Nga dọc sườn phía đông của NATO cũng như để giám sát sự hiện diện gia tăng của Moscow tại Biển Đen. Theo TASS, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ cũng được bố trí tại một căn cứ quân sự ở khu vực Deveselu của Romania.

Nguy cơ căng thẳng leo thang

Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ-trụ cột của NATO ở khu vực Biển Đen trong nhiều thập kỷ qua-đang có xu hướng ngày càng xa rời Mỹ và xích lại gần hơn với Nga, đặc biệt sau những căng thẳng gần đây giữa Ankara và Washington. Diễn biến này được dự đoán nhiều khả năng sẽ tạo ra những đợt “sóng ngầm” mới cho khu vực Biển Đen.

Với sự quay lưng của Ankara, Mỹ và NATO sẽ cần một quốc gia đồng minh khác đáng tin cậy hơn trong khu vực Biển Đen. Theo xu hướng gần đây, Romania có vẻ là sự lựa chọn số 1.

Ngày 16-8 vừa qua, nhằm tái khẳng định quan hệ liên minh đồng thời tăng cường sự ảnh hưởng ở khu vực Biển Đen, Mỹ đã công bố kế hoạch rót thêm gần 27 triệu USD để nâng cấp các căn cứ quân sự tại Romania và Bulgaria vào năm 2019.

Trang mạng Eurasia Daily Monitor dẫn lời học giả Vladimir Socor-một chuyên gia về khu vực Đông Âu, các chính sách của Liên minh châu Âu (EU), NATO và Nga-đánh giá trong số tất cả các quốc gia trong vùng Biển Đen, vùng Balkan và lưu vực sông Danube, Romania được cho là thành viên chủ động nhất của NATO và Mỹ trong không gian Biển Đen-Balkan-Danube.

Romania cũng là quốc gia duy nhất độc lập với nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Đặc biệt, Romania có tỷ lệ ủng hộ công khai NATO, Mỹ và EU cao nhất châu Âu.

Tuy nhiên, Romania cũng là quốc gia khởi xướng kế hoạch thành lập “Hạm đội Biển Đen” của NATO, việc bị phía Nga phản đối gay gắt.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Romania trở thành mũi nhọn của NATO ở khu vực Biển Đen cùng mối quan hệ đang trong thời kỳ nồng ấm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giữa Moscow và Ankara, các cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực chiến lược quan trọng này chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại