Nhóm nghiên cứu từ Trường Y New Jersey (Mỹ) đã phân tích 6.000 tình nguyện viên trưởng thành với độ tuổi trung bình là 37, với gần một nửa là nữ giới. 24% các tình nguyện viên này đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp , theo tiêu chuẩn là trên 130/80 mmHg.
Những người tham gia được phân thành 2 nhóm là có mỡ chân cao (34% trở lên với nam và 39% trở lên với nữ) và mỡ chân thấp.
Mỡ bụng làm tăng nguy cơ cao huyết áp nhưng mỡ ở chân thì ngược lại, theo nghiên cứu mới - ảnh: MEDICAL NEWS TODAY
Theo bài báo cáo mới đây tại phiên họp khoa học trực tuyến của Hiệp hội tim mạch Mỹ, các tác giả cho biết kết quả của họ hoàn toàn ngược với suy nghĩ bấy lâu của số đông là mỡ và bệnh tim mạch có liên quan tới nhau.
Bởi lẽ, trong nghiên cứu này, người có mỡ ở chân nhiều có tỉ lệ mắc cao huyết áp thấp hơn người có đôi chân ít mỡ đến 61%, đồng nghĩa với nguy cơ gặp các biến chứng chết người của bệnh như cơn nhồi máu cơ tim sẽ thấp hơn.
Trái lại, mỡ quanh bụng sẽ làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Nghiên cứu chưa xoáy sâu vào nguyên nhân của vấn đề, nhưng các nhà khoa học cho rằng vấn đề nằm ở dáng người: thường mỗi người mỡ sẽ tập trung vào một vị trí nào đó nhiều nhất tùy vào cơ địa. Người bị tích mỡ chủ yếu ở đùi ít bị tích mỡ ở bụng hơn, do đó cũng giúp giảm được nguy cơ nhiều bệnh liên quan đến "vòng 2" to.