Bà Mạch Vãn Chu - con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, ông Nhậm Chính Phi, bị bắt tại Vancouver, Canada hôm 1/12 và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. BBC bình luận, vụ bắt giữ này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và không có lợi cho thỏa thuận ngừng áp thuế kéo dài 90 ngày đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina.
Canada nói gì?
Bộ Tư pháp Canada đã xác nhận thời gian và địa điểm bà Mạch Vãn Chu, Giám đốc phụ trách mảng tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch tập đoàn Huawei bị bắt giữ đồng thời nêu rõ: “Bà Mạch Vãn Chu phải trình diện tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/12 và phía Mỹ đang tìm cách dẫn độ đối tượng này”.
Bộ Tư pháp Canada cho biết cơ quan này không thể cung cấp thêm thông tin bởi bà Mạch Vãn Chu đã đề nghị một lệnh cấm công khai thông tin vụ bắt giữ và yêu cầu đã được tòa án chấp nhận. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối bình luận thông tin này.
Điều gì ẩn sau vụ bắt giữ?
Truyền thông Mỹ cho biết, giới chức nước này đang điều tra Huawei – một trong những tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới với cáo buộc tập đoàn này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Báo cáo đăng tải trên tờ New York Times cho biết, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ đã kiện Huawei vì nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.
Trước đó, các nghị sỹ Mỹ nhiều lần cáo buộc Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ với lý do công nghệ của tập đoàn có thể được sử dụng để phục vụ hoạt động do thám của chính phủ Trung Quốc. Phản ứng trước vụ bắt giữ, Thượng nghị sỹ Mỹ Ben Sasse cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện những hành vi gây tổn hại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ “thông qua các tổ chức tư nhân”.
Trung Quốc và Huawei phản ứng
Theo thông báo của tập đoàn Huawei, bà Mạch Vãn Chu đã bị bắt giữ khi đang quá cảnh giữa các chuyến bay tại Canada. Tập đoàn này cũng khẳng định đã tuân thủ tất cả các quy định và điều luật tại những nơi tiến hành hoạt động, trong đó có cả quy định kiểm soát xuất khẩu thiết bị viễn thông và lệnh trừng phạt, điều luật của Liên Hợp Quốc, Mỹ cùng Liên minh Châu Âu”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ngay lập tức ra tuyên bố phản đối vụ việc trên. Tuyên bố nhấn mạnh, Canada đã thực hiện theo yêu cầu của Mỹ, bắt giữ một công dân Trung Quốc không vi phạm luật pháp của Mỹ hay của Canada”. “Phía Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối với Mỹ và Canada, hối thúc các nước này ngay lập tức sửa chữa hành vi sai lầm và trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu”.
Tại sao Huawei là mối lo ngại với Mỹ và phương Tây?
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Thời gian gần đây, tập đoàn này đã vượt Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung. Chính phủ một số nước phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp cận được mạng viễn thông 5G và các mạng thông tin của họ khác nhờ Huawei, qua đó mở rộng hoạt động do thám.
Sự lo ngại về an ninh đã khiến tập đoàn BT Group của Anh gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng cung cấp dịch vụ 3G và 4G và cho biết sẽ áp dụng nguyên tắc này đối với cơ sở hạ tầng viễn thông 5G. New Zealand đã cấm sử dụng trang thiết bị của Huawei do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, sau khi Australia áp đặt lệnh cấm tương tự đối với tập đoàn này và tập đoàn công nghệ ZTE của Trung Quốc.
Mỹ đã thực hiện nhiều vụ kiện đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc với cáo buộc xâm nhập hệ thống an ninh mạng hoặc vi phạm biện pháp trừng phạt đối với Iran. Hồi đầu năm 2018, Mỹ đã cấm các công ty nước này xuất khẩu trang thiết bị cho ZTE khiến ZTE bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện cho công ty sản xuất chip của Trung Quốc Fujian Jinhua./.