Dù mọi người khi nghe nhắc đến ung thư thường nghĩ đến ung thư vú, cổ tử cung ung thư gan, phổi… nhưng ung thư da cũng là một trong những dạng ung thư rất phổ biến nhất.
Căn bệnh này có thể tiến triển rất nhanh, nhưng “nếu phát hiện sớm, bạn có thể chỉ đơn giản cần thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối ung thư, và theo dõi," bác sỹ Dirk Elston, chủ tịch Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), cho biết.
Tăng nhận thức về ung thư da và biết cách nhận biết những dấu hiệu cảnh báo bệnh, do đó, là việc làm đơn giản rất cần thiết để bạn bảo vệ mạng sống của mình.
Và bạn chỉ cần:
(Ảnh: Internet)
1. Đến bác sỹ da liễu định kỳ
Chúng ta cần đi khám tổng quát để theo dõi tình trạng sức khỏe nói chung, bên cạnh đó nhớ rằng cũng cần đến những bác sỹ chuyên khoa - người có kiến thức sâu nhất với những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình.
Và lưu ý, bạn nên tìm đến bác sỹ da liễu trị bệnh thay vì bác sỹ da liễu chuyên về thẩm mỹ - nếu bạn đi khám tư và phòng khám không ghi rõ, bạn có thể đơn giản tham khảo trang web hoặc danh sách các gói điều trị, nếu thấy chủ yếu là về tiêm filler và điều trị laser, đó là công việc chính của họ.
2. Khám kỹ càng, không bỏ sót, và điều này có thể đồng nghĩa với việc bạn cần khỏa thân và lưu ý đến những vùng nhạy cảm
Chuyện phát hiện dấu hiệu ung thư da ở những vùng da không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhiều không phải quá phổ biến, nhưng các bác sỹ khẳng định họ đã từng thực hiện loại bỏ melanoma ở mông hoặc vùng mu của bệnh nhân - những vùng cơ thể nhạy cảm mà không chỉ chúng ta không muốn trưng ra mà cả một số bác sỹ cũng thừa nhận cảm thấy bất tiện nên không chủ động yêu cầu.
Bạn nên suy nghĩ lại về điều này, cân nhắc điều gì là quan trọng hơn - sức khỏe hay cảm giác ngại ngùng trong chốc lát.
Ít nhất, nếu bạn rất ngại để lộ quá nhiều với người khác thì hãy chủ động định kỳ kiểm tra kỹ cơ thể của mình, ngoài "vùng kín" thì còn cần đặc biệt lưu tâm đến lòng bàn chân, lòng bàn tay, và những nơi hiếm khi được chú ý như giường móng tay, kẽ ngón chân - những nơi dạng ung thư ALM dễ xuất hiện.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định những dấu hiệu ung thư da ở phụ nữ thường xuất hiện dưới chân.
Có ít hơn 6% melanoma xuất hiện trên da đầu, nhưng chúng có thể là rắc rối lớn: theo nghiên cứu trên tạp chí về Da liễu, những người bị melanoma trên da đầu hoặc cổ bị nguy cơ tử vong vì bệnh cao hơn những người bị ở chân hoặc tay đến 84%, chủ yếu vì phát hiện quá muộn.
3. Đừng quên thông báo với bác sỹ về những lưu ý sức khỏe, mức độ tiếp xúc với ánh nắng của bạn
Những thông tin về tiền sử bệnh của mình, gia đình, thói quen khi tiếp xúc với nắng hoặc thói quen tắm rám, tẩy trắng da… đều có sự liên quan rất lớn đến nguy cơ ung thư da nhưng nhiều người thường không nhớ để cung cấp cho bác sỹ.
(Ảnh: Getty Images)
Có một số loại ung thư phát triển âm thầm mà chúng ta khó quan sát được, nhưng ung thư da không như vậy, nên bạn đừng thờ ơ bỏ qua.
Hãy nhớ kỹ 5 chữ cái ABCDE sau đây, bởi chúng chính là những dấu hiệu mà nếu có, bạn phải đi khám ngay:
- A - Asymmetrical (yếu tố bất đối xứng), nếu nốt ruồi hay nốt tàn nhang của bạn không tròn, đó có thể là dấu hiệu của melanoma;
- B - Border (bờ viền), nếu bờ viền của nốt ruồi không rõ nét và lởm chởm răng cưa;
- C - Color (màu sắc), nếu màu sắc của nốt này khác với những nốt khác cũng là điều không tốt.
- D - Dimension (đường kính), nếu ngày càng lớn hơn, hãy lưu tâm, đặc biệt nếu có đường kính lớn hơn 6mm.
- E - Evolution (sự phát triển), nếu nốt ruồi của bạn đổi màu hoặc kích thước. Chữ “E” này cũng có nghĩa là Elevation (độ lồi), nếu bạn thấy nó lồi lên và bề mặt không đồng đều thì cũng cần lo lắng.
Bên cạnh đó, nếu thấy nốt ruồi của bạn chảy máu, có mảng vảy, ngứa ngáy, thấy xuất hiện trên da vết loét khó lành hoặc có 1 vùng da sần sùi thì cũng cần đi khám ngay.
Nếu may mắn không thấy những dấu hiệu này, bạn cũng đừng chủ quan mà luôn nhớ phòng tránh bệnh bằng cách sử dụng kem chống nắng đúng cách, tránh ra ngoài trời khi nắng gay gắt (từ 10 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều), nhớ đi khám định kỳ và có ý thức chú ý đến cơ thể, tự kiểm tra thường xuyên.
Theo awm, health