Nước ta hiện nay, có khoảng 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người mắc bệnh.
Với số lượng người mắc lớn như vậy, những biến chứng bệnh tiểu đường sẽ càng phức tạp, nguy hiểm hơn và trở thành thảm họa, nếu người bệnh ngày càng coi thường tính mạng, không tuân thủ theo đúng chế độ ăn uống của bác sĩ.
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là 1 trong 7 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết người ở người bệnh. Theo số liệu gần đây, cứ khoảng trên dưới 7 giây lại có 1 người chết vì bệnh này.
Bệnh ĐTĐ là căn bệnh âm thầm, nhưng nếu không chữa trị đúng cách, ăn uống đúng kiểu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh còn có nguy cơ tăng khả năng bị các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não...
Để ngăn chặn và đẩy lùi ĐTĐ, bên cạnh điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh còn phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt bao gồm: Những thức ăn không đường, ít chất béo, không rượu bia và hạn chế ăn hoa quả…
Tuy nhiên, nhiều người bệnh tiểu đường ở nước ta vẫn không tuân thủ đúng quy định trên, xả phanh ăn uống cho sướng miệng, coi thường tính mạng của chính mình.
Bà N.T.X (76 tuổi, ở Giáp Bát, Hà Nội) bị tiểu đường nặng suốt 18 năm qua chưa thuyên giảm.
Nguyên nhân chính là do, bà chưa có thói quen ăn uống khoa học, chưa tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ khiến cho tình trạng bệnh càng phức tạp "ở bệnh viện thì bệnh đỡ, nhưng, khi về nhà bệnh càng nặng thêm”.
“Nhiều lúc một bữa tôi ăn rất nhiều cơm, lại uống thêm nước cam nên chỉ số tăng cao, rất nguy hiểm. Lúc đó tôi lại phải đến bệnh viện.
Hầu hết những lần bệnh nặng hơn đều là do tôi không thể tuân thủ theo chế độ ăn đảm bảo mà các bác sĩ khuyên.
Giờ bệnh làm tôi bị ảnh hưởng cả sang các bộ phận khác như: Mắt, tim, thận… Gần đây, tôi còn bị ảnh hưởng tới phổi nữa”, bà X. nói.
Tương tự bà N.T.X là bà N.T.M ở Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), bà cũng mắc bệnh ĐTĐ trong 15 năm qua.
Bà cho biết: " Tôi bị bệnh nhiều năm, phải điều trị ở rất nhiều nơi, nhưng, do không tuân thủ chế độ ăn nên tôi vẫn thường xuyên nhập viện vì đường huyết không ổn định.
Năm nào tôi cũng phải nằm viện 1 lần, trong 10 ngày để điều trị. Bệnh này không như nhiều bệnh khác, ngay cả chế độ ăn uống cũng phải đúng theo yêu cầu mới mong đỡ được.
Lúc ở bệnh viện, tôi ăn theo chế độ nên bệnh có giảm đi nhiều. Nhưng khi ở nhà, chỉ được vài tháng đầu là tôi thực hiện, sau đó cứ đến bữa là tôi lại ăn thả ga, nên bệnh còn bị nặng hơn”, bà M trăn trở.
Theo các chuyên gia, để tránh việc “tự mình hại mình” dẫn đến thiệt mạng. Người bệnh ĐTĐ ngoài việc phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần tự trang bị cho mình lượng kiến thức tốt về ĐTĐ.
Tránh ăn nhiều thức ăn có tinh bột hay đồ ăn có lượng đường cao, để cải thiện sức khỏe của chính mình.