Số ca gia tăng
Báo cáo tại cuộc họp, BS Bùi Nguyễn Thành Long, Phó phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TPHCM, cho biết, tính từ ngày 12/4 đến ngày 4/5, thành phố ghi nhận 2.255 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.045 trường hợp phải nhập viện điều trị. Trong ngày 4/5, số ca bệnh đang điều trị là 523 trường hợp, trong đó 160 bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp và 21 ca bệnh nặng cần phải thở máy.
Số bệnh nhân mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại với nhiều trường hợp diễn tiến nặng phải thở máy. Ảnh: Vân Sơn
Từ giữa tháng 4 đến nay, số ca bệnh đang tăng dần, cao điểm số ca mắc mới tăng liên tục vào cuối tháng 4. Trong nhóm cần nhập viện, bệnh nhân trên 65 tuổi, chiếm 62%, các bệnh nhân đang thở máy hầu hết đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin nhưng là những người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, theo báo cáo của đại diện bệnh viện, đến ngày 5/5 có 33 trường hợp đang điều trị, chủ yếu là bệnh nhân trên 60 tuổi, có bệnh nền. Trong đó, 17 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở ôxy, 5 bệnh nhân thở máy xâm lấn. Số ca bệnh đang nằm trong giới hạn tiếp nhận, chưa vượt quá khả năng của bệnh viện. Tương tự, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang điều trị cho 37 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1 ca phải thở máy.
Ngoài một trường hợp tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy được xác định là do mắc COVID-19, kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp tử vong có liên quan COVID-19. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong 5 ngày nghỉ lễ có 2 trường hợp nặng xin về, trước đó các bệnh nhân đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Một trường hợp có bệnh nền viêm màng não mủ, trường hợp còn lại bị suy tim và bệnh lao. Các bệnh nhân tử vong được nhận định là do bệnh lý nền.
Tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định ghi nhận một bệnh nhân 83 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2 tử vong. Qua đánh giá chuyên môn, phía bệnh viện nhận định bệnh nhân tử vong là do bệnh nền xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho 10 trường hợp mắc COVID-19 trong đó có 1 ca 59 tuổi đang phải thở máy với tình trạng tổn thương phổi, đông đặc đáy phổi bên phải trên nền bệnh suy thận mạn tính, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì.
Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, khi dịch gia tăng trở lại, bệnh viện đã chuyển đổi công năng của khoa Bệnh Nhiệt đới thành đơn vị hồi sức COVID-19 với khả năng thu dung 45 bệnh nhân. Bệnh viện đang điều trị cho 32 trường hợp mắc COVID-19 trong đó có 4 ca phải thở máy xâm lấn, 10 trường hợp hỗ trợ thở ôxy. Theo lãnh đạo bệnh viện này, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, tại bệnh viện ghi nhận 2 trường hợp tử vong, trong đó một trường hợp ngừng tuần hoàn, hô hấp tại nhà được tổ cấp cứu 115 hồi sinh tim phổi và chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với COVID-19, sau 8 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân không qua được nguy kịch. Trường hợp thứ hai cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu trong tình trạng ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp, tổn thương gan, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhân tử vong sau 10 giờ nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh dương tính với SARS-CoV-2.
Sẵn sàng nhiều phương án
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Số ca mắc đang tiếp tục có xu hướng tăng, cần phải tiếp tục theo dõi thêm vài tuần tới mới có thể nhận định được tình hình dịch bệnh đang diễn tiến ra sao sau đợt nghỉ lễ dài với nhiều hoạt động giao lưu, du lịch. Số ca bệnh nặng tại các bệnh viện đang tiếp tục tăng nhẹ, số ca thở máy ở mức trên dưới 20 ca mỗi ngày. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều đã tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19”.
Trước tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế đặc biệt là biện pháp mang khẩu trang, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn. Chủ động phương án chuyển viện trên cơ sở hội chẩn chuyên gia đối với những ca mắc COVID-19 để chuyển đúng tuyến cần điều trị bệnh nền và các bệnh lý liên quan để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bên cạnh phương án sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến Số 13 để giảm tải cho các bệnh viện, Sở Y tế cũng đã sẵn sàng phương án kích hoạt lại tổ điều phối ca bệnh COVID-19 nhằm hội chẩn chuyên môn trong trường hợp cần thiết khi số ca bệnh nặng tăng cao.
Số bệnh nhân phải thở máy tăng mạnh
Ngày 5/5, Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân nặng và thở máy cao nhất trong hơn 6 tháng qua. Trước diễn biến này, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kí công văn về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, yêu cầu các cơ sở tăng cường bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như người bệnh nặng, thận nhân tạo, người cao tuổi, phụ nữ có thai....
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: "Miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19 không thật bền vững. Sau 4-6 tháng, miễn dịch giảm đi rất nhiều và cần tiêm nhắc lại. Lịch tiêm nhắc lại được khuyến cáo tiêm sau mũi cuối cùng đã tiêm khoảng 6 tháng".
Hà Minh